Ngành hàng không cần đảm bảo khả năng cạnh tranh, cơ sở hạ tầng, còn du lịch cần cơ chế thoáng hơn để đón khách quốc tế, theo các chuyên gia.
Tại tọa về cơ hội cho ngành hàng không, du lịch khi mở cửa trở lại chiều 24/2, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng không Việt Nam, Bùi Doãn Nề, nhắc lại 2 năm ngành này đã phải đối mặt thách thức không nhỏ khi dừng bay quốc tế.
Theo ông, các hãng trong nước vẫn phải khởi động, mất thời gian để khôi phục các dịch vụ đã bị đứt gãy. Cùng với đó, một số quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhưng tâm lý hành khách vẫn còn e ngại. Vì vậy, ông Nề đề nghị các doanh nghiệp, địa phương cần có những phương án, cam kết để du khách yên tâm khi đến Việt Nam.
Chuyên gia này dẫn báo cáo gần nhất của IATA cho thấy xu hướng bùng nổ bay quốc tế năm 2022 khi hàng không các nước đều phải mở cửa. Do đó, áp lực cạnh tranh với các hãng bay trong nước sẽ rất lớn. Ông cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng hàng không để đảm bảo sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Hạ tầng cũng là điều cần lưu ý khi mở lại các đường bay quốc tế, theo TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). "Đại dịch đã làm chúng ta quên mất câu chuyện đau đầu trước đây là quá tải hạ tầng sân bay. Tuy nhiên, với sự phục hồi nhanh chóng hàng không, du lịch, thời gian tới, câu chuyện này sẽ sớm trở lại", ông Nam nói.
Ông cho rằng phải đẩy nhanh đề án đầu tư xã hội hoá hạ tầng sân bay để không vấp phải rào cản trong quá trình khôi phục ngành hàng không. Theo ông Nam, Việt Nam có 21 sân bay do nhà nước xây dựng và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn. Tuy nhiên, công suất 22 sân bay mới được 75 triệu khách mỗi năm.
"Con số này chỉ bằng sân bay Changi của Singapore. Muốn có sự phục hồi phải có sự phát triển tương xứng. Đừng quên, nếu không có sân bay rồi lại sẽ thành điểm nghẽn", ông Nam khẳng định.
Đến nay, các hãng trong nước đã khai thác đường bay đến 15 quốc gia, còn các hãng nước ngoài khai thác từ 20 quốc gia đến Việt Nam, theo ông Bùi Minh Đăng, Phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không). Trong kịch bản khả thi nhất của năm nay, thị trường hàng không Việt Nam đạt 42-43 triệu lượt khách, tương đương hơn một nửa thời điểm trước dịch năm 2019.
Về thị trường du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Du lịch cho biết, trong giai đoạn thí điểm (từ tháng 11/2021 - nay), Việt Nam đón 9.000 khách quốc tế. Từ 15/2, Việt Nam bắt đầu mở lại các đường bay quốc tế thường lệ và dự kiến đón khách quốc tế theo trạng thái bình thường mới từ 15/3. Theo ông Siêu, năm nay, Việt Nam đặt kế hoạch đón 5 - 6 triệu khách nước ngoài và 60 triệu khách nội địa.
Dù vậy, ông Nam nhận định Việt Nam đã thí điểm, mở cửa đón du khách quốc tế quá chậm và cẩn trọng. Trong khu vực, Thái Lan thí điểm từ tháng 7, đón chính thức khách hơn 60 quốc gia từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 12, Lào mở cửa với 131 nước, còn Campuchia không cần thí điểm đón khách luôn từ tháng 11.
Theo ông, số lượng 9.000 khách Việt Nam đón trong thời gian thí điểm cũng chỉ tương đương với công suất phòng của một cơ sở lưu trú lớn trong nước. Ông cho rằng, số lượng ít như vậy vì các điều kiện du khách cần đáp ứng để vào Việt Nam quá khó khăn.
Ông đề xuất sau dịch, Việt Nam cần cơ chế thoáng, cởi mở hơn với du khách quốc tế. Ông Nam đánh giá điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch quốc tế là phải phục hồi chính sách visa như trước dịch để thu hút du khách.
"Cần mở rộng hơn nữa về diện miễn visa với các nước EU, Australia, New Zealand, thay vì chỉ có 13 nước như hiện nay. Với các thị trường khổng lồ như Mỹ, Hàn Quốc, nếu chưa thể miễn visa ngay, có thể xem xét cấp visa dài hạn", Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho hay.
Ý kiến ()