Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 03:52 (GMT +7)
Cải cách thể chế, môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp
Thứ 3, 06/06/2023 | 07:37:00 [GMT +7] A A
Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế không chỉ là mục tiêu nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Chính phủ, mà còn là nhiệm vụ đặc biệt trọng yếu của chính quyền các địa phương. Xác định rõ điều đó, thời gian qua Quảng Ninh luôn nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng, để các nhà đầu tư kinh doanh thành công, phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của tỉnh.
Nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích đất liền trên 6.000 km2 và diện tích mặt biển tương đương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng. Những năm gần đây, để xây dựng niềm tin, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã phát đi thông điệp: "Nhà nước sẽ không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn". Với thông điệp đó, Quảng Ninh đã nỗ lực, quyết liệt trong cải cách cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thay cho bị động chờ nhà đầu tư đến với mình như trước.
Hằng năm Quảng Ninh định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, cafe doanh nhân; chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư.
Điển hình như Ban Quản lý KKT tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn các KCN, KKT, trong đó đã phân công cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, tổng hợp các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Ban Quản lý KKT tỉnh cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để trao đổi, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ pháp lý. Qua các cuộc tiếp xúc, nắm bắt thông tin hoạt động của doanh nghiệp, chủ động giải quyết các vướng mắc trực tiếp, đề nghị của các nhà đầu tư đúng quy định của pháp luật; giải đáp các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý.
Qua đó, cũng tiếp nhận, tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Ban Quản lý KKT tỉnh cũng tích cực chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức tập huấn, tọa đàm về pháp luật lao động, ATVSLĐ, phòng chống tệ nạn xã hội... cho doanh nghiệp, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác kiểm tra chuyên ngành, phổ biến, hướng dẫn kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, góp phần đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với cách làm bài bản, giải pháp căn cơ, cụ thể tại từng khu vực, từng dự án, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thu hút doanh nghiệp, nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức PPP đã như một luồng gió mới nhanh chóng lan rộng ra toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Hàng loạt dự án trọng điểm, lần đầu có trên địa bàn như sân bay, đường cao tốc… được các nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện. Với 1 đồng ngân sách bỏ ra làm vốn mồi, Quảng Ninh đã huy động được 8-9 đồng từ khối tư nhân đầu tư vào tỉnh.
Cách làm này đã cho ra đời các công trình hạ tầng động lực, hiện đại, tầm cỡ quốc tế như hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách chuyên biệt, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp thế giới đưa vào khai thác, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rất lớn. “Làn gió” PPP trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ… được Quảng Ninh triển khai đã lan tỏa, mở ra cơ hội phát triển mới không chỉ cho tỉnh, mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Đầu tư hạ tầng mới theo hình thức PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư, mà còn để ra một khoản không nhỏ dành đầu tư cho các hạ tầng khác, giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu...
Bài học kinh nghiệm mà Quảng Ninh có được trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, cũng như nhiều thành công khác, chính là được bắt nguồn từ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn lực được Quảng Ninh tập trung khơi thông đó không phải là tiền, là ngân sách Trung ương đầu tư, hỗ trợ, mà là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân, hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả. Chủ động đề xuất chính sách cơ chế tính đặc thù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn…
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Hướng tới mục tiêu lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc và để người dân, doanh nghiệp thực sự là chủ thể trong công tác cải cách, đổi mới, Quảng Ninh luôn coi trọng việc đánh giá một cách thực chất, khách quan những kết quả đạt được trong công tác cải cách. Việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh. Các chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78%, cao nhất toàn quốc), trong đó 77% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 5 bước trên môi trường điện tử; số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%; thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện...
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()