Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 23:09 (GMT +7)
Các quốc gia phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc
Thứ 3, 25/04/2023 | 07:54:17 [GMT +7] A A
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả tất cả các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Ngày 24/4, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc."
Phiên họp do Ngoại trưởng Nga (nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2023) Sergei Lavrov chủ trì với sự tham dự, phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc và đại diện hơn 50 nước thành viên.
Tại phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương vừa là khởi nguồn, vừa là trung tâm và tầm nhìn định hướng đối với mọi hoạt động của Liên hợp quốc.
Cộng đồng quốc tế cần coi các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các xung đột, tranh chấp và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử là nền tảng vững chắc để ứng phó ứng phó hiệu quả với những biến động và thách thức phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả tất cả các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tất các tranh chấp trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao. Cùng với đó, cần tận dụng mọi nguồn lực và cơ hội để ngăn ngừa xung đột và đạt giải pháp cho hoà bình và an ninh.
Chủ nghĩa đa phương chỉ hiệu quả nếu có sự thiện chí, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau với tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng. Đối thoại xây dựng và tôn trọng các quyền lợi chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các khác biệt và giảm căng thẳng.
Về vai trò của Liên hợp quốc, Đại sứ nhấn mạnh Liên hợp quốc và các cơ quan chính trong hệ thống cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối thoại và đoàn kết.
Việt Nam ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và pháp quyền như đã khẳng định trong Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an hồi tháng 1/2020 do Việt Nam chủ trì đề xuất.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nêu bật các nỗ lực và đóng góp của Việt Nam và ASEAN trong thúc đẩy các giải pháp đối với các thách thức toàn cầu và khu vực, góp phần vào việc duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng khu vực và quốc tế.
Trước đó, ngày 21/2, tại trụ sở Liên hợp quốc, phiên họp định kỳ hằng năm của Ủy ban đặc biệt về Hiến chương Liên hợp quốc (từ ngày 21/2-1/3) đã bắt đầu diễn ra, với sự tham gia của đại diện hơn 80 quốc gia thành viên.
Mục tiêu của khóa họp năm nay là tập trung thảo luận về vai trò của Hiến chương Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình cũng như vai trò của các cơ chế và thoả thuận khu vực.
Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa - Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nêu bật tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế nhằm duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức chung.
Liên quan các biện pháp trừng phạt, Phó Trưởng Phái đoàn Lê Thị Minh Thoa nhấn mạnh các biện pháp này chỉ nên sử dụng khi đó là biện pháp cuối cùng.
Để tránh các tác động bất lợi đối với các hoạt động kinh tế và đời sống của người dân, các biện pháp trừng phạt cần được xây dựng trên cơ sở pháp lý rõ ràng với mục tiêu và thời gian áp dụng cụ thể.
Ngoài ra, cũng cần có đánh giá định kỳ nhằm đảm bảo khi mục tiêu đạt được thì các lệnh trừng phạt cũng phải được dỡ bỏ.
Đại diện Việt Nam kêu gọi các ủy ban trừng phạt, nhóm chuyên gia cần xem xét đầy đủ tác động của trừng phạt đối với các nước thứ ba.
Về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, Phó Trưởng Phái đoàn Lê Thị Minh Thoa khẳng định Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc cơ bản này của luật pháp quốc tế và ủng hộ các biện pháp nêu tại Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đồng thời, Việt Nam ủng hộ việc trao đổi và chia sẻ thông tin về thực tiễn quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế và thỏa thuận khu vực để xây dựng lòng tin, ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột.
Đại diện Việt Nam khẳng định ở cấp độ khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đi đầu trong nỗ lực thiết lập hàng loạt cơ chế đối thoại hiệu quả như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Bên cạnh việc tiếp tục củng cố những văn kiện nền tảng cho hợp tác hữu nghị và giải quyết tranh chấp như Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), ASEAN cùng đối tác cũng cùng phối hợp thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ủy ban đặc biệt về Hiến chương Liên hợp quốc được thành lập năm 1975 để các nước thảo luận việc thực hiện Hiến chương. Ủy ban đặc biệt tổ chức họp hằng năm để các nước cùng bàn bạc và xem xét các đề xuất liên quan.
Kể từ khi được thông qua năm 1945 đến nay, Hiến chương Liên hợp quốc đã được sửa đổi 3 lần vào các năm 1963, 1965 và 1973./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()