Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 00:17 (GMT +7)
Cán bộ, đảng viên, nhân dân Ba Chẽ thay đổi tư duy thoát nghèo và làm giàu từ kinh tế rừng
Thứ 7, 18/09/2021 | 20:09:47 [GMT +7] A A
Đây là chỉ đạo được đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh trong buổi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững tại huyện Ba Chẽ vào ngày 18/9. Cùng đi có các đồng chí: Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Ba Chẽ đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, huyện đã bám sát các chỉ đạo, định hướng, cơ chế chính sách của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Và mới đây là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Ba Chẽ đã trồng được 3.191 ha rừng, đạt 106% so với kế hoạch, trong đó, riêng trồng rừng gỗ lớn đã đạt 660 ha, chủ yếu các loài cây bản địa như lim, dổi, lát hoa... Huyện cũng thực hiện ươm thành công được 650.000 giống cây lim xanh, dổi xanh bản địa bằng cả phương pháp ghép và gieo hạt truyền thống.
Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như thấy được lợi ích kinh tế lâu dài của việc trồng rừng gỗ lớn, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn, thay thế các cây rừng khác ngắn ngày hơn như cây keo, hiệu quả kinh tế thấp lại làm nghèo dinh dưỡng của môi trường đất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã nắm bắt cơ hội để đầu tư các mô hình trồng rừng gỗ lớn xen lẫn cây dược liệu.
Công ty Cổ phần Phát triển rừng bền vững hiện đang trồng 8 ha cây dổi bản địa kết hợp trồng trên 20 ha dược liệu gồm ba kích và trà hoa vàng. Chỉ sau 3 năm, mô hình đang sinh trưởng, phát triển tốt và dự báo sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với ba kích, bình quân mỗi gốc sau 5 năm có thể thu hoạch 3 kg củ tươi. Với giá thị trường hiện nay có thể mang lại gần 1 triệu đồng/gốc. Như vậy, mỗi ha tạo ra giá trị gần một tỷ đồng. Riêng với cây dổi bản địa, chỉ sau 7 năm có thể thu hoạch từ 5 tới 6 kg hạt/cây. Theo tính toán của đơn vị, với giá thị trường hiện nay dao động từ 1,2-1,5 triệu đồng/kg, thì mô hình này có thể cho nguồn thu hàng tỷ đồng 1 năm; đồng thời, vẫn duy trì được diện tích dổi lấy gỗ lâu năm.
Qua kiểm tra thực tế trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, Ba Chẽ là huyện miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 90% diện tích đất tự nhiên và cũng là địa phương có rừng trồng và rừng gỗ lớn diện tích lớn nhất tỉnh. Đây chính là lợi thế để Ba Chẽ thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Những năm qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Ba Chẽ thông qua nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành với mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng, cuộc sống của đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ, đặc biệt là liên quan tới thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững. Tuy nhiên, cơ chế chính sách đã có, sự chỉ đạo của tỉnh cũng rất thường xuyên, sát sao, nhưng hiện nay, việc triển khai tổ chức thực hiện ở địa phương vẫn chưa mạnh mẽ, thiếu quyết liệt và hiệu quả còn mức độ.
Đồng chí lưu ý huyện Ba Chẽ phải có quyết tâm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại, nhất là trong chính tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thoát nghèo và làm giàu từ phát triển kinh tế rừng; phải chủ động, tích cực đón bắt và tận dụng mọi cơ chế chính sách mà tỉnh đã dành cho các địa phương miền núi nói chung và cho Ba Chẽ nói riêng để phát triển kinh tế-xã hội và quan trọng nhất là cuộc sống người dân phải được nâng lên.
Huyện phải phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2022 chuyển đổi 1.000 ha trồng rừng sản xuất nghèo kiệt, kém hiệu quả sang trồng cây gỗ lớn và nâng lên thành 5.000 ha vào năm 2025. Ngoài ra, toàn huyện phải có 700 ha trà hoa vàng, 500 ha cây ba kích. Muốn đạt mục tiêu này, huyện cần phối hợp với ngành nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cả ba khâu quan trọng là giống, sản xuất và chế biến nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như gia tăng giá trị lâm sản.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với huyện sớm nghiên cứu căn cơ, cụ thể về các cơ chế chính sách nhằm phát triển được loại cây lợi thế, phù hợp với môi trường, phát huy được thế mạnh thổ nhưỡng của địa phương để sớm trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm là không khuyến khích trồng keo, nhất là việc trồng keo sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, rất nguy hại đến môi trường.
“Hiện nay, huyện Ba Chẽ đã có được hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giao thương của nhân dân; có được sự quan tâm ủng hộ mọi mặt của tỉnh, vì vậy chỉ có thay đổi mạnh mẽ về tư duy từ cán bộ, đảng viên và chính người dân trên địa bàn huyện, Ba Chẽ mới thực sự làm giàu được từ rừng, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()