Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:15 (GMT +7)
Thành phố than mời gọi...
Thứ 7, 29/04/2023 | 07:58:58 [GMT +7] A A
Cẩm Phả là nơi mang đậm dấu ấn truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" tự hào của Vùng mỏ Quảng Ninh. Những dấu ấn đó cũng là lợi thế để Cẩm Phả phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu từ "nâu" sang "xanh".
Đền Cửa Ông (phường Cửa Ông) là một trong những di tích lịch sử văn hóa nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc, vốn là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công lớn trong việc trấn giữ vùng Đông Bắc, chống giặc ngoại xâm. Nơi đây là nơi “gặp gỡ” của núi non, rừng, biển, được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vị trí đắc địa, một cảnh đẹp tuyệt vời hùng tráng, trang nghiêm, hiếm nơi nào có được.
Là quần thể kiến trúc vừa cổ kính tôn nghiêm, vừa hiện đại trên một vị trí “tựa sơn hướng hải”, Đền Cửa Ông chia làm 3 khu vực thờ cúng, đó là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Các khu đền này nằm theo một trục từ thấp lên cao. Dưới cùng là đền Hạ, thờ Mẫu Thượng Thiên (Tam Tòa Thánh Mẫu) và thờ Trung Thiên Long Mẫu (Mẹ Rồng Đất Việt). Ở giữa là đền Trung, thờ Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế Hoàng Cần và Sơn thần, Thủy thần. Trên cùng là đền Thượng thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (thần điện chính), ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các gia thần. Đền Cửa Ông là ngôi đền thờ đầy đủ nhất các tướng lĩnh, gia thất nhà Trần. Đền còn lưu giữ sắc phong thời Khải Định thứ 2 năm Đinh Tỵ 1917. Đền được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Lễ hội đền Cửa Ông vào năm 2018. Với những giá trị khác biệt về lịch sử, văn hóa, tâm linh, đền Cửa Ông thu hút đông đảo khách du lịch thập phương.
TP Cẩm Phả hiện có 24 di tích được kiểm kê, xếp hạng. Bên cạnh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng, lễ hội truyền thống; công tác phát huy giá trị các di tích luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Nổi bật là Khu Di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, là nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng Vùng mỏ, nơi giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Một công trình khác có ý nghĩa lịch sử đối với Vùng mỏ Cẩm Phả nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung đó là Quảng trường 12-11. Nơi đây vào ngày 12/11/1936 đã diễn ra cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ Cẩm Phả đòi thực dân Pháp phải tăng lương, giảm giờ làm với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng!”, đã trở thành truyền thống của ngành Than và thợ mỏ Quảng Ninh.
Cẩm Phả còn có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Hát soọng cô, hát chèo cổ, rao tổ tôm điếm, têm trầu cánh phượng… Cẩm Phả cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp, như Vịnh Bái Tử Long, khu đảo Vũng Đục, động Hang Hanh dài 1.300m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển. Cẩm Phả còn sở hữu nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có độ mặn và nhiệt độ cao, tỷ lệ Brom chiếm tới 49% tổng độ khoáng, đưa Cẩm Phả trở thành một trong 3 địa điểm nước khoáng Brom nổi tiếng trên thế giới...
Du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh - 3 yếu tố hiếm có cùng hội tụ ở Cẩm Phả. Giai đoạn 2020-2030, Cẩm Phả đã xác định đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm chất lượng cao, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Hiện thực hóa mục tiêu này, cùng với việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy di tích, thành phố đã và đang xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, khác biệt. Thành phố đã xây dựng, khai trương và đưa vào hoạt động phố đi bộ “Phố đêm thợ mỏ” vào các ngày cuối tuần. Phố được bắt đầu từ Nhà văn hoá Công nhân Cẩm Phả đến Quảng trường 12-11. "Phố đêm thợ mỏ" đã quảng bá về mảnh đất, con người và văn hóa Vùng mỏ Cẩm Phả, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, từng bước phát triển kinh tế đêm.
Thành phố đang phối hợp với TKV nghiên cứu thực hiện Dự án tu bổ di tích ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, trọng tâm là tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhà giữ lửa truyền thống. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ kết nối các di tích, khai trường, mỏ... do ngành Than quản lý, như: Quảng trường 12-11; địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai; Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề hầm lò; Khu di tích và danh thắng Vũng Đục... để xây dựng sản phẩm du lịch “Than”.
Từ năm 2021 thành phố phát động phong trào xây dựng "Thành phố Cẩm Phả - Thành phố triệu đóa hoa hồng”. Phong trào đã thực sự lan tỏa khắp các ngõ, xóm, tổ dân, khu phố, phường, xã tới cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Ở bất cứ đâu trên địa bàn thành phố đều dễ dàng bắt gặp những đóa hoa hồng khoe sắc rực rỡ, qua đó tạo điểm nhấn đặc trưng riêng biệt, sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách thập phương. Nhắc đến Cẩm Phả, chắc nhiều người sẽ nhớ đến một thành phố "vàng đen", nhưng giờ đây còn mang những vẻ đẹp riêng có với những mùa hoa nối tiếp nhau lãng mạn và mộng mơ, say đắm lòng người với tình người Vùng than lan tỏa.
Để “đánh thức” tiềm năng du lịch của Vịnh Bái Tử Long, thành phố đã đưa vào các hoạt động trong hành trình thăm Vịnh, như: Chèo thuyền kayak, tắm biển, thăm các làng chài, tìm hiểu văn hóa truyền thống của ngư dân, thưởng thức các loại hải sản..., thật sự hấp dẫn, thu hút du khách.
Đặc biệt thành phố đã hoàn thành việc xử lý, di dời, tháo dỡ các lồng, bè, dây nuôi trồng thủy sản trái phép, nhằm lập lại trật tự trên tuyến biển, bảo vệ môi trường, góp phần khai thác tiềm năng du lịch biển.
Thành phố đang khuyến khích phát triển trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn tại các xã Dương Huy, Cẩm Hải, Cộng Hòa nhằm hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối với khu vực lân cận. Với hạ tầng đồng bộ, tiềm năng du lịch đắt giá, sản phẩm hấp dẫn, Cẩm Phả là địa phương được kỳ vọng thu hút du lịch tại Quảng Ninh.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()