Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 10:27 (GMT +7)
Cần thiết có bản đồ dữ liệu chi tiết cho quản lý di sản của Quảng Ninh
Chủ nhật, 06/03/2022 | 14:16:59 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có những khu di tích lớn với hàng chục, hàng trăm điểm di tích phân bố trong không gian rất rộng, như quần thể di tích - danh thắng Yên Tử, di sản nhà Trần tại Đông Triều, di tích Chiến thắng Bạch Đằng, Thương cảng cổ Vân Đồn… Việc có thể xác định chính xác vị trí, phạm vi phân bố của từng điểm di tích trong các quần thể này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Đơn cử như ở quần thể di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Nơi đây có hàng trăm chùa, am, tháp phân bố từ dưới chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Đặc biệt là các di tích nằm rải rác trong không gian gần 3.000ha của rừng quốc gia Yên Tử. Với hệ thống các tuyến hành hương hiện nay thực tế vẫn chưa bao trùm hết toàn bộ các di tích, trong đó có những di tích là phế tích, chỉ còn nền móng trên mặt đất hoặc thậm chí đã bị lá cây, đất đá vùi lấp theo thời gian.
Quan sát ngay cả ở những điểm di tích nổi tiếng quen thuộc với khách hành hương như khu vườn tháp Tổ - chùa Hoa Yên chẳng hạn, chúng ta cũng có thể nhận ra bên cạnh rất nhiều tháp còn nguyên vẹn thì có tháp chỉ còn nền móng, hoặc có dấu vết rất mờ nhạt. Với lịch sử cả nghìn năm được thường xuyên trùng tu, xây dựng qua nhiều thời kỳ, ngoài những di tích hiện tồn, Yên Tử còn nhiều dấu vết chưa được nhận diện hoặc còn ngủ yên dưới lòng đất. Đây là những khó khăn cho việc quản lý, bảo tồn di sản Yên Tử, bởi muốn quản lý tốt, tránh được việc di sản bị xâm hại một cách vô tình thì cần có thông tin đầy đủ, chi tiết phạm vi, quy mô và tình trạng của các yếu tố trong khu di sản.
Vậy làm thế nào để có được một dữ liệu như vậy? Trên thế giới, để quản lý di sản người ta xây dựng cơ sở dữ liệu với các thông tin rất chi tiết và cụ thể về từng thành phần của di sản, trong đó bản đồ chi tiết là một trong những công cụ quan trọng. Bản đồ di sản được đề cập ở đây là bản đồ mà các địa vật quan trọng và di tích, di vật được thể hiện ở tỷ lệ 1/500, thậm chí là 1/100 nhằm cung cấp vị trí, phạm vi và quy mô chính xác tuyệt đối của di tích/di vật.
Bản đồ này được xây dựng trên cơ sở dữ liệu khảo sát, nghiên cứu tổng thể và kỹ lưỡng về toàn bộ trữ lượng của khu di sản, bao gồm cả những di tích, di vật hiện trên mặt đất và dự báo đối với các di tích/di vật có thể có dưới lòng đất. Đối với những địa điểm được dự báo, bản đồ chỉ rõ phạm vi, mức độ cảnh báo dựa trên sự đánh giá mức độ khả năng xuất lộ di tích/di vật, chỉ thị bằng màu sắc để dễ quản lý. Trên cơ sở dữ liệu này, cơ quan quản lý và những đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý cũng như xem xét đưa ra quyết định khi triển khai các công trình có nguy cơ tác động đến di sản.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các khu di tích lớn của Quảng Ninh đã được khoanh vùng bảo vệ; một số khu di tích quan trọng như Yên Tử, Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều đã triển khai xây dựng bản đồ hiện trạng di tích, song các bản đồ này mới chú trọng đến các di tích, cảnh quan hiện tồn trên mặt đất, chưa đủ dữ liệu của các di tích/di vật hiện bị che phủ hoặc các phế tích. Thậm chí ngay cả các di tích, di vật, cảnh quan trên mặt đất cũng chưa được thể hiện đầy đủ do tỷ lệ bản đồ nhỏ, không thể hiện được tất cả các đối tượng…
Như vậy, chúng ta đang thiếu cơ sở dữ liệu cho việc quản lý. Thêm vào đó, cách quản lý trước nay của các địa phương thường dựa vào sự hiểu biết và bộ nhớ của cán bộ, bởi thực tế từng có những cán bộ văn hoá cả đời gắn bó với di tích, họ nắm rõ từng ngóc ngách của di tích. Tuy nhiên, với xu hướng luân chuyển cán bộ và những áp lực của sự phát triển với việc bảo tồn di sản thì việc quản lý chỉ dựa vào sự hiểu biết của cán bộ, thiếu cơ sở dữ liệu là không còn phù hợp.
Vì vậy, việc xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để lưu trữ, sử dụng lâu dài là cực kỳ cần thiết, trong đó có bản đồ dữ liệu di sản. Với bản đồ này không chỉ áp dụng cho các di tích lớn mà còn có thể áp dụng cho việc quản lý di sản trên toàn tỉnh. Đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan liên quan khi triển khai quy hoạch, xây dựng nắm bắt phạm vi, tầm quan trọng của các di sản, từ đó có giải pháp phù hợp, tránh xảy ra xung đột giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội...
Nguyễn Văn Anh (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()