Tất cả chuyên mục

Hai ngày trên đảo Trường Sa, chúng tôi đã được hòa mình vào cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, được tham gia những sinh hoạt đời thường đến những hoạt động đặc trưng trong ngày Tết: Gói bánh chưng; hái hoa dân chủ; kéo co; đánh bóng chuyền. Đặc biệt, chúng tôi còn được thăm một số công trình văn hóa, tâm linh trên đảo, như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa; Chùa Trường Sa...
Đảo Trường Sa nhìn từ tàu 561. |
Theo lịch trình, Đá Lát sẽ là đảo đầu tiên chúng tôi cập bến. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, biển có sóng to, hành trình của chúng tôi thay đổi với điểm đến đầu tiên là Trường Sa. Sau này, đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Đoàn trưởng đoàn công tác tàu 561 giải thích: Trong chuyến đi này, số lượng người, hàng hóa đưa lên đảo Trường Sa là lớn nhất. Nếu không tận dụng thời tiết đẹp để tàu cập được cảng đảo Trường Sa thì tất cả đều phải chuyển tải bằng xuồng CQ. Lúc đó, không chỉ mất an toàn cho người mà hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ Tết cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước biển...
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa. |
Sáng sớm ngày 7/1, khi mặt trời còn chưa mọc, đảo Trường Sa mờ mờ hiện ra phía trước. Biết là buổi sáng sẽ nhìn thấy đảo nên hầu hết phóng viên chúng tôi đều thức dậy từ sớm nhìn về hướng đảo. Cảm giác hồi hộp, vui sướng, xúc động ngập tràn và vỡ òa khi tàu cập cảng đúng lúc mặt trời nhô lên mặt biển. Phóng viên Lê Thị Phương Loan (Đài TTTH huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã không kìm được nước mắt khi thấy đảo Trường Sa hiện lên rõ ràng, hiên ngang trước mặt. Chị chia sẻ: Vậy là mơ ước được đặt chân đến Trường Sa bao năm qua đã trở thành hiện thực. Lần đầu đến đảo nhưng thấy sao mà gần gũi, thân thuộc quá...
Chỉ trong một buổi sáng, hàng chục tấn hàng hóa được đưa lên đảo Trường Sa, trong đó đa phần là lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt dịp Tết. Thật xúc động khi hàng hóa chuyển ra đảo khá đầy đủ, từ lá dong, lạt buộc để gói bánh chưng đến những củ hành, tỏi khô, hạt tiêu bắc... đều không thiếu. Lên đảo sau cùng là 12 chú lợn được cấp cho toàn đảo ăn Tết Bính Thân. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Năm nào cũng vậy, tàu công tác của Lữ đoàn 146, Vùng IV Hải quân chở hàng tết ra đảo, mang theo tình cảm của đất liền giúp quân, dân trên đảo đón Tết đầy đủ hơn, ấm áp hơn.
Chùa Trường Sa-điểm đến tâm linh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. |
Trường Sa đón khách bằng nắng vàng, gió lộng và tình cảm nồng nhiệt của người trên đảo. Cũng như các đoàn khách khác, nghi thức đầu tiên khi đoàn chúng tôi đến Trường Sa là lần lượt đi thăm, thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa; Chùa Trường Sa. Đại tá Bùi Đình Dương vừa dẫn đoàn đi vừa giới thiệu: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An xây tặng quân và dân đảo Trường Sa. Công trình gồm một nhà chính là nơi tưởng niệm Bác Hồ và hai nhà phụ trong đó có gác chuông, có nhà bia ghi lại những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Bác. Đây là nơi quân và dân trên đảo tưởng nhớ công ơn to lớn của Bác, là địa điểm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Các hộ dân trên đảo Trường Sa thường đưa con cái đến chùa thắp hương, cầu nguyện. |
Ngay cạnh Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa. Đài tưởng niệm lớn, uy nghi, được xây dựng bằng đá xanh Thanh Hóa. Đối diện cột mốc chủ quyền trên đảo là chùa Trường Sa. Ngôi chùa là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để con người ngưỡng vọng, thờ phụng và gửi gắm niềm tin vào sự chở che, cầu mong yên bình, an lạc. Bên cạnh đó còn khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo thường xuyên lên chùa cầu chúc bình an cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.
Trẻ em nô đùa trong sân chùa Trường Sa. |
Theo sư thầy Thích Nhuận Tựu, trụ trì chùa Trường Sa, vào các dịp ngày rằm, mồng 1 hằng tháng hoặc các ngày lễ vu lan, năm mới..., các hộ dân sinh sống trên đảo đều dắt theo con cái lên chùa thắp hương, cầu nguyện. Chị Trần Thị Hoa, một trong những hộ dân ở đảo Trường Sa, chia sẻ: “Nhờ có chùa mà những ngày lễ, Tết, ngày rằm tôi được đi lễ chùa như ở đất liền. Đi lễ, cầu xin mọi điều tốt đẹp cho cuộc sống gia đình, tôi thấy thanh thản hơn nhiều. Ở đảo, cuộc sống về vật chất và tinh thần đã khá đầy đủ thì thấy không khác gì so với ở đất liền…”
4h30 sáng và 6 giờ chiều, tiếng chuông chùa lại ngân vang giữa đảo Trường Sa, như tiếp thêm cho quân, dân trên đảo sức mạnh về nội lực tinh thần, để những người lính ở đây thêm vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đứng giữa mênh mông trời nước, nghe tiếng chuông chùa vang vọng, ngửi mùi hương trầm thơm mát, nhìn những em nhỏ trên đảo Trường Sa nô đùa dưới bóng mát sân chùa, ai cũng thấy trong lòng thanh thản và vững tin vào tương lai hòa bình, yên ổn...
Hoàng Quý
Ý kiến (0)