Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:30 (GMT +7)
Cẩn thận bẫy lừa "dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo"
Thứ 4, 15/11/2023 | 17:01:31 [GMT +7] A A
Bị lừa đảo trực tuyến mất tiền, lên mạng cầu cứu và có thể lại "sập bẫy" lừa đảo tiếp bởi các "dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo" từ các hội nhóm trên mạng xã hội.
Nhan nhản dịch vụ "lấy lại tiền bị lừa đảo" trên Facebook
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhan nhản các nhóm hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo. Chỉ cần gõ cụm từ “lấy lại tiền lừa đảo” trên thanh tìm kiếm của Facebook, sẽ xuất hiện hàng loạt nhóm công khai với tên gọi "Lấy lại tiền lừa đảo..." có hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên.
Tại đây, các thành viên trong nhóm công khai đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo chuyển khoản, hay tiền chốt đơn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán,... "Muốn thu hồi tiền về tài khoản thì chủ động nhắn tin cho em để có cách xử lý; Uy tín, đảm bảo giải ngân trong ngày; Thủ tục đơn giản, chi phí thấp;...", một đối tượng trong nhóm đăng tin chào mời.
Trong vai người muốn lấy lại số tiền 150 triệu đồng đã chuyển khoản do vừa bị lừa đảo, PV lập tức nhận được trả lời hỗ trợ, đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân gồm: Số tiền đã bị treo; Ngân hàng; Họ và tên; Số tài khoản.
Mặc dù PV chỉ cung cấp một số thông tin không chính xác, đối tượng vẫn tiếp nhận và ngay sau đó gửi lại một "Thông báo từ hệ thống", yêu cầu PV xác nhận lại thông tin.
"Do số tiền của bạn được hệ thống bảo lưu và yêu cầu bạn cần hoàn thành một mã lệnh nhận tiền để hệ thống xác nhận và giải ngân cho bạn", đối tượng tư vấn cho biết. Theo đó, số tiền "mã lệnh" được yêu cầu nộp là 2.450.000 đồng "để hệ thống xác minh và xử lý hồ sơ tất toán". "Sau khi giải ngân, hệ thống sẽ thu thêm 1% tổng số tiền thực nhận", đối tượng tiếp tục tư vấn.
Ngay sau đó, đối tượng cung cấp số tài khoản và tên ngân hàng để chuyển tiền “mã lệnh”, không quên dặn dò: "Thanh toán xong gửi bill thanh toán thành công mình xác nhận hệ thống nhé".
Chuyển qua một đối tượng khác, với lý do bị lừa chuyển khoản 350 triệu đồng, PV được người này tư vấn có thể lấy lại tiền lừa đảo "bằng vps". Mức phí "mua vps" hệ thống là 2.300.000 đồng. Khi được hỏi có mất thêm phí gì nữa không, đối tượng cho biết "khi tiền lấy lại về tài khoản thì tuỳ lòng hảo tâm" của anh chị. Đối tượng cũng không quên đưa thêm các bằng chứng ảnh chụp màn hình đã làm mờ về việc lấy lại được số tiền bị lừa đảo cho những nạn nhân trước đó để thêm tính thuyết phục...
Theo một chuyên gia an ninh mạng, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn,... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và lấy lòng tin của nạn nhân. Khi nạn nhân đã "sập bẫy", các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền dưới dạng phí hệ thống, phí pháp lý, hoặc bất kỳ chi phí phát sinh nào khác. Sau khi đã bị lừa chuyển một trong các loại phí, nạn nhân có thể bị cuốn vào và tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất trước đó.
Ngoài việc chiếm đoạt tiền, các đối tượng lừa đảo cũng thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên, số CCCD, số điện thoại, địa chỉ email,... từ đó tạo điều kiện cho chúng thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Nạn nhân bị lừa đảo cần tỉnh táo
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn không ít người nhẹ dạ cả tin trở thành nạn nhân mới của nạn lừa đảo. Nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần phải hết sức tỉnh táo, vì chỉ có thể dựa vào các cơ quan chức năng để tìm ra đối tượng lừa đảo và đòi lại tài sản. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Người dân cũng cần đặc biệt lưu ý: Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, kiểm soát những thông tin khi đưa lên mạng; Khi bất ngờ nhận được một đường link về khuyến mãi hấp dẫn qua email, hãy kiểm tra kỹ trước khi click mở, so sánh địa chỉ trang web đang được chuyển hướng với các trang web chính thống, chỉ truy cập và cung cấp thông tin cho những website có chứng chỉ bảo mật https; Đặt câu hỏi xem sự việc đang diễn ra có hợp lý không trước khi chuyển tiền cho các đối tượng chưa bao giờ gặp mặt; Giữ thói quen luôn kiểm tra mọi thông tin, yêu cầu, nhất là liên quan đến tiền bạc, cho dù là từ người thân hay bạn bè.
Cục An toàn thông tin đã cung cấp Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, trong đó, chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, để người dân có thể tự nhận biết và nâng cao cảnh giác.
Ngoài ra, cần tự cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm mạng để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của lừa đảo trực tuyến.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()