Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 12:19 (GMT +7)
"Cái nôi" của phong trào bơi lội
Chủ nhật, 14/07/2024 | 15:29:32 [GMT +7] A A
Không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Đông Triều còn là "cái nôi" có phong trào bơi lội hàng đầu của tỉnh, nơi từng sản sinh ra các kình ngư cự phách, làm rạng danh Vùng mỏ ở Thế vận hội và các đấu trường quốc tế khác.
Đông Triều có hệ thống sông, kênh mương khá dày đặc với sông Cầm chảy qua nhiều xã, phường; sông Kinh Thầy nối Đông Triều và Hải Dương; sông Đá Vách (dài 15km), sông Đạm (5km), sông Vàng (dài 3km)... Các con sông làm nên sức sống cho xóm làng đồng thời cũng "chắp cánh" cho phong trào bơi lội hàng đầu tỉnh ở vùng đất này.
Một trong những "cái nôi" của phong trào là xã Xuân Sơn, nơi bơi lội không chỉ là phong trào thể thao mà còn gắn chặt với cuộc sống. Theo các cụ cao niên ở Xuân Sơn kể, vì xã có sông nước dày nên người dân phải biết bơi. Trước kia, Xuân Sơn có một cánh đồng nằm bên sông khu vực Tràng An, người dân phải đi đò hoặc bơi qua cánh đồng này để đi làm ruộng, cấy cầy, thu hoạch…
Từ thực tế đó mà "người người nhà nhà" đều biết bơi. Những năm thập niên 70 của thế kỷ trước, xã là trọng điểm chọn các VĐV giỏi tham gia các giải bơi lớn của tỉnh. Một dấu mốc quan trọng là đầu thập niên 80, Xuân Sơn được Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT, thuộc Bộ VH,TT&DL) công nhận "toàn xã biết bơi" sau khi về kiểm tra thực tế. Từ động lực này, bơi lội trở thành phong trào rồi lan rộng ra các xã Hồng Phong, Hưng Đạo và nhiều xã khác trên địa bàn.
Năm 1993, huyện Đông Triều ra Chỉ thị phát triển các môn thể thao trọng điểm, trong đó có môn bơi. Giải bơi truyền thống cũng chính thức ra đời, làm sân chơi thúc đẩy phong trào. Về sau, phong trào bơi lội ngày càng phát triển khi thị xã, tỉnh tổ chức nhiều giải bơi; nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm ủng hộ phong trào, như: Gạch ngói Bến Chiều, sau là Gạch ngói Đất Việt, Công ty Tân Việt Bắc, Công ty TNHH Hà Lan...
"Ngoài động lực trên, các thế hệ VĐV, HLV hoặc những người biết bơi đi trước luôn quan tâm dạy dỗ, đào tạo các thế hệ sau. Mỗi "kình ngư" được lựa chọn đi thi đấu cho xã, phường là vinh dự của các em, của gia đình và là điều các em mong ước. Tất cả tạo nên động lực cho sự cạnh tranh lành mạnh ở phong trào bơi" - ông Hà Trọng Tâm, HLV kỳ cựu từng dìu dắt nhiều thế hệ VĐV bơi có tiếng ở Đông Triều, chia sẻ.
Vì thế, các giải bơi truyền thống của địa phương và tỉnh thực sự trở thành ngày hội, ngày đua tranh của các "kình ngư" giỏi khắp nơi. “Với truyền thống, phong trào đó, từ lâu Đông Triều là địa phương phát lộ nhiều tài năng, có nhiều kình ngư giỏi đã làm rạng danh thể thao tỉnh nhà ở đấu trường trong nước và quốc tế...” - ông Đỗ Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể thao tỉnh, phụ trách thể thao dưới nước, đánh giá.
Có thể kể đến thế hệ đầu tiên là bà Nguyễn Thị Châu, người từng bơi vượt sông Hồng và được Bác Hồ khen tặng. Thập niên 70-80, Đông Triều cũng liên tục có nhiều VĐV giỏi như: Nguyễn Thị Mai, Cao Thị Hảo… từng nhiều lần vô địch Giải bơi vượt sông của tỉnh và giành nhiều giải cao cấp quốc gia.
Tiếp bước các thế hệ trước, về sau có Kiện tướng Quốc gia Nguyễn Thị Phương giữ 2 kỷ lục bơi 50m và 200m ếch Quốc gia 7 năm liền, từng đại diện cho Bơi lội Việt Nam tham gia Thế vận hội Barcelona 1992 (Tây Ban Nha)... Ngoài ra, Đông Triều còn có vô số "kình ngư" từng được phong Dự bị kiện tướng như: Vũ Mạnh Hà, Lục Thị Bình, Nguyễn Thị Thơm, Bùi Thị Hồng Hằng...
Tiếp bước "kình ngư" tài năng này là hàng loạt các VĐV trẻ, như: Kiện tướng bơi lặn Vũ Quỳnh Hương, Dương Thị Thơm, Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Lê Thị Hà My… từng nhiều năm liền giành HCV các giải cấp Quốc gia, Đại hội Thể thao, tham gia SEA Games và các đấu trường quốc tế khác.
Không ít trong số này đã trở thành các HLV giỏi như Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Kiều Oanh là HLV Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Nguyễn Thị Phương, HLV Bơi lội của Quân khu 7... Họ là những người tiếp tục truyền "ngọn lửa" đam mê, đào tạo nên nhiều thế hệ VĐV tài năng cho bơi lội tỉnh nhà và cả nước.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()