Ngày 5/1, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết măng khô là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết. Trong 100 g măng khô chứa 23 g nước, 13 g protid, 2,1 g lipid, 21,5 g glucid, 36 g chất xơ... Dựa vào thành phần trên dễ nhận thấy chất xơ trong măng thậm chí nhiều hơn một số loại rau tươi.
"Hàm lượng chất xơ cao vừa tốt cho tiêu hóa, giảm cân vừa giúp phòng chống các bệnh khác. Tuy nhiên, chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải, không quá 500 gram mỗi ngày", ông Sơn nói.
Ở một số nơi, người bán thường xông lưu huỳnh để chống nấm, mốc, ẩm cho măng, nấm, mộc nhĩ. Lưu huỳnh là chất hóa học có thể bay hơi nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo hàm lượng lưu huỳnh không được vượt quá 20 mg/kg sản phẩm. Nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao, lâu dài, sẽ tổn thương về thần kinh, hành vi, hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, chức năng sinh sản, nhiễm độc máu, suy thận,...
Để loại bỏ độc tố trong măng, khi mua về, chị em cần rửa thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên bề mặt. Sau đó, ngâm cho măng nở trong ít nhất 5-6 tiếng, hoặc qua đêm để khi nấu mềm đều hơn. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước để giúp lọc sạch vị đắng và chất bẩn còn lại trong măng.
Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ, đợi ráo nước rồi cho vào nồi đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất một giờ với lửa trung bình. Sau đó, tiếp tục gạn hết phần nước đã đun, cho thêm nước mới và đun khoảng một tiếng để măng mềm đều.
Trong quá trình đun, nếu thấy nồi măng cạn, cần thêm nước sao cho măng luôn phải ngập nước.
Ý kiến ()