Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:32 (GMT +7)
Cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ 4, 23/10/2024 | 15:01:59 [GMT +7] A A
Bên cạnh biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng; mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần giữ gìn ANTT.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) vừa tiếp nhận trường hợp Nguyễn Thị Hồng (SN 1990, trú phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đến đầu thú về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, từ tháng 6-12/2021 đối tượng thông tin có người nhà làm ở UBND TP Hạ Long, có mối quan hệ để cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều bị hại đã tin tưởng, giao cho Hồng trên 40 tỷ đồng. Từ tháng 2-5/2024 đối tượng thông tin có thể môi giới đưa người Việt Nam xuất khẩu lao động ở Canada. Có 7 người đã tin tưởng, giao cho Hồng trên 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, đối tượng đều dùng hết cho việc chi tiêu cá nhân, không thực hiện như cam kết. Hiện đối tượng được tạm giữ hình sự để tiếp tục mở rộng điều tra.
Theo cơ quan chức năng, tội phạm lừa đảo thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, các hoạt động mang tính thời sự, đánh vào sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Như sau bão số 3 xuất hiện một số tài khoản mạng xã hội đăng tải các bài viết vào các hội nhóm, trang cộng đồng... để kêu gọi quyên góp, ủng hộ theo hình thức trực tuyến. Một thủ đoạn khác là đăng tải bài viết có nội dung bán các nhu yếu phẩm cứu trợ như áo phao, nước, mì gói, đèn pin... Sau khi có nhà hảo tâm liên hệ, đối tượng yêu cầu đặt cọc trước khi chuyển hàng, sau đó chiếm đoạt tiền đặt cọc. Thậm chí có đối tượng tạo fanpage giả mạo Hội CTĐ tỉnh Quảng Ninh, các trang chính thống của cơ quan, đơn vị khác... để đăng tải bài viết kêu gọi quyên góp, ủng hộ. Trước các thủ đoạn nói trên, lực lượng chức năng đều nhanh chóng thông tin cảnh báo rộng rãi tới nhân dân để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Một số thủ đoạn đã được xác định: Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế để báo tin giả tới các phụ huynh học sinh rằng con em họ bị tai nạn... để lừa nạn nhân chuyển tiền đóng viện phí; mạo danh là nhân viên các nhà mạng, ngân hàng để lừa nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Các đối tượng thậm chí còn vào vai cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thoại cho nạn nhân, bịa đặt thông tin về những vụ việc hình sự để gây tâm lý hoang mang, buộc người nghe phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP... Vì vậy mỗi người dân cần thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm. Từ đó có thể chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè.
Nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân đang được các địa phương, ngành, đoàn thể của tỉnh phối hợp triển khai. Nội dung cơ bản được khuyến cáo là không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết, chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi kết nối với một người mới trên mạng xã hội, người dân cần kiểm tra, xác minh kỹ danh tính, địa chỉ của họ trước khi có quyết định chuyển tiền vì bất cứ lý do gì. Nếu phát hiện các dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ xử lý.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()