Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:02 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường biển: Cách làm của Vân Đồn
Thứ 5, 17/08/2023 | 08:15:20 [GMT +7] A A
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn huyện Vân Đồn có chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển bền vững KT-XH trên địa bàn.
Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trước khi có Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác quản lý và phát triển NTTS trên biển tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng NTTS tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo thống kê, huyện có tổng số 1.173 cơ sở NTTS trên biển, diện tích 3.735,5ha; trong đó có 342 cơ sở (diện tích 1.866,9ha) đã được cấp phép, 831 cơ sở chưa được cấp phép (trong đó có 722 cơ sở trong quy hoạch, 109 cơ sở ngoài quy hoạch). Sau thời điểm Chỉ thị số 13 được ban hành, trên địa bàn huyện không phát sinh hộ nuôi mới ngoài quy hoạch. Đến nay, huyện đã hoàn thành 100% di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi ngoài quy hoạch, xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp với số tiền 225 triệu đồng.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ NTTS chuyển đổi sử dụng phao xốp sang phao HDPE. Tiến hành rà soát, lập cam kết với các hộ nuôi trồng, HTX; phối hợp với ngân hàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vay vốn; hướng dẫn, kết nối các địa chỉ cung cấp vật liệu nổi đảm bảo quy chuẩn, chất lượng; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đề xuất chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn cho các hộ NTTS.
Đến hết tháng 5/2023, huyện đã vận động người dân chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn đạt 97,4%. Mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng vật liệu nhựa thay thế phao xốp trong NTTS trước ngày 31/12/2023.
Mới đây, Vân Đồn đã phê duyệt bản đồ ranh giới, vị trí các khu vực biển để nghiên cứu việc tổ chức sản xuất, cấp phép NTTS, giao khu vực biển NTTS trên địa bàn huyện. Theo đó, diện tích nghiên cứu gần 27.000ha đã được đăng ký tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Huyện cũng thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện việc tổ chức sản xuất, cấp phép NTTS, giao khu vực biển NTTS và xác nhận đăng ký NTTS lồng bè trên địa bàn huyện Vân Đồn, trong đó chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm, quan tâm tham mưu xử lý môi trường trên biển, thường xuyên nắm tình hình, xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự liên quan đến NTTS trên biển.
Từ ngày 1/8 đến 30/8/2023, huyện triển khai tổng thu gom phao xốp còn lại sau chuyển đổi tại các khu vực biển trên địa bàn, huy động lực lượng tham gia của tất cả các địa phương, đơn vị. Trong đó yêu cầu thành lập các Tổ thu gom ở các xã, thị trấn với lực lượng là cán bộ công chức, người lao động thuộc các bộ phận chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể thuộc xã, giáo viên, học sinh cán bộ thôn khu, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tham gia thu gom phao xốp tồn lưu tại các chân núi đá, các nhà bè nổi, các bờ đất ven các đảo, các tuyến luồng tàu du lịch thường xuyên hoạt động, các bến cảng và các khu vực bãi tắm cộng đồng ở các địa phương. Cùng với đó, huy động toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc khối chính quyền, khối Đảng đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các đơn vị ngành dọc trên địa bàn huyện ra quân bốc xếp phao xốp từ các điểm tập kết tại cấp xã đưa về điểm tập kết chung tại Cảng Cái Rồng; các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn hỗ trợ lực lượng, phương tiện.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh xử lý vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tích cực phối hợp cùng các lực lượng trong tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Từ tháng 9/2017 đến năm 2023, huyện đã phát hiện, xử lý 331 vụ vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với số tiền xử phạt 2,27 tỷ đồng. Tịch thu tiêu hủy 83 bộ kích điện, 400m dây điện, 125 bộ lồng (437 lồng) bát quái, 69 bộ cào kim loại, 8 bộ áo lặn, 8 đăng chắn dài 10.500m với 2.100 cọc tre tại Chương Đông Xá...
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hoàn thành chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn, đồng thời tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp khác, nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng hướng tới sự phát triển bền vững.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()