Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:53 (GMT +7)
Cách nhận biết nơi đang có nhiều dông sét để phòng tránh
Thứ 7, 24/08/2024 | 07:39:12 [GMT +7] A A
Theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 22/8 miền Bắc ghi nhận hơn 1000 cú sét chỉ trong một giờ đồng hồ. Hiện tượng sét trong mưa dông liên tục xảy ra với tần suất cao ở khu vực miền Bắc.
Thời điểm nào trong ngày dễ có dông sét nhất?
Theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 22/8, miền Bắc ghi nhận hơn 1.000 cú sét chỉ trong một giờ đồng hồ. Các khu vực có sét nhiều nhất gồm Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ đêm 22/8 đến sáng 23/8, ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc và Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, cục bộ có nơi mưa rất to trên 120mm. Từ chiều ngày 23/8, mưa lớn ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Quảng Ninh của Bắc Bộ có khả năng giảm dần.
Ông Nguyễn Đức Phương, Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Trên nền hoạt động dông tương đối mạnh này có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động dông ở các vùng.
Có những nơi có số giờ dông nhỏ như Cam Ranh (55 giờ/năm), bên cạnh đó lại có khu vực đạt số giờ dông tới 489 giờ/năm như ở A Lưới (Huế). Sự chênh lệch này do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, trong đó có yếu tố phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau, làm tăng cường hoạt động dông ở vùng này và hạn chế hoạt động dông ở vùng khác. Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng.
Các kết quả đo đạc qua mạng trạm định vị sét cho thấy, hoạt động dông sét thường xảy ra mạnh mẽ vào thời điểm từ 14h đến 20h tùy theo từng trạm. Đồ thị xu thế chung có đỉnh vào buổi chiều là một trong những quy luật cơ bản của hoạt động dông sét ở Việt Nam. Sét xuất hiện sớm ở Đông Hà, Sơn La (tháng 4 với tần suất lớn hơn 20%).
Để phòng tránh sét, chuyên gia khuyến cáo, khi trời sắp xảy ra dông thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết.
Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...
Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất.Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.
Các kênh theo dõi dông sét theo thời gian thực
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời gian qua, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nói chung cũng như dự báo, cảnh báo mưa dông nói riêng.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tăng cường mạng lưới quan trắc bề mặt như mạng lưới giám sát vệ tinh và radar, đưa vào các mô hình dự báo với độ phân giải cao 3km, tần suất cập nhật liên tục 6 giờ/một lần, phối hợp chia sẻ thông tin dữ liệu với cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế để cập nhật phương án dự báo mới nhất về các tìn h hình khí tượng thủy văn, đặc biệt dự báo mưa. Tuy nhiên, theo ông Khiêm, bài toán dự báo mưa lớn cục bộ trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn vẫn là một bài toán khó, không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo mưa dông trực tuyến ở địa chỉ hymetnet.gov.vn. Người dân chỉ cần truy cập vào địa chỉ trên có thể cập nhật được các thông tin cụ thể như khu vực nào đang có mưa, cường độ mưa như thế nào, khu vực nào đang xảy ra dông sét, để từ đó có biện pháp chủ động phòng tránh.
Ngoài ra, theo ông Khiêm, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo trực tuyến lũ quét sạt lở đất ở địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Thông tin về lũ quét, sạt lở đất được cập nhật 30 phút một lần. Theo ông Khiêm, đây là hai công cụ rất quan trọng để người dân có thể theo dõi, giám sát và phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()