Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:09 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn mùa mưa bão: Cần giải pháp đồng bộ
Thứ 6, 02/07/2021 | 07:20:11 [GMT +7] A A
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ tháng 6, tháng 7, bão và áp thấp bắt đầu hoạt động ở vùng phía Bắc Biển Đông. Các cơn bão có xu hướng di chuyển mạnh hơn và phức tạp hơn trước. Điều này đòi hỏi hoạt động phòng chống bão lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu của cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng cần phải được tăng cường hơn.
Đầu tư công trình ứng phó biến đổi khí hậu
Từ đặc thù của tỉnh Quảng Ninh, khi thiên tai xảy ra, những khu vực hứng chịu hậu quả đầu tiên và nặng nề nhất là vùng dân cư ở chân đồi núi dễ bị sạt lở, hoặc các vùng trũng dễ bị ngập úng; các hoạt động khai thác than, sản xuất thủy sản, hoạt động vận tải, du lịch biển…
Từng chịu hậu quả nặng nề bởi trận mưa lũ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, ngay sau đó, ngành Than đã làm rất tốt Đề án đảm bảo môi trường cấp bách giai đoạn 2016-2020. Qua đó, không chỉ khắc phục cơ bản hậu quả của đợt thiên tai này, mà còn đảm bảo cho hoạt động sản xuất than hài hòa với môi trường trong thời gian dài sau đó.
Trong cả quá trình dài hàng chục năm, tỉnh Quảng Ninh cũng tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư cho hệ thống đê điều, hồ đập, vốn là 2 thiết chế quan trọng trong phòng chống bão lũ, giảm thiểu thiên tai. Nhờ vậy, đến thời điểm này, hệ thống đê biển Quảng Ninh được đánh giá khá hoàn thiện, đa số chịu được sóng gió cấp 9 kết hợp triều cường 10%, riêng đê Hà Nam chịu được sóng gió cấp 10 kết hợp triều cường 5%. Thiết kế đê biển của Quảng Ninh rất kiên cố, trong trường hợp khẩn cấp có thể chấp nhận sóng đánh tràn qua nhưng không vỡ thân đê.
Gần đây, Quảng Ninh cũng đầu tư mạnh cho công tác trồng rừng ngập mặn, trong đó năm 2021 sẽ trồng mới, trồng bổ sung 1.200ha rừng ngập mặn, nhằm góp phần bảo vệ đê điều, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, chỉ cần 200m rừng ngập mặn tươi tốt sẽ có tác dụng chắn sóng tương đương một công trình kè bê tông.
Về công trình hồ đập, toàn tỉnh có 158 hồ lớn nhỏ, trong đó khoảng trên 1/4 số hồ đập do các công ty thủy lợi quản lý, số còn lại do địa phương quản lý. Tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng mới, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hồ, đập. Khoảng 10 năm qua, các dự án hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đã giúp hàng chục hồ lớn được kiên cố hóa và áp dụng quy trình quản lý an toàn. Theo giới chuyên môn, hiện nay các công trình hồ đập từ quy mô trung bình đến quy mô lớn của Quảng Ninh đạt chỉ số đảm bảo an toàn cao. Riêng hồ Yên Lập, chỉ số đảm bảo ở mức rất cao, 1/1 vạn, tức 1 vạn năm mới có những đợt lũ có thể gây ra vỡ hồ.
Cùng với đó, các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản của Quảng Ninh hiện nay cũng phát triển theo hướng tăng tính chống chịu với bão lũ, hài hòa với môi trường, không chỉ bảo vệ được tài sản, mà còn thúc đẩy xu hướng phát triển tiến ra biển.
Ví dụ điển hình là việc Quảng Ninh đang áp dụng quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, trong đó từ năm 2021, buộc sử dụng các vật liệu bền vững thay cho vật liệu thiếu bền vững… Bên cạnh đó là nỗ lực hình thành các cảng, bến, điểm tránh trú bão an toàn, hiện đại mà tỉnh và các địa phương trên địa bàn triển khai.
Tiếp tục chủ động các biện pháp
Mặc dù đạt kết quả khá khả quan, tuy nhiên trước diễn biến ngày càng bất thường, khắc nghiệt của thời tiết như hiện nay, vẫn còn nhiều việc cần phải chú trọng thực hiện, nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, đối với hệ thống đê biển, công trình hồ đập, kể cả khi đã được đầu tư hoàn thiện thì công tác bảo vệ, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên là rất cần thiết. Những công trình này trong thời gian vận hành luôn chịu nhiều tác động tự nhiên, dẫn đến dễ hình thành những hư hỏng nhỏ. Sự hư hỏng này nếu được phát hiện, xử lý sớm sẽ hoàn toàn không gây ra hậu quả, nhưng nếu để chậm, muộn, thì sẽ ngược lại. Vì vậy, trong quản lý các công trình thủy lợi, xử lý sớm là yêu cầu cơ bản, bắt buộc và có tính tiên quyết, tuy nhiên, hiện không phải đơn vị quản lý nào cũng thực hiện tốt.
Lý giải điều này, ông Phương cho biết, hiện khoảng 100 hồ đập có sức chứa nhỏ đang do các địa phương quản lý. Qua kiểm tra thực tế, đa số đều không áp dụng đúng quy trình quản lý, vận hành, suất đầu tư bảo dưỡng hằng năm cho công trình thấp.
Bên cạnh đó, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát, thiếu tính quy hoạch trên toàn tỉnh vẫn chưa được xử lý, dẫn đến thiếu an toàn khi mùa mưa bão đến. Tình trạng các cảng, bến, điểm tránh trú bão đã được quan tâm đầu tư, song thiếu đồng bộ, chất lượng một số công trình chưa đảm bảo, dẫn đến có công trình đã kết thúc đầu tư mà không quyết toán, cũng như công bố điểm tránh trú bão an toàn được.
Thêm nữa, nhiều vùng dân cư sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất khi mưa lũ vẫn chưa có hướng xử lý phù hợp, trong khi đó không ít nơi vẫn hình thành những trường hợp xây dựng nhà ở mới tại những vị trí nguy hiểm về sạt lở này. Thực tế trong mùa mưa bão năm 2020, trong 124 điểm sạt lở toàn tỉnh thì TP Hạ Long có nhiều vị trí sạt lở nhất. Và đáng tiếc là 1 người dân ở TP Hạ Long đã bị thiệt mạng, 2 người bị thương cũng do sạt lở trong mùa bão lũ.
Có thể thấy, Quảng Ninh đã và đang triển khai hiệu quả công tác phòng phống lụt bão, ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết hiện nay, rất cần sự chủ động cao của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân. Qua đó, nhằm giảm tối đa những thiệt hại có thể xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()