Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 19:48 (GMT +7)
Cần tăng cường đưa nghệ nhân lên bục giảng
Chủ nhật, 17/03/2024 | 09:39:03 [GMT +7] A A
Những nội dung về văn hóa, lễ hội, lịch sử truyền thống của tỉnh Quảng Ninh đã được nhiều nghệ nhân dân gian đưa tăng cường vào giờ ngoại khoá trong chương trình giáo dục phổ thông.
Văn hóa truyền thống là dòng chảy vô tận được tạo dựng và bồi đắp, làm nên bản sắc quý giá của mỗi dân tộc đang được những nghệ nhân dân gian - người thầy thầm lặng, miệt mài trên hành trình trao truyền di sản văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Quảng Ninh hiện có nhiều nghệ nhân dân gian lưu giữ các loại hình di sản văn hoá phi vật thể, như: Hát đúm (Quảng Yên), hát chèo cổ (Đông Triều), hát dân ca Dao (Uông Bí, Hạ Long, Tiên Yên, Bình Liêu), may thêu quần áo dân tộc Dao Thanh Y, nghi thức cấp sắc của dân tộc Dao (Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên), hát then cổ của dân tộc Tày và hát soóng cọ của người Sán Chỉ (Tiên Yên, Bình Liêu), hát nhà tơ, hát - múa cửa đình (Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn, Móng Cái), hát sình ca của người Cao Lan (Ba Chẽ), nghệ nhân làm đồ sành sứ (Đông Triều), nghệ nhân đan thuyền nan, đan ngư cụ (Quảng Yên, Vân Đồn).
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 nghệ nhân dân gian lưu giữ gần 80 loại hình văn hoá, văn nghệ dân gian. Một số nghệ nhân là hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh đang tích cực sưu tầm và truyền dạy văn hoá phi vật thể cho học sinh là Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thanh Quyết ở phường Phong Hải, TX Quảng Yên; Nghệ nhân Ưu tú Bàn Thị Vinh ở xã Bằng Cả, TP Hạ Long; nghệ nhân dân gian Trạc A Thìn ở xã Húc Động, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên ở thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu...
Nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ nghệ nhân dân gian đã tạo ra sự cộng hưởng tích cực để những di sản văn hóa truyền thống được lan tỏa sức sống trong giới trẻ. Đến nay, đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ninh đã có 46 tác phẩm viết về văn hoá dân gian các dân tộc Quảng Ninh. Toàn tỉnh đã có 76 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 36 Nghệ nhân Ưu tú.
Các nghệ nhân đã tham gia thành lập được 48 câu lạc bộ văn hoá dân gian ở các thôn, khe, bản, thường xuyên biểu diễn phục vụ cho các lễ hội địa phương. Đây là môi trường tốt để cho các nghệ nhân dân gian biểu diễn và truyền dạy vốn di sản văn hóa quý báu của các dân tộc. Ngoài ra, còn hàng trăm nghệ nhân khác chưa được phong tặng bất kỳ danh hiệu nào nhưng vẫn say sưa hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian.
Không chỉ thực hành biểu diễn di sản văn hoá phi vật thể, các nghệ nhân dân gian còn đứng lớp truyền dạy cho học sinh, trong đó tập trung nhiều nhất vào loại hình hát dân ca và may thêu trang phục truyền thống. Tại Quảng Yên có những lớp học ngoại khoá về hát đúm, Đông Triều có những lớp về hát chèo, Bình Liêu có nhiều lớp hát then, đàn tính của người Tày, hát pả dung và sáng cố của người Dao, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, tại Ba Chẽ có những lớp truyền dạy dân ca và thêu trang phục người Dao, chế tác mặt nạ Ka đong, tại Hạ Long có những lớp truyền dạy dân ca Dao Thanh Y...
Nghệ nhân dân gian là những người thầy đặc biệt, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" tận tình hằng ngày cho thế hệ trẻ. Nhìn chung, đội ngũ nghệ nhân dân gian hiện nay của tỉnh ta đều ở tuổi 70-80 trở lên, có người đã gần chạm ngưỡng bách niên và đang thưa vắng dần do tuổi tác. Những nghệ nhân dân gian còn sức khoẻ thì cho dù cuộc sống chưa hết vất vả, khó khăn vẫn chung tay gìn giữ và chuyển trao cho các thế hệ tiếp nối tình yêu văn hóa dân gian. Hằng ngày, họ lặng lẽ trong mỗi thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống.
Thiết nghĩ, các trường phổ thông cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành văn hoá, các tổ chức hội địa phương tăng cường mời các nghệ nhân dân gian tham gia truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể trong các giờ ngoại khoá. Qua đó góp phần bồi đắp thêm cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương.
Huỳnh Đăng
- Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu 'Nghệ nhân nhân dân', 'Nghệ nhân ưu tú' trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
- Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
- Nghệ nhân dân gian: Miệt mài trao truyền di sản văn hóa
- Diễn viên Thu Quỳnh nhiễm Covid-19
- Cận cảnh diện mạo đẹp mê mẩn của đối thủ Kia Seltos, mở bán với giá chỉ 443 triệu đồng
Liên kết website
Ý kiến ()