Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:59 (GMT +7)
Cần nâng cấp tuyến đê biển Hà An
Thứ 2, 10/06/2024 | 15:34:45 [GMT +7] A A
Cử tri phường Hà An (TX Quảng Yên) nhiều lần kiến nghị tỉnh, thị xã sớm quan tâm đầu tư cứng hóa tuyến đê biển Hà An. Qua đó nhằm kiểm soát triều cường, phòng chống xói lở bờ biển, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Tuyến đê Hà An dài khoảng 9km, từ K21 (Nhà máy Sứ) đến K29 (khu Thống Nhất 3, phường Tân An), được người dân coi là “lá chắn thép” phía Tây của phường, bảo vệ trên 1.787ha đất nông nghiệp và 2.402 hộ dân/9.299 nhân khẩu. Trên tuyến đê có 3 cống tiêu thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Để đảm bảo cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất, những năm qua, nhiều đoạn của tuyến đê đã được tỉnh, thị xã đầu tư nâng cấp; đến nay đã bê tông hóa được gần 8km, còn hơn 1,5km chưa được cứng hóa.
Cụ thể, đoạn từ K23+90 đến K29 dài gần 6km được đầu tư nâng cấp năm 2011, mặt đê được bê tông hóa, mái kè đá đảm bảo chịu gió bão cấp 10-12. Đoạn từ K21 đến K22+240, gồm toàn bộ phía trong chân đê, do quá trình lấy đất đắp đê nên đã hình thành nhiều đoạn có độ sâu từ 0,7-1m không có chân đê. Đoạn đê này đã được thị xã đầu tư nâng cấp, bê tông hoá mặt đê, đắp to thân đê và kè đá mái phía ngoài, giai đoạn 2014-2015.
Riêng đoạn từ K22+240 đến K23+90 (850m) đã bị dịch chuyển về phía Bắc, tiếp giáp với cánh đồng khu Chòi Vịt (cách vị trí cũ khoảng 300m) do quá trình quy hoạch và triển khai dự án của Công ty CP Công nghiệp tàu thuỷ Sông Chanh và Công ty CP Đóng tàu và Vận tải biển Nam Phát. Trong đó, có 50m được xác định là vị trí xung yếu do nhà thầu thi công xây dựng cầu Sông Chanh 2 chưa thực hiện hoàn nguyên... Như vậy, tuyến đê biển Hà An còn 1.585m chưa được bê tông cứng hóa, cao trình không bảo đảm, mặt đê đắp bằng đất, nên nguy cơ vỡ đê, nước tràn qua đê khi có bão vào lúc triều cường là rất lớn.
Ông Lê Minh Tiến, Chủ tịch UBND phường Hà An, cho biết: Đoạn đê biển còn lại chưa được nâng cấp là đê đất, đã bị phong hoá mạnh, ngày càng xuống cấp. Có một số vị trí đỉnh đê bị bào mòn cao trình chỉ còn đạt 3,5-4m. Trước kiến nghị của cử tri, phường đã chủ động khảo sát, đánh giá hiện trạng các điểm xung yếu để báo cáo, đề xuất tỉnh, thị xã các phương án đầu tư nâng cấp.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2024, phường chủ động kịp thời gia cố, sửa chữa để tăng sức chống chịu xói mòn cho tuyến đê; bố trí các tổ thường trực bảo vệ đê, phân công lực lượng xung kích của khu phố thường xuyên tuần tra các vị trí đê. Qua đó nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các lỗ rò rỉ, lỗ mối, mạch đùn, các vết rạn nứt do dư chấn động đất...
Đặc biệt, trong thời điểm xảy ra bão, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của phường tổ chức thường trực 24/24h để sẵn sàng điều động các lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng, hậu cần, ứng cứu kịp thời khắc phục sự cố đê; kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của thị xã khi xuất hiện tình huống nguy cấp về sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ bị vỡ đê.
Phường đã sớm xây dựng phương án, báo cáo thị xã đưa đầu tư nâng cấp tuyến đê biển Hà An vào kế hoạch đầu tư trung hạn của địa phương. Thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, xác định rõ sự cần thiết và mục tiêu đầu tư; trên cơ sở đó xem xét, báo cáo tỉnh quyết định đầu tư nếu thực sự cấp bách.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()