Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:56 (GMT +7)
Chuẩn hóa vật liệu nổi trong NTTS: Cần tăng tốc chuyển đổi sang vật liệu nổi đạt chuẩn HDPE
Thứ 3, 12/04/2022 | 09:10:09 [GMT +7] A A
Hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển, ngày 31/8/2020, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Yêu cầu chính yếu của quy chuẩn là chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong NTTS sang vật liệu thân thiện môi trường, tức vật liệu có các thông số tương đương tổ chức FAO quy chuẩn cho HDPE.
Kết quả chưa đạt như kỳ vọng
Trước thời điểm Quảng Ninh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong NTTS, toàn tỉnh có khoảng 1ha nuôi cá biển và nhuyễn thể sử dụng ống nhựa HDPE và khoảng 64.000 thùng phuy nhựa tái chế. Đây đều là những mô hình điểm, nằm trong nhiều chương trình tài trợ, thử nghiệm khác nhau của Nhà nước. Số diện tích NTTS còn lại của toàn tỉnh, với gần 5.500ha mặt nước (nằm trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố), bao gồm 4.000ha nuôi nhuyễn thể và 1.500ha nuôi cá biển đều sử dụng phao xốp.
Số lượng phao xốp trong NTTS được các địa phương rà soát thời điểm trước tháng 8/2020 là trên 10 triệu quả, trong đó tại Vân Đồn có đến hơn 9 triệu quả. Hiện nay, sau khi các địa phương rà soát lại (tháng 2/2022) số lượng phao xốp trong NTTS toàn tỉnh là trên 3 triệu quả, trong đó tại huyện Vân Đồn là gần 2,7 triệu quả.
Quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong NTTS ra đời, những người trong cuộc hiểu hơn về tính thiếu bền vững và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của phao xốp, cũng như sự cần thiết phải thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE. Hộ ông Bùi Bá Bính (huyện Vân Đồn), Tập đoàn BIM, TP Hạ Long là những hộ NTTS, doanh nghiệp thủy sản và địa phương có biển sớm trong chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE, thời điểm bắt đầu chuyển đổi từ cuối năm 2020.
Ông Bính cho biết: Làm nghề NTTS bao năm qua tôi rất rõ phao xốp chỉ có thể sử dụng trong vòng 2 năm, sau đó vỡ nát, tan rã thành từng mảnh, miếng, thậm chí thành từng hạt nhỏ trôi nổi trên mặt biển. Khi chúng dạt vào bờ thì trở thành rác vô cơ, rất lâu phân hủy, mất mỹ quan, còn khi trong dòng nước sẽ là cạm bẫy thức ăn, giết chết các loại sinh vật biển. Biết là vậy, nhưng phao xốp lại dễ đầu tư do sẵn có và giá rẻ. Cuối năm 2020, ngay khi tỉnh ban hành quy chuẩn vật liệu nổi, tôi đã tiến hành đầu tư thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE, dẫu suất đầu tư cao hơn, nhưng hiệu quả lại tốt, tính cả tức thời cũng như lâu dài.
Cùng với những điển hình trên thì từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm vừa qua, số lượng hộ dân, doanh nghiệp NTTS thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã có chuyển biến. Con số thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh cho thấy, tính đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh chuyển đổi được 38.000 quả phao, chiếm 12% số liệu rà soát tháng 2 vừa qua về tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE.
Các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Quảng Yên đạt tỷ lệ chuyển đổi khá cao, lần lượt là 56%, 95% và 53%. Các địa phương còn lại là Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả tỷ lệ chuyển đổi từ phao xốp sang phao nổi HDPE đạt dưới 50%. Riêng huyện Vân Đồn, địa phương có gần 2,7 triệu phao xốp, chiếm tới 90% số phao xốp toàn tỉnh, hiện mới chuyển đổi được 9%. TP Móng Cái là địa phương duy nhất toàn tỉnh đến thời điểm này chưa thực hiện chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE.
Thay thế hoàn toàn bằng phao nhựa HDPE
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần phải chuyển đổi xong 2,7 triệu quả phao xốp còn lại, trong đó đến 2,5 triệu quả nằm ở Vân Đồn. Như vậy số lượng phao xốp cần chuyển đổi của Vân Đồn trong 9 tháng tới gấp trên 6 lần tổng số phao xốp đã chuyển đổi của toàn tỉnh, đây là một con số rất lớn.
Cái khó của chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là vấn đề vốn đầu tư ban đầu đối với người NTTS, trong khi nguồn thu giảm do hạn chế tiêu thụ sản phẩm vì dịch Covid-19. Qua tính toán của các hộ NTTS, đầu tư phao nhựa HDPE cao hơn 2-3 lần so với phao xốp, hiện giá 1 quả phao nhựa dao động 70.000-80.000 đồng, trong khi phao xốp giá dưới 30.000 đồng. Để người NTTS có thể tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 194 ngày 30/7/2019 về chính sách khuyến khích đầu tư trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên chính sách này kể từ khi ra đời đến nay chưa phát huy tác dụng, chưa có hộ NTTS nào được hưởng lợi.
Hiện các đơn vị sản xuất và cung ứng phao nhựa HDPE đã đưa ra các chính sách hậu mãi cho người dân như đảm bảo chất lượng, bảo hành sản phẩm, cam kết thu mua lại sản phẩm cũ sau sử dụng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho các hộ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE… Tuy nhiên, tại thời điểm này các chính sách hậu mãi dường như chưa được thực hiện. Mặt khác, việc cung ứng phao nhựa HDPE đã xuất hiện các trường hợp làm giả, nhái, phao chưa được hợp quy trà trộn...
Ngoài đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một bất cập mà các đơn vị chức năng cần phải giải quyết là số phao cần chuyển đổi giữa 2 lần các địa phương đã rà soát (trước tháng 8/2020 và tháng 2/2022) có sự chênh lệch quá lớn, giảm từ trên 10 triệu quả xuống trên 3 triệu quả. Trong khi đó số liệu thống kê cuối năm 2021, tổng diện tích nuôi và sản lượng cá biển và nhuyễn thể của Quảng Ninh không giảm so với những năm trước đây. Điều này cho thấy Sở NN&PTNT cần rà soát lại, thẩm định một cách tổng thể, sát thực tế để lấy đây làm cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS trên địa bàn toàn tỉnh. Có như vậy Quảng Ninh mới thật sự đạt mục tiêu chuẩn hóa được vật liệu nổi trong NTTS, tiến tới nền thủy sản bền vững, giá trị cao, thân thiện môi trường và bảo vệ nguồn lợi biển.
Để đẩy mạnh chuẩn hóa vật liệu nổi trong NTTS
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh:
Phối hợp khắc phục những phát sinh trong chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE
Việc chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE thực tế còn chậm, kết quả đạt được chưa đáp ứng tiến độ đặt ra. Trong đó có những nguyên nhân liên quan đến các phần việc tỉnh, ngành hiện đang triển khai. Đơn cử như việc người dân chưa được giao, cho thuê mặt nước, trong khi đó đây là điều kiện để có thể nằm trong chuỗi liên kết thuộc Nghị quyết 194 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tức là được hỗ trợ về vốn để chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE.
Bên cạnh đó, nhiều tồn tại khác chúng tôi đang tích cực phối hợp khắc phục như việc chuẩn hóa đơn vị sản xuất, cung ứng và sản phẩm phao nổi HDPE; thống kê chính xác về số lượng phao nổi cần chuyển đổi, cùng địa phương giám sát, thúc đẩy quá trình chuyển đổi, xử lý số phao xốp tồn đọng trên biển sau thay thế… Tinh thần của đơn vị là quyết tâm đạt tiến độ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, hoàn thành trong năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát:
Doanh nghiệp sản xuất, cung ứng phao HDPE gặp khó vì việc số lượng phao nhựa cần sử dụng toàn giảm đột ngột
Có thể nói Trường Phát là đơn vị tiên phong vào cuộc thực hiện chuẩn hóa vật liệu nổi trong NTTS tại Quảng Ninh. Quá trình tham gia tại đây, chúng tôi thấy rất rõ thiện chí, quyết tâm của tỉnh, tuy nhiên những khó khăn của Quảng Ninh trong nhiệm vụ này rất nhiều. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng phao nổi HDPE chúng tôi đang đối mặt với việc số lượng phao cần sử dụng toàn tỉnh giảm đột ngột, kéo theo đó là hệ lụy về quy mô sản xuất, phân phối sản phẩm.
Mặt khác, các hộ NTTS thời gian qua chuyển đổi quá chậm, con số đạt được hiện nay là rất nhỏ. Bên cạnh đó, đã có tình trạng người dân sử dụng sản phẩm nhựa trôi nổi, chưa hợp quy, việc này chúng tôi rất cần sự vào cuộc, lập lại trật tự từ phía cơ quan chức năng của tỉnh. Thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ có lợi nhất cho người NTTS chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE, trong đó có việc xem xét cho người dân mua phao trả chậm, trả góp, đồng thời có phương án xử lý phao xốp sau thay thế cho người dân.
Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn:
Rất cần sự đồng hành, sát cánh của các đơn vị chức năng, doanh nghiệp cung ứng phao và các hộ NTTS
Vân Đồn chiếm đến gần 90% số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nổi HDPE của toàn tỉnh. Tính đến thời điểm này, toàn huyện mới chuyển đổi chưa tới 10%, như vậy số lượng công việc còn rất nhiều, trong khi quỹ thời gian để hoàn thành không lớn.
Xác định rất rõ thực tế trên, huyện Vân Đồn đã và đang triển khai loạt các biện pháp thiết thực để đẩy mạnh chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, trong đó có rà soát thực tế; di dời, tháo dỡ bè NTTS trong khu vực luồng lạch giao thông; phân chia đối tượng để chuyển đổi, trước tiên là các doanh nghiệp, các hộ nuôi có điều kiện kinh tế. Mặt khác huyện đã đề xuất tỉnh về chính sách giao, cho thuê mặt nước tạm thời, trước mắt là trong năm 2022 để người dân có điều kiện tham gia các chính sách hỗ trợ hiện hành… Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE của Vân Đồn thời gian tới vẫn rất khó khăn, rất cần sự đồng hành, sát cánh của các đơn vị chức năng trong tỉnh, các doanh nghiệp cung ứng phao và chính các hộ NTTS.
Ông Trần Văn Đoàn, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên:
Mong tỉnh sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ về kinh phí cho ngư dân
Trước đây, việc các cơ sở, hộ NTTS bằng lồng bè đều quen với việc sử dụng phao xốp, bởi đây là loại vật liệu có giá thành rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường, dễ sử dụng. Đa phần người dân chúng tôi cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải biển... mà các vụn xốp vỡ có thể gây ra.
Khi được chính quyền địa phương và các ngành chức năng tuyên truyền, giải thích, vận động về việc sử dụng phao nhựa HDPE, chúng tôi ủng hộ chủ trương chung. Vướng mắc lớn nhất là giá thành mua phao bằng vật liệu mới cao hơn nhiều so với phao xốp, khiến các hộ tiến hành chuyển đổi sang phao nhựa HDPE theo đúng quy chuẩn phải bỏ ra chi phí ban đầu khá lớn. Mong rằng tỉnh sẽ có thêm cơ chế hỗ trợ cho ngư dân.
Việt Hoa
- Thay thế phao xốp bằng phao nhựa trong NTTS
- Thay thế phao xốp bằng phao HDPE trong NTTS: Người dân Vân Đồn tích cực vào cuộc
- Sức bật cho xuất khẩu thủy sản
- Quảng Ninh: Thả tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
- Quảng Ninh phát triển bền vững ngành thuỷ sản
- Thả 2,3 triệu con giống thủy sản về vịnh Bái Tử Long
- Giải bài toán nuôi trồng thủy sản tự phát?
Liên kết website
Ý kiến ()