Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 03:37 (GMT +7)
Cái gốc của sự "ăn theo"
Chủ nhật, 12/01/2014 | 08:09:45 [GMT +7] A A
Theo cách hiểu thông thường hiện nay, “ăn theo” là để chỉ những người được hưởng quyền lợi bằng cách phải dựa dẫm vào người khác, không do tự mình làm nên. Có sự “ăn theo” chính đáng (như trẻ em còn bé thì phải ăn theo bố mẹ chẳng hạn); nhưng cũng có sự “ăn theo” không chính đáng, “ăn theo” khi đáng ra phải tự làm lấy mà ăn; hay nói cách khác, “ăn theo” trong trường hợp này thực chất là “ăn bám”…
Tất nhiên, hiểu như thế thì chẳng ai muốn nhận mình là “kẻ ăn theo” cả! Thế nhưng, quan sát trong xã hội hiện nay, tình trạng “ăn theo” ở đâu cũng có, không những thế còn có rất nhiều, rất phổ biến nữa là khác. Còn nhớ báo chí đã đưa tin, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Nói vậy nghĩa là trong đội ngũ công chức nước ta hiện nay, cứ ba người thì có một người “ăn theo”…
Với cả nước thì như vậy, với Quảng Ninh, chắc chắn số lượng công chức “ăn theo” cũng chẳng kém cạnh gì! Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho kinh phí để “nuôi” bộ máy hành chính cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh lên tới 75% tổng chi thường xuyên của tỉnh, đẩy số chi thường xuyên hàng năm của Quảng Ninh lên cao gấp hơn 2 lần so với tỉnh Bắc Ninh, gấp 1,5 lần so với các tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc và cao hơn TP Hải Phòng là 0,5 lần (theo số liệu thống kê của Sở Tài chính)…
Nói vậy để thấy vấn đề tinh giản bộ máy biên chế (thực chất là để loại, hoặc chí ít là để hạn chế, số người “ăn theo”) trong đội ngũ công chức hiện nay là rất bức xúc. Và vì thế mà Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã coi đây là một trong những chủ đề trọng tâm của năm 2014. Nhưng loại ai, loại như thế nào là cả một vấn đề phức tạp. Bởi cũng giống như cỏ dại vậy, “ăn theo” sống được là do có “bộ rễ” len lỏi sâu vào các ngóc ngách; nếu chỉ nhổ “phần ngọn” thì chẳng giải quyết được điều gì! Chưa nói những “ngóc ngách” tiêu cực (như xin xỏ, chạy chọt, lợi dụng chức, quyền v.v.. để “nhét” người thân không đủ tiêu chuẩn, không đủ trình độ vào biên chế chẳng hạn), ngay cả những trường hợp thi tuyển “công khai, đàng hoàng”, nhưng nếu không “đặt đúng chỗ” thì cũng khiến người ta thành “kẻ ăn theo”. Lại nữa, khi trong một cơ quan, giữa người lao động thực sự được việc với người “không có cũng được” (như cách nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) còn “cào bằng” trong cách nhìn nhận, đánh giá, trong phân phối thu nhập v.v.. thì “ăn theo” vẫn còn “đất sống”...
Từ đó, có thể nói, tinh giản bộ máy, biên chế (nói nôm na là loại bỏ tình trạng “ăn theo”) thực sự là công việc khó khăn. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Vấn đề là phải tìm cho ra “cái gốc” của nó để mà “nhổ” đi, đó mới là điều quan trọng!
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()