Bộ Tài chính vừa có công văn hồi đáp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7 đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bộ này đề nghị Bộ Lao động tính toán lại mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 lên 2.655.000 đồng mỗi tháng); tăng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng).
Với mức tăng như trên, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt (7.430 tỷ đồng), vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm 2024.
Bộ Tài chính nêu rõ ngân sách trung ương khó khăn, tiền bố trí cho tăng lương hưu và các khoản trợ cấp hạn chế trong khi một số địa phương dư nguồn lực lớn cho cải cách tiền lương. Nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và chủ động nguồn kinh phí, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động báo cáo cấp thẩm quyền cho phép dùng nguồn tích lũy của trung ương và tiền còn dư của địa phương sau cải cách tiền lương để chi cho các chính sách này.
Từ ngày 1/7, lương cơ sở (1,8 triệu đồng) không còn, trong khi hàng loạt chế độ BHXH, BHYT, an sinh xã hội lấy mức lương này làm căn cứ. Vì thế Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động cùng các ban ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 xem xét mức chuẩn làm cơ sở để đảm bảo tính pháp lý, sự thống nhất khi thực hiện các chế độ.
Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Chính phủ đã trích lập được nguồn 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cải cách tiền lương đến năm 2026.
Ý kiến ()