Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:11 (GMT +7)
“Cảm ơn những người chúng tôi tin tưởng bầu”
Thứ 7, 22/05/2021 | 06:46:41 [GMT +7] A A
Suốt nhiệm kỳ vừa qua, các ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh đã làm tròn trách nhiệm mà hơn 900.000 cử tri toàn tỉnh gửi gắm. Đã có hàng trăm kiến nghị của cử tri được tiếp thu, chuyển tải và đã được các cấp, ngành chức năng xem xét giải quyết thấu đáo, kịp thời; đặc biệt là những nhóm vấn đề liên quan sát sườn đến đời sống dân sinh như: Môi trường, an toàn giao thông, chế độ chính sách, điện sinh hoạt, nước sạch…
Cử tri Đoàn Quang Rõ, thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên: “Đồng Rui khát nước ngày nào giờ đã có nước sạch, người dân chúng tôi ai cũng phấn khởi”
Những năm trước, nước sạch luôn là niềm mong mỏi của người dân Đồng Rui. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn chủ yếu được lấy từ hai hồ thôn Thượng và thôn Hạ, nhưng các hồ nước này bị ô nhiễm và nhiễm phèn chua.
Huyện Tiên Yên cũng từng hỗ trợ người dân xã Đồng Rui xây dựng giếng nước nhưng do đặc thù là xã đảo nên sau một thời gian, các giếng trên địa bàn xã cũng bị nhiễm phèn chua mặn không dùng được, chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện, cử tri xã Đồng Rui đều kiến nghị đến các cấp, ngành xem xét có phương án giải quyết nhu cầu cấp bách này cho người dân.
Trên cơ sở các kiến nghị của cử tri Đồng Rui, đến năm 2018, Dự án cấp nước sạch Đồng Rui được huyện Tiên Yên triển khai với tổng mức đầu tư trên 42 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng năm 2019.
Vậy là nguyện vọng của nhân dân về nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt đã được tỉnh, huyện quan tâm giải quyết thấu đáo. Có nước sạch dùng, người dân chúng tôi rất phấn khởi, cảm ơn các cấp chính quyền, đặc biệt là những người đại diện cho tiếng nói của cử tri Đồng Rui, đã quan tâm, giải quyết kịp thời những bất cập của người dân vùng sâu, vùng xa chúng tôi.
Cử tri Nguyễn Thị Bông, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên: “Mức phí vệ sinh môi trường đã được điều chỉnh phù hợp với thu nhập của một số hộ dân còn khó khăn”
Từ năm 2017 trở về trước, theo quy định về việc thu phí vệ sinh môi trường, xử lý rác thải của tỉnh, thực hiện thu theo hộ gia đình chứ không thu theo nhân khẩu. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, có hộ nhiều khẩu, có hộ chỉ có 1 khẩu, trong khi mức thu đều như nhau. Do đó, người dân chúng tôi cảm thấy quy định này chưa thực sự thỏa đáng. Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh nên quy định thu theo số khẩu/hộ và đề nghị miễn giảm một phần cho hộ khó khăn.
Sau các đợt tiếp xúc cử tri, chúng tôi rất mừng vì kiến nghị của mình đã được tiếp nhận, giải quyết. Bởi sau đó, tháng 8/2018, tỉnh đã ban hành quyết định mới. Tôi thấy mức thu đã có sự phân hóa rõ ràng, phân biệt rõ hộ gia đình đông người và độc thân, nói chính xác thì đã thu theo nhân khẩu. Quy định này cũng phân biệt rõ đối tượng hộ nghèo; đối tượng hộ độc thân là người cao tuổi không nơi nương tựa; đối tượng là nhà nghỉ, quán bar, quán karaoke.
Giờ đây, chúng tôi đóng tiền theo nhân khẩu, như phường Quảng Yên là phường trung tâm của thị xã, chúng tôi đóng 12.000 đồng/ người/ tháng, ở các phường xã còn lại là 8.000 đồng/ người/ tháng, đối với cả dịch vụ thu gom vận chuyển và đốt rác. Điều mà chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ đó là mức thu đối với hộ nghèo đã được thực hiện giảm một nửa so với mức thu theo nhân khẩu tại các hộ gia đình bình thường. Đặc biệt, các hộ neo đơn, hộ độc thân là người cao tuổi không nơi nương tựa còn được miễn phí.
Cử tri Vũ Ngọc Nhiều, phường Hồng Hà, TP Hạ Long: “Người dân Hòn Gai nay đã có một bãi tắm khang trang, sạch đẹp và hiện đại”
Mong muốn có một bãi tắm công cộng phục vụ nhu cầu của người dân khu vực Hòn Gai là nguyện vọng không chỉ riêng cử tri phường Hồng Hà chúng tôi mà còn là nguyện vọng của rất nhiều người dân khu vực phía Đông của thành phố. TP Hạ Long có 5 bãi tắm du lịch được cấp phép hoạt động, tuy nhiên, các bãi tắm này đều nằm ở khu vực Bãi Cháy và các đảo trên Vịnh Hạ Long.
Mỗi mùa hè, nhu cầu tắm biển của người dân cao, trong khi đó, việc di chuyển xa để tắm cũng khá bất tiện, thế nên nhiều điểm tắm biển tự phát đã xuất hiện trải dài từ khu vực Vựng Đâng đến Cột 8. Do là bãi biển tự phát nên các bãi tắm này không đảm bảo an toàn, nhiều đá, nước sâu... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nhất là đối với trẻ em. Những năm gần đây, thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, cùng với đó, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân cũng từng bước được các cấp, ngành quan tâm. Tuy vậy, người dân chúng tôi vẫn rất mong mỏi có được một bãi tắm công cộng ở khu vực Hòn Gai để đáp ứng nhu cầu tắm biển mỗi khi hè về.
Nguyện vọng của cử tri đã được chính quyền xem xét giải quyết khi năm 2019-2020, Dự án Chỉnh trang đô thị, môi trường và xây dựng bãi tắm Hòn Gai do UBND TP Hạ Long làm chủ đầu tư được triển khai, thực hiện.
Dịp 30/4 vừa rồi, Bãi tắm có tên gọi Hòn Gai đã chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng. Từ bây giờ, người dân khu vực phía Đông thành phố đã có nơi tắm biển riêng của mình, không vượt quãng đường dài 10km để tắm biển ở bãi biển Bãi Cháy hoặc tắm ở các địa điểm nguy hiểm nằm lẻ tẻ dọc bờ biển.
Đặc biệt, cùng với bãi tắm, thành phố còn đầu tư xây dựng tuyến đường dài gần 1km với hệ thống khuôn viên, cây xanh, lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao và các công trình phụ trợ như nhà tắm tráng, khu để xe đều cực kỳ đẹp và hoành tráng. TP Hạ Long ngày càng trở nên đáng sống và là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.
Cử tri Trần Văn Thìn, thôn Khe Loọng Trong, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ: “Tuyến đường tỉnh lộ 330 đã được đầu tư nâng cấp, giao thông thuận tiện và đảm bảo an toàn hơn”
Tỉnh lộ 330 là con đường giao thông huyết mạch của các địa phương như Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông, Thanh Sơn, Thanh Lâm xuống thị trấn Ba Chẽ. Là trục đường chính, nên hầu hết việc đi lại của người dân các xã vùng cao Ba Chẽ chúng tôi đều phụ thuộc vào tuyến đường này. Tuy nhiên tuyến đường tỉnh lộ 330 đã được tỉnh và huyện đầu tư từ rất lâu nên đã xuống cấp, nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, có nhiều điểm trũng, cứ mùa mưa, nước sông Ba Chẽ dâng lên là ngập lụt, gây khó khăn cho bà con nhân dân khi đi lại, giao thương.
Thời điểm năm 2017, nước lũ ở sông dâng cao, đã gây ra rất nhiều điểm ngập lụt cục bộ dọc theo tỉnh lộ 330, cô lập hoàn toàn 5 xã vùng cao của huyện với thị trấn Ba Chẽ. Trong đó có nhiều điểm ngập sâu đến hơn 2 mét. Thuyền mủng, bè mảng tự chế là phương tiện duy nhất di chuyển được vào thời điểm ngập nước. Sau đợt ngập lụt đó, cử tri xã Đạp Thanh chúng tôi đã kiến nghị ngay đến các cấp chính quyền xem xét đầu tư, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 330, nhất là khắc phục ngay các điểm có nguy cơ ngập lụt.
Kiến nghị này ngay lập tức được chuyển đến tỉnh và các sở, ngành chức năng. Trong năm 2018, tỉnh đã cho thi công sửa chữa trước mắt các điểm thấp, trũng gây ngập lụt trên tuyến và năm 2020 đã thực hiện cải tạo, mở rộng mặt đường, rải nhựa toàn tuyến. Công trình này, được hoàn thành không chỉ giải quyết mối lo của người dân các xã vùng cao Ba Chẽ mỗi khi mưa lũ về mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cử tri Phạm Thị Nỏi, thôn Đông Trung, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn: “Tôi rất mừng vì kiến nghị của người dân được giải quyết kịp thời”
Từ năm 2018 trở về trước, ở địa bàn xã chúng tôi, thỉnh thoảng lại mất điện sinh hoạt do quá tải. Đặc biệt, vào những ngày hè nóng nực, nhà có trẻ nhỏ, người già, nhưng điện chập chờn, khiến sinh hoạt của chúng tôi cũng bị đảo lộn. Chúng tôi đã kiến nghị, đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo việc nâng cấp lưới điện nông thôn trên địa bàn, nhất là ở khu vực thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, để đảm bảo điện phục vụ cho sản xuất kinh doanh và đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tôi rất mừng là sau khi kiến nghị của chúng tôi được chuyển đến các vị đại biểu HĐND trong những chương trình tiếp xúc cử tri, thì tình hình đã có chuyển biến hết sức tích cực.
Tháng 5/2018, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã thực hiện và hoàn thành sửa chữa thường xuyên đối với trạm biến áp Đông Xá 8. Tôi được biết, công suất của trạm biến áp đã được nâng từ 100kVA lên 250kVA, các mối nối tiếp xúc kém, sinh nhiệt trên đường dây cũng đã được xử lý.
Chúng tôi cũng được thông tin là để khắc phục tình trạng đường dây dài, bán kính cấp điện lớn khiến điện áp cuối nguồn tại khu vực vẫn còn thấp, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng đã triển khai đầu tư công trình chống quá tải năm 2018, xây dựng 0,1km đường dây 35kV, 1 trạm biến áp công suất 180kVA-35/0,4kV và 0,5km đường dây hạ áp bằng nguồn vốn đầu tư chống quá tải. Đến cuối năm 2018, các công trình này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Giờ đây, điện sinh hoạt tại khu vực chúng tôi sinh sống đã ổn định hơn nhiều, sức khỏe và chất lượng cuộc sống đều tốt hơn.
Cử tri Nình Ngọc Chắn, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu: “Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông cho khu vực miền núi được quan tâm đầu tư”
Là một huyện vùng cao biên giới với nhiều khó khăn, những năm trước cơ sở hạ tầng của Bình Liêu cũng còn những hạn chế, một số tuyến đường lên các xã như Húc Động, đi các bản chưa được đầu tư, mỗi khi trời mưa gió, đi lại rất khó khăn. Điều này, cản trở rất nhiều đến nhu cầu sinh hoạt, giao thương phát triển kinh tế của người dân. Gửi gắm những trăn trở này đến các vị đại biểu dân cử, cử tri Bình Liêu chúng tôi luôn mong mỏi sẽ được Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện quan tâm, đầu tư nâng cấp các tuyến đường dân sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Đến nay, sau 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp, những kiến nghị này đã được giải quyết. Bình Liêu ngày hôm nay đã có diện mạo mới nhờ những công trình hạ tầng được đầu tư. Không chỉ các tuyến giao thông huyết mạch liên huyện, liên xã đã được đầu tư mà các trục đường nội thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng phục vụ sản xuất cũng đã được bê tông hóa, sạch đẹp, khang trang. Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kịp thời của tỉnh trong những năm gần đây, đặc biệt là từ Chương trình 135, Đề án 196, xây dựng nông thôn mới đã và đang thúc đẩy người dân vươn lên cùng thi đua phát triển sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại như trước kia nữa. Niềm tin của người dân cũng từng ngày được nhân lên.
Cử tri Trần Văn Cấp, xã Thống Nhất, TP Hạ Long: “Mong muốn được sử dụng nước sạch của người dân Hạ Long cơ bản đã được giải quyết”
Trên địa bàn các xã vùng cao của TP Hạ Long (huyện Hoành Bồ cũ) có nhiều công trình hồ chứa nước ngọt quan trọng của tỉnh. Các hồ chứa này cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho nhiều địa phương trong tỉnh như: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên... Trong khi đó, người dân trên địa bàn như chúng tôi trước kia lại không hề được hưởng lợi từ các công trình này.
Tôi được biết, trên địa bàn huyện Hoành Bồ cũ mới chỉ có 33% người dân được sử dụng nước sạch, thuộc khu vực thị trấn Trới và một số hộ dân tại xã Lê Lợi, Thống Nhất được sử dụng nước máy. Sau nhiều lần kiến nghị của cử tri, tỉnh đã phê duyệt dự án cung cấp nước sinh hoạt cho 10.370 nhân khẩu tại 2 xã Thống Nhất, Lê Lợi năm 2016 với tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, dự án vẫn chưa được chủ đầu tư khởi công, đời sống nhân dân ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sạch.
Sau khi kiến nghị được chuyển đi, chúng tôi nhận được câu trả lời của UBND huyện Hoành Bồ cũ là dự án chậm triển khai do không bố trí được nguồn vốn để đầu tư. Đến tháng 11/2017, tỉnh đã giao Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh làm chủ đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn 2 xã Thống Nhất và Lê Lợi (thay thế Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh). Do phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế nên đến tháng 11/2018, dự án mới được khởi công với sự đôn đốc của Sở Xây dựng. Chúng tôi rất vui khi kiến nghị của mình đã được tiếp nhận, giải quyết hợp tình hợp lý. Đến nay cơ bản các hộ dân xã Thống Nhất, Lê Lợi đã được sử dụng nước sạch.
Mặc dù vậy, tôi cũng được biết trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hộ dân tại các xã vùng cao như: Sơn Dương, Tân Dân, Đồng Sơn… vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Do đó, cử tri của TP Hạ Long chúng tôi cũng tiếp tục đặt kỳ vọng vào các vị đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới này sẽ quan tâm, chuyển tải và đôn đốc các sở, ngành xem xét, giải quyết nguyện vọng của người dân các địa bàn trên. Để tất cả người dân Hạ Long từ khu vực thành thị đến vùng cao đều được hưởng một cuộc sống chất lượng hơn.
Cử tri Nguyễn Văn Thanh, ngư dân huyện Cô Tô: “Chúng tôi mong muốn sớm hoàn thiện khu tránh trú bão và hậu cần nghề cá”
Mặc dù là huyện đảo nhưng chưa có khu tránh trú bão đúng tiêu chuẩn, mỗi mùa mưa bão đến, chúng tôi neo đậu, tránh trú trong những khu vực mà huyện chỉ định, nhưng vẫn rất lo lắng nếu bão to, sóng lớn. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị tỉnh báo cáo Trung ương sớm đầu tư hoàn thiện khu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.
Theo chúng tôi được biết, Khu neo đậu tàu cá tránh trú gió bão huyện Cô Tô là khu neo đậu cấp Vùng kết hợp Cảng cá loại I, được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Năm 2015, 2016, UBND huyện Cô Tô đã lập dự án Đầu tư bổ sung hạng mục tuyến kè số 2 Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, chúng tôi được thông tin, đến thời điểm cuối năm 2018, dự án vẫn chưa được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trong nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 do tổng mức đầu tư quá lớn.
Tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đến tháng 10/2019, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ đưa công trình khu tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ tại huyện Cô Tô vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thông tin tới chúng tôi là khi được Chính phủ bố trí vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai thực hiện.
Vì công trình này sử dụng nguồn vốn Trung ương, nên chúng tôi cũng biết tỉnh không thể chủ động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan không thuộc thẩm quyền của mình. Bởi thế, chúng tôi cũng mong muốn, tỉnh tiếp tục có những báo cáo, đề xuất để Trung ương sớm hoàn thiện các thủ tục cấp phép cũng như bố trí vốn phù hợp để ngư dân chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất.
Nguyên Ngọc - Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()