Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:14 (GMT +7)
Cẩn trọng các vấn đề sức khoẻ ở trẻ em thời điểm giao mùa
Thứ 2, 14/10/2024 | 21:43:00 [GMT +7] A A
Thời điểm giao mùa, khi nhiệt độ có sự chênh lệch lớn và thay đổi đột ngột, là một trong những nguyên nhân khiến cơ thế khó thích nghi và dễ mắc bệnh hơn. Đặc biệt, đối với đối tượng trẻ em, các y bác sỹ cũng khuyến cáo cần chú ý các vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho trẻ trong thời điểm này.
Khoảng hai tuần trở lại đây, bệnh nhi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh gia tăng khoảng 20-30%, các bệnh thường gặp vẫn chủ yếu là bệnh đường hô hấp, tiêu hoá…
Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), phần đông trẻ đến khám gặp các vấn đề như viêm mũi, viêm họng, viêm tai, thậm chí viêm phế quản, phổi, triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi, ho, sốt. Nhiều trường hợp viêm ruột cũng được ghi nhận, trẻ có dấu hiệu nôn ói, đi ngoài nhiều lần, mệt lả, mất sức. Càng trẻ nhỏ, hoặc trẻ có sức đề kháng kém, có bệnh nền, thì thường dễ mắc hơn, hoặc bệnh dễ diễn biến trở nặng hơn.
Như trường hợp bệnh nhi là bé trai 2 tuổi con chị Nguyễn Thị Hà (TP Hạ Long), khởi điểm chỉ thấy chảy nước mũi, hung hắng ho, sốt nhẹ, nhưng trẻ vẫn chơi, chỉ sau một đêm trẻ sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, khi được đưa đến viện thăm khám thì được chẩn đoán viêm mũi họng, viêm phổi, phải nằm viện điều trị nội trú.
Tại Khoa Nội – Tim mạch – Hô Hấp (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), khoảng nửa tháng nay cũng luôn trong tình trạng kín các giường bệnh. Năm nay, một số bệnh như cúm mùa, RSV… không còn xuất hiện theo mùa mà gần như rải rác quanh năm. Theo các bác sỹ, nguyên nhân gia tăng bệnh nhi thời điểm này liên quan đến việc thời tiết thay đổi đột ngột, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chưa kịp thích nghi. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm trẻ quay lại trường học, môi trường sinh hoạt tập thể cũng dễ khiến các trẻ lây nhiễm bệnh từ bạn bè, nhất là trẻ nhỏ ở các bậc học mầm non, tiểu học.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, vẫn ghi nhận các trường hợp phụ huynh tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà không qua tham vấn của các bác sỹ, không đúng bệnh, không đúng liều lượng, khiến trẻ không được điều trị kịp thời, thậm chí biến chứng trở nặng hơn.
Bác sỹ CKII Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Chỉ một triệu chứng sốt có thể là của rất nhiều bệnh thường gặp khác nhau, có thể là sốt do virus, sốt do vi khuẩn, sốt phát ban, sởi, tay chân miệng, hoặc sốt xuất huyết… Ví dụ như sốt virus thì có thể không cần điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, để có được chẩn đoán và điều trị chính xác, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm nếu cần thiết. Đối với việc lạm dụng kháng sinh và kháng viêm có thể để lại những hậu quả hết sức nặng nề, như kháng kháng sinh, hoặc suy tuyến thượng thận do dùng corticoid trong thời gian dài, cần được chỉ định và sử dụng thận trọng.
Năm 2024, trên phạm vi cả nước, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng quay trở lại như ho gà, viêm não mô cầu…; nhiều dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh thành như sởi, tay chân miệng. Tại Quảng Ninh, chưa ghi nhận các dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhưng đã ghi nhận sự trở lại của ho gà, sởi, tuy nhiên chỉ cá biệt ở các trẻ chưa được tiêm vắc xin, hoặc chưa tiêm đủ mũi.
Kể từ quý II năm 2024, Bộ Y tế cũng đã cơ bản cung ứng lại đầy đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện, Quảng Ninh đã đạt tỷ lệ 78% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo khuyến cáo. Ngành y tế cũng đang phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ nâng tỷ lệ tiêm chủng lên 95%.
Tiến sỹ, bác sỹ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Ninh (CDC), cho biết: Các kế hoạch phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh có xu hướng phát sinh trong giai đoạn giao mùa đều đã được CDC chỉ đạo triển khai, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng theo đúng kế hoạch, song song với việc giám sát, phát hiện dịch bệnh từ sớm, từ cơ sở, trong cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng. Cùng với CDC Quảng Ninh, các đơn vị y tế toàn tỉnh cũng đã chủ động củng cố hệ thống xét nghiệm, đảm bảo năng lực xét nghiệm phát hiện căn nguyên gây bệnh ngay tại chỗ.
Bên cạnh các giải pháp của ngành y tế, y bác sỹ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp như hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thường xuyên, đảm bảo môi trường sống của trẻ được sạch sẽ, hạn chế hoặc đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có biểu hiện mắc bệnh và nâng cao dinh dưỡng cho trẻ.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()