Tất cả chuyên mục

Mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam (VietGAP) có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nâng cao giá trị, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay vẫn khó nhân rộng bởi những vướng mắc từ thực tế.
[links()]
Rau an toàn Việt Long bày bán tại siêu thị BigC Hạ Long. |
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, tăng 3 cơ sở so với năm 2017. Ông Nguyễn Văn Vui, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Để sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, các cơ sở phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, chi phí lớn, quy mô rộng với hệ thống xử lý nước, nhà nuôi trồng, nhà sơ chế, thủy lợi nội đồng... quá trình thực hiện đòi hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn, ghi chép đầy đủ quy trình nuôi trồng, chăm sóc, chế biến. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra của các mô hình VietGAP hiện còn thiếu tính liên kết, chưa được người tiêu dùng đánh giá cao, nên không khác biệt so với các sản phẩm thông thường. Những vướng mắc trên khiến cho người dân thiếu sự mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc đầu tư lớn, có khi lên tới hàng tỷ đồng như mô hình rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 có mức đầu tư 15 tỷ đồng, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các cơ sở, người dân phải bỏ ra nhiều khoản chi phí khác như: Tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, giấy chứng nhận, tái chứng nhận, giám sát giữa kỳ... trong khi đó, mức hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Theo chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung giai đoạn 2017-2020 của Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND, cơ sở sau khi có giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP được hỗ trợ một lần chi phí đầu tư làm cơ sở hạ tầng là 50 triệu đồng.
![]() |
Khu nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Đức Thịnh, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà. Ảnh: Thái Cảnh |
Mặt khác, đa số sản phẩm được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay chỉ được chứng nhận chung chung. Các sản phẩm, nhất là sản phẩm từ chăn nuôi chưa thiết lập nhãn hiệu, bao bì, mã vạch gắn liền với sản phẩm, nên người tiêu dùng còn nghi ngại, chưa tin tưởng, đánh đồng sản phẩm. Tâm lý của người tiêu dùng, nhà hàng, bếp ăn tập thể, đơn vị phân phối lựa chọn sản phẩm sản xuất theo cách thông thường vì giá thành rẻ hơn, tiêu thụ dễ và có lãi nhiều hơn.
Là một trong 3 cơ sở nuôi tôm trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, ông Ngô Văn Diệm, khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, cho biết: Từ cuối năm 2016, gia đình đã đầu tư nuôi 5,1ha tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình này giúp người nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định năng suất, hạn chế được ô nhiễm. Tuy nhiên, việc nuôi tôm theo quy trình VietGAP đòi hỏi tốn về chi phí, thời gian, công sức bởi từ khâu chọn giống, nguồn nước, kỹ thuật, thức ăn... phải được chọn lựa kỹ lưỡng đảm bảo an toàn.
Trong quá trình nuôi chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, ghi chép cẩn thận nhật ký ao nuôi, cải tạo ao nuôi, cho ăn, xử lý chất thải sau thu hoạch. Mặc dù vậy, giá bán tôm lại phụ thuộc chủ yếu vào cung - cầu của thị trường cũng như không có khác biệt so với tôm nuôi ở các ao khác. Vì vậy, hầu hết tôm được bán ở dạng thô cho thương lái thu mà chưa được chế biến, ngay cả bước đơn giản nhất là cấp đông, đóng gói, bảo quản sản phẩm.
Công ty CP Đầu tư Song Hành là một trong những cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP. |
Khó khăn lớn nhất của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay là hầu hết các cơ sở đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Thực tế, ngoài sản phẩm rau an toàn của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Long đang bày bán tại siêu thị BigC Hạ Long, những sản phẩm còn lại vắng bóng tại hệ thống siêu thị. Các sản phẩm chủ yếu vẫn phải bán qua thương lái, bếp ăn tập thể, nhà hàng hoặc cơ sở tự bỏ kinh phí xây dựng các cửa hàng bán lẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên), rau của công ty được cấp giấy chứng nhận VietGAP từ năm 2016, đến nay đã phần nào khẳng định chất lượng khi được người dân đón nhận. Tuy nhiên, khi đầu tư vào nông nghiệp sạch, mức đầu tư bao giờ cũng lớn hơn, thời gian lâu hơn khiến giá các loại rau của công ty luôn cao hơn thị trường từ 10-15%. Việc tiêu thụ vì thế cũng không dễ dàng. Ngay cả khi đã được kết nối với một số nhà hàng, vấn đề giá vẫn khiến nhiều đơn vị chưa thể ký kết lâu dài. Do đó, ngoài một số bếp ăn tập thể, điểm bán hàng OCOP, công ty đã tự bỏ kinh phí đầu tư cửa hàng bán lẻ. Về lâu dài, công ty vẫn rất cần các kênh tiêu thụ ổn định.
Thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP có quy trình chặt chẽ, khoa học tiên tiến, sản phẩm nông sản đầu ra chắc chắn an toàn. Vì vậy, các ngành chức năng cần có giải pháp để nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức để đánh giá đúng về sản phẩm VietGAP, tạo điều kiện cho mô hình phát triển.
Cao Quỳnh
Ý kiến (0)