Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:07 (GMT +7)
Khai thác nhựa thông ở Móng Cái: Cần giải pháp hữu hiệu
Thứ 3, 26/04/2022 | 08:09:51 [GMT +7] A A
Do tình trạng chồng lấn, không xác định được ranh giới giữa đất rừng sản xuất đã giao cho người dân và rừng thuộc dự án 661, rừng do BQL rừng phòng hộ Móng Cái quản lý, từ nhiều năm nay tình trạng khai thác nhựa thông đã diễn ra ồ ạt trên phần lớn diện tích rừng thông tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực...
Ồ ạt khai thác nhựa thông
Có mặt tại xã Vĩnh Trung những ngày giữa tháng 4, "mục sở thị" những cánh rừng thông từ khu vực đập Cái Vĩnh, ngay đầu xã, đến khu vực Vụng Dầm, Cống Cách cuối xã, chúng tôi chứng kiến những đồi thông đang được người dân khai thác nhựa trước đó, hoặc thiết kế hiện trường để khai thác mới với những túi đựng nhựa vừa được gắn vào thân cây. Xen với những rừng thông đang được khai thác nhựa là những vạt rừng thông đã được thay thế bởi keo, bạch đàn; nhiều diện tích rừng thông vừa bị đốt cháy, héo úa.
Ông Lê Văn Hùng (thôn 3, xã Vĩnh Trung) cho biết: Từ những năm 1990, gia đình tôi và một số gia đình khác trong xã được Nhà nước giao đất rừng sản xuất. Đến năm 2000 chúng tôi đã trồng xong cây thông trên toàn bộ diện tích được giao. Khi thông đến tuổi khai thác, chúng tôi khai thác nhựa để phát triển kinh tế gia đình, thì bị chính quyền địa phương và ngành chức năng ngăn cản. Đầu tháng 5/2019, các hộ dân được giao đất rừng sản xuất và một số hộ được giao rừng đã có đơn đề nghị UBND xã, UBND thành phố xin khai thác nhựa thông, nhưng không được trả lời.
Không chỉ những cánh rừng thông tại xã Vĩnh Trung đang được người dân ồ ạt khai thác nhựa, mà phần lớn diện tích rừng thông tại xã Vĩnh Thực cũng đang được người dân và một số đơn vị thu mua khai thác.
Len lỏi trong những cánh rừng, chúng tôi chứng kiến những đồi thông đã được khai thác nhựa từ nhiều năm trước nay đang được cắt tầng khai thác mới, khiến những cây thông cằn cỗi, thiếu sức sống, có nguy cơ chết hàng loạt những ngày tới.
Ông Lê Thanh Có (thôn 3, xã Vĩnh Thực) cho biết: Gia đình tôi được Nhà nước giao cho 18ha rừng sản xuất. Đến đầu năm 2001 gia đình tôi đã trồng toàn bộ rừng thông trên diện tích đất được giao. Chăm sóc, bảo vệ gần 20 năm. Từ năm 2018 gia đình tôi đã giao cho một đơn vị để họ khai thác, để có thêm thu nhập. Tuy nhiên từ năm 2021, trong quá trình khai thác nhựa trên diện tích rừng trồng của gia đình, chúng tôi đôi khi gặp phải sự ngăn cản của ngành chức năng về nguồn gốc nhựa thông trong quá trình vận chuyển.
Khó khăn trong công tác quản lý
Tình trạng ồ ạt khai thác nhựa thông xảy ra từ nhiều năm nay ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, trong khi công tác quản lý, xử lý của ngành chức năng và chính quyền địa phương hiện đang gặp khó khăn. Trước thực trạng người dân và các đơn vị thu mua ồ ạt khai thác nhựa thông từ diện tích rừng trồng của người dân và diện tích rừng thông thuộc dự án 661, Hạt Kiểm lâm TP Móng Cái và chính quyền địa phương đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra, xử lý.
Riêng năm 2018, chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm đã tổ chức 7 đợt kiểm tra, phát hiện, thu giữ gần 3 tấn nhựa thông, phá dỡ lều bạt, bể chứa nhựa. Nguyên nhân là qua nhiều năm, các phòng, ban chuyên môn thành phố và UBND các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực không lập hồ sơ quản lý, theo dõi, cập nhật thông tin về quá trình sử dụng, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hoạt động khai thác nhựa thông.
Những năm gần đây, ngành chức năng và địa phương đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra, phát hiện tình trạng khai thác nhựa thông, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển nhựa thông, nhưng rất khó khăn trong xử lý. Có nhiều vụ, ngành chức năng thu giữ được khối lượng lớn nhựa thông do các đối tượng vận chuyển, nhưng sau đó đã phải trả lại vì khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Móng Cái, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, năm 1990 đã hoàn thành việc giao đất giao rừng cho người dân các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Xã Vĩnh Thực có 183 hộ dân được giao đất giao rừng theo sổ lâm bạ và 2 đơn vị (Trung đoàn 771 và Đồn Biên phòng Vạn Gia) với diện tích 473,38ha; có 31 hộ dân được giao đất giao rừng ngoài sổ lâm bạ với diện tích 206,93ha; đến nay xã có 14 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (3 hộ trong sổ lâm bạ, 11 hộ ngoài sổ lâm bạ). Xã Vĩnh Trung có 159 hộ dân được giao đất giao rừng theo sổ lâm bạ, diện tích 871,31ha; 14 hộ được giao đất giao rừng ngoài sổ lâm bạ, diện tích 90,94ha. Mục đích giao đất, giao rừng cho người dân để trồng rừng, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2000, dự án 661 của BĐBP tỉnh (năm 2012 bàn giao cho BQL Rừng phòng hộ TP Móng Cái quản lý, bảo vệ) đã thực hiện trồng rừng trên đất rừng đã giao cho các hộ gia đình. Quá trình triển khai dự án đã không thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi rừng, đất rừng cho các hộ được giao đất rừng trong vùng dự án. Trong nhiều năm qua, việc quản lý đất rừng và khai thác rừng ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực còn có những vướng mắc tồn tại do bất cập trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn và các xã, không lập hồ sơ quản lý, theo dõi, cập nhật thông tin về quá trình sử dụng đất của hộ dân.
Theo ý kiến của người dân, từ năm 1990, sau khi được giao đất, giao rừng, các hộ đã tổ chức trồng cây trên diện tích được giao. Đến năm 2000, khi dự án 661 trồng cây trên diện tích đất của các hộ, có một số diện tích cây trồng bị chết, người dân đã tổ chức trồng bổ sung và quản lý, bảo vệ rừng cho đến nay. Quá trình triển khai Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn thành phố đã xác định 385,2ha rừng trồng thông ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực không xác định được nguồn gốc tài sản… Từ thực trạng trên gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý do không xác định cụ thể ngoài thực địa về nguồn gốc tài sản, cụ thể là cây thông trồng, đâu là của các hộ gia đình tự đầu tư, đâu là theo dự án 661.
Qua phản ánh của người dân về tình trạng ồ ạt khai thác nhựa thông tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, TP Móng Cái đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế. Kiểm tra tại xã Vĩnh Trung, diện tích rừng trồng thông đã giao cho các hộ, cá nhân từ năm 1990 (Sổ xanh), diện tích rừng trồng thông do UBND xã quản lý đều có hiện tượng người dân khai thác nhựa. Diện tích người dân trồng cây lấn vào diện tích đất rừng do UBND xã quản lý khoảng 20ha và được các hộ dân đã sử dụng từ năm 2007 đến nay. Một số diện tích rừng trồng thông trên đất đã giao cho hộ gia đình bị cháy, chết, nên người dân đã cắt dọn các cây bị cháy, chết để trồng cây bạch đàn, keo. Diện tích BQL Rừng phòng hộ TP Móng Cái quản lý 912ha; trong đó diện tích bị chồng lấn là 584,99ha, phần lớn các hộ trồng cây keo, bạch đàn.
Kiểm tra tại xã Vĩnh Thực, trên diện tích rừng trồng thông đã giao cho hộ gia đình, cá nhân từ năm 1990 (Sổ xanh); diện tích rừng trồng thông của các hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; diện tích rừng trồng thông do UBND xã quản lý (chưa giao, chưa cho thuê) cũng đang có hiện tượng khai thác nhựa.
Cần một giải pháp hữu hiệu
Ông Trần Văn Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Móng Cái, cho biết: Năm 2012 sau khi nhận bàn giao, thành phố đã thành lập Tổ công tác rà soát lại toàn bộ diện tích rừng trồng dự án 661, ban hành Thông báo số 53/TB-UBND ngày 23/2/2012 “Về việc bàn giao diện tích rừng trồng của Dự án 661, Dự án trồng rừng Bắc Hải Sơn về cho các xã, Ban Quản lý Rừng phòng hộ quản lý, bảo vệ”.
Theo đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, tổ chức giao rừng cho các hộ dân quản lý, bảo vệ, nhưng đến nay chưa thực hiện. Đến năm 2013 đã phát sinh vụ việc một số hộ dân được giao đất, giao rừng từ năm 1990 tranh chấp với đất rừng trồng dự án 661 đã giao UBND xã Vĩnh Thực, UBND xã Vĩnh Trung và BQL Rừng phòng hộ thành phố quản lý. Một số hộ dân xuất trình giấy tờ giao đất, có hộ dân đã trồng một số cây khác xen vào rừng thông mã vĩ của dự án 661, hoặc tự nhận có trồng rừng thông trong vùng dự án 661. Các hộ dân (có sổ xanh) cho rằng họ từ trước đến nay đã bỏ công ra trông coi, bảo vệ, có hộ tự bỏ vốn trồng xen cây thông và keo, trồng lại các diện tích đất trống, rừng thông đã bị cháy, chết. Nhiều chủ rừng có sổ xanh tự nhận là chủ sở hữu rừng thông mã vĩ, nên họ tự quyết định việc khai thác. Theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT "Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản", quy định chủ rừng được quyền tự quyết việc khai thác lâm sản, nên họ tự ý khai thác nhựa.
Đầu tháng 5/2019 có 5 hộ tự ý khai thác nhựa thông mà không báo cáo với chính quyền. Nhiều hộ được giao rừng đã có đơn đề nghị UBND xã, UBND thành phố xin khai thác nhựa thông, nhưng không được trả lời, nên các hộ dân đã tự ý khai thác. Các lô rừng trồng thông mã vĩ của người dân và của dự án 661 nằm xen kẽ với nhau rất khó cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích giao đất, giao rừng tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực được quy hoạch là đất rừng sản xuất, cây trồng chủ yếu là thông mã vĩ, loài cây trồng phục vụ cho khai thác gỗ, không phải là loài cây trồng để khai thác nhựa bền vững. Việc lấy nhựa chỉ thực hiện tận dụng trước khi thai thác gỗ, hoặc phá bỏ để thay thế loài cây trồng khác.
Trước đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác nhựa thông cũng như tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, chồng chéo trong giải quyết đơn, thư của người dân, Hạt Kiểm lâm TP Móng Cái đề xuất UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh đồng ý cho phép toàn bộ diện tích trồng thông mã vĩ là rừng trồng áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực bằng vốn ngân sách nhà nước trồng rừng dự án 661 do BĐBP tỉnh trồng trên đất rừng sản xuất của địa phương đã giao đất, giao rừng cho các hộ, nhưng không thực hiện thu hồi quyết định giao đất, giao rừng, không thỏa thuận với các hộ dân trong vùng dự án, để người dân chủ động sản xuất kinh doanh trên đất lâm nghiệp được giao. Đồng thời xác định quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, quyền sở hữu rừng trồng là rừng sản xuất của cá nhân, hộ gia đình.
Đầu tháng 3/2022, sau khi kiểm tra thực tế về công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác rừng trên địa bàn các xã Vĩnh Trung, xã Vĩnh Thực, đoàn kiểm tra liên ngành TP Móng Cái đề xuất với thành phố chỉ đạo các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng, đất rừng chưa giao; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác nhựa thông và các loại lâm sản khác.
Đối với diện tích rừng, đất rừng do BQL Rừng phòng hộ Móng Cái quản lý đang chồng lấn với các hộ đã được giao sổ xanh (thuộc quy hoạch đất, rừng sản xuất), thành phố báo cáo UBND tỉnh thu hồi phần diện tích chồng lấn để giao lại (đổi sổ) cho nhân dân ổn định sản xuất theo quy chế quản lý rừng phòng hộ hoặc chỉ đạo thu hồi sổ xanh, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân.
Đối với diện tích đất rừng do UBND xã quản lý, nhưng người dân đã canh tác, sử dụng lâu dài (từ năm 2007 đến nay) đề nghị UBND xã xác nhận thời điểm sử dụng và hiện trạng thực tế báo cáo UBND thành phố tiến hành thủ tục giao, cho thuê hoặc công nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các hộ theo quy định của pháp luật.
Đối với diện tích rừng, đất rừng đã được giao cho các hộ từ năm 1990 (Sổ xanh), dự án 661 trồng rừng trên đất đã giao cho các hộ, nhưng không thực hiện bồi thường, thu hồi rừng, đất rừng, đến nay không xác định được nguồn gốc tài sản cây trồng trên đất, đề nghị UBND thành phố xem xét cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng thực tế cho các hộ để ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()