Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:00 (GMT +7)
Nâng cao đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội
Thứ 2, 09/08/2021 | 08:21:24 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thông qua tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh và có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, được xem là chính sách quan trọng để giúp cải thiện thêm một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế trên địa bàn. Đồng thời, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Quảng Ninh trong việc đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, Quảng Ninh đã ban hành thêm những chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, như: Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016) của HĐND tỉnh về mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 229/2019/NQ-HĐND (ngày 7/12/2019) của HĐND tỉnh về chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND (ngày 9/12/2020) của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025...
Những chính sách này đã mở rộng về đối tượng thụ hưởng, mức độ, chế độ hưởng trợ cấp xã hội. Đáng chú ý, đã điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tăng lên cao hơn từ 1,3 đến 1,85 lần so với mức chuẩn quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ đó, đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày càng nâng lên.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có 40.382 người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù riêng của tỉnh (tăng 10.631 người so với năm 2015), với tổng kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội là trên 286 tỷ đồng/năm.
Ngày 15/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng lên 360.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2021, tăng 1,33 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực. Ngoài ra, đối tượng hưởng trợ giúp xã hội sẽ được mở rộng bao phủ đến các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khác (nhóm người cao tuổi đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, hộ đơn thân cận nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn).
Căn cứ vào mức điều chỉnh của Chính phủ, điều kiện phát triển KT-XH và mức sống tối thiểu của người dân trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã thảo luận, thống nhất thông qua Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn Quảng Ninh.
Nghị quyết ra đời với nhiều chính sách mới. Cụ thể, từ ngày 1/8/2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến ngày 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng. Cùng với đó, bổ sung thêm một nhóm đối tượng mới là trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với trợ cấp xã hội hằng tháng, các đối tượng thụ hưởng sẽ được hỗ trợ về: Bảo hiểm y tế; chi phí khám, chữa bệnh; học phí và chi phí học tập cho trẻ đang đi học; chi phí mai táng; các hỗ trợ đột xuất (hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ lương thực); và một số nội dung đặc thù khác như hỗ trợ sau thoát nghèo, hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cho đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội...
Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cũng quy định cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất thủ tục hành chính. Việc tích hợp các chính sách vào chung một Nghị quyết đã góp phần đảm bảo chính sách trợ giúp xã hội phát huy tính tích cực hơn nữa, giúp cho các đối tượng yếu thế tiếp tục được thụ hưởng chính sách; giảm bớt văn bản quy định để cán bộ thực hiện ở cấp cơ sở dễ dàng theo dõi, quản lý và thực hiện; thuận tiện trong việc tuyên truyền cũng như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về chính sách đối với người dân.
Tiếp thêm nghị lực, niềm tin cuộc sống
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thúc đẩy tiến bộ xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ra đời được ví như “liều vắc-xin” tiếp thêm niềm tin, nghị lực, động viên cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội sẽ giúp một phần nâng cao mức sống, chia sẻ khó khăn với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động nặng nề. Đồng thời, việc mở rộng thêm đối tượng được trợ giúp xã hội cũng đáp ứng được nguyện vọng, kiến nghị của cử tri nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Từ trung tâm xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên), theo ngõ nhỏ quanh co dẫn về thôn 3, chúng tôi tới ngôi nhà mới xây của anh Nguyễn Thành Luân từ tiền hỗ trợ của Nhà nước và người thân trong gia đình. Dù là ngôi nhà mới, nhưng trong nhà không có đồ vật đáng giá, tấm phản mỏng cùng chiếu cũ đã rách sờn để làm nơi sinh hoạt hàng ngày, cũng như tiếp đón khách.
Được biết, gia đình anh Luân là hộ cận nghèo (mới thoát nghèo năm 2020), thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào làm ruộng. Người vợ bị thần kinh không làm được việc nặng, thêm 2 con nhỏ khuyết tật bẩm sinh, khiến cuộc sống của gia đình anh ngày càng khó khăn. Anh Luân cho biết: Những năm qua, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Các cán bộ xã đã tận tình hướng dẫn, hỗ trợ gia đình hoàn thành thủ tục đề nghị được trợ cấp xã hội hằng tháng, giúp gia đình giảm bớt gánh nặng. Mới đây, khi có thông tin từ ngày 1/8/2021 các con tôi sẽ được hưởng chính sách mới với mức hỗ trợ tăng lên, chúng tôi rất phấn khởi. Đây là trợ giúp rất quý giá, gia đình tôi sẽ có thêm kinh phí mua thuốc cho con và trang trải cuộc sống.
Niềm vui đến từ chính sách mới của tỉnh cũng đã lan toả đến bà Vũ Thị Thìn (khu phố Chùa Bằng, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên). Bà Thìn sắp bước sang tuổi 70, theo chính sách mới, bà sẽ được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế. Bà Thìn vui mừng chia sẻ: Tôi giờ cao tuổi rồi, luôn đối mặt với rủi ro về sức khỏe, đau ốm nhiều, trong khi tôi không có thu nhập, không có lương hưu, chủ yếu sống dựa vào trợ cấp của con cái, nên cũng rất khó khăn. Vì vậy việc được Nhà nước, được tỉnh quan tâm, tới đây được nhận thẻ bảo hiểm y tế, tôi thấy thực sự rất cần thiết và hữu ích, giúp tôi có thêm chi phí khám chữa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp tới đây sẽ được hưởng chế độ từ chính sách mới của tỉnh. Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH, thời điểm Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có hiệu lực, toàn tỉnh sẽ có gần 41.000 đối tượng được thụ hưởng chính sách mới, với kinh phí dự kiến trên 400 tỷ đồng/năm, tăng hơn 140 tỷ đồng so với năm 2020.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ra đời thể hiện sự quan tâm lớn của tỉnh đối với an sinh xã hội; kịp thời hỗ trợ, từng bước cải thiện điều kiện sống tiến tới nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân, đặc biệt với người còn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Qua đó, đã góp phần vào việc xây dựng chính sách an sinh xã hội của tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp với chủ trương, quy định của Chính phủ, tạo động lực để ổn định chính trị - xã hội, phát triển bền vững.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()