Tất cả chuyên mục

Thời gian vừa qua, việc đốt vàng mã trở thành vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Vào một số ngày lễ lớn, việc đốt vàng mã đã trở thành thói quen, phong tục không thể loại bỏ trong "một sớm một chiều".
![]() |
Nhiều người dân đã bắt đầu hạn chế đốt vàng mã. |
Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, hầu hết các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh đã hạn chế việc đốt vàng mã. Đa số người dân chỉ đến chùa để thăm, vãn cảnh, cầu mong năm mới bình an, may mắn. Ở một số điểm thờ tự có đông du khách đến tham quan như: Chùa Long Tiên, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)... đều có lò hóa sớ, lò đốt vàng mã nhưng rất ít người dân đốt. Chủ yếu, người dân mang hoa quả, bánh kẹo để đặt lễ, thể hiện tấm lòng thành tâm. Đặc biệt trong ngày Rằm tháng Giêng vừa qua, hầu như người dân đến các chùa đều không đốt vàng mã. Khảo sát tại một số điểm dân cư trên địa bàn TP Hạ Long trong ngày 14, 15 tháng Giêng, người dân chỉ đốt tiền vàng với số lượng nhỏ. Chị Hoàng Thị Dung, khu 2, phường Hà Tu, TP Hạ Long, chia sẻ: “Tôi thấy việc đốt vàng mã rất lãng phí. Bình quân, một bộ quần áo vàng mã có giá từ 25.000-30.000 đồng, ngựa 35.000-40.000 đồng, chưa kể những gia đình có điều kiện họ còn mua cả ti vi, nhà lầu bằng vàng mã rất tốn kém. Tôi nghĩ việc thờ cúng quan trọng là ở trong tâm, là cách đối xử với cha mẹ, người thân khi còn sống".
![]() |
Khá nhiều người dân tìm đến các cửa hàng bán vàng mã để mua, hóa trong các dịp giỗ, Tết, lễ đền, chùa... |
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Ban Quản lý chùa Long Tiên (TP Hạ Long), việc loại bỏ đốt vàng mã mới chỉ là ý kiến đề xuất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chưa có văn bản chính thức cấm đốt vàng mã nên chỉ có cách tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, đốt vàng mã đã trở thành thói quen, phong tục của người dân nên khó có thể xóa bỏ hoàn toàn. Tại chùa, cũng đã xây dựng lò đốt cho những Phật tử có nhu cầu hóa sớ, vàng mã, nhưng cũng rất ít người đến đốt.
Tuy nhiên, thực tế, tại các cửa hàng bán vàng mã vẫn còn đông khách đến mua. Việc buôn bán diễn ra liên tục. Bên cạnh đó, tâm lý của những người bán hàng cũng không mong muốn xóa bỏ việc đốt vàng mã vì ảnh hưởng đến lợi nhuận và cuộc sống của họ. Một số người còn cho rằng, việc đốt vàng mã sẽ giúp cuộc sống thêm thịnh vượng, phát tài, được các thần thánh phù hộ (?!). Chính quan điểm này là một trong những rào cản khiến việc xóa bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã càng trở nên khó khăn.
![]() |
Do nhu cầu của người dân còn cao nên các cửa hàng vàng mã tại chợ Hạ Long I (TP Hạ Long) vẫn chuẩn bị rất nhiều mặt hàng vàng mã để bán. |
Từ lâu, người dân Việt đã có tục đốt vàng mã để giao tiếp với thế giới siêu nhiên, thể hiện quan điểm “trần sao, âm vậy”. Mỗi dịp Tết đến Xuân về hay vào ngày cúng giỗ, người ta đặt vài tập tiền vàng, mã lên bàn thờ và lễ xong thì đốt để tưởng nhớ, tri ân gia tiên, những người đã khuất. Tuy nhiên, có không ít người chạy theo xu hướng này để cầu xin tài lộc, bỏ ra hàng triệu, thậm chí cả chục triệu đồng để đốt nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại... bằng vàng mã, gây nên sự lãng phí, ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ. Còn nhớ, năm 2016, một vụ hoả hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Cửa hàng xăng dầu khu 5, phường Ka Long, TP Móng Cái khiến cửa hàng xăng này bị thiêu rụi, hàng chục hộ dân sống gần vô cùng hoảng sợ. Nguyên nhân đã được xác định là do tàn lửa từ việc thắp hương, đốt vàng mã của một gia đình ở ngay cạnh Cửa hàng phát tán lửa đúng lúc xe bồn đang bơm xăng xuống bể chứa.
Để xóa bỏ hoàn toàn việc đốt, hóa vàng mã đòi hỏi một quá trình lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền tại các cơ sở thờ tự, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến các gia đình, cá nhân, nhằm giảm thiểu tối đa việc đốt, hóa vàng mã, thể hiện lối sống tiết kiệm, văn minh.
Dương Hà
Ý kiến ()