Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:44 (GMT +7)
Cảng CICT ứng dụng công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh
Thứ 7, 17/12/2022 | 06:04:03 [GMT +7] A A
Năm 2022, giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã thích ứng an toàn, linh hoạt, nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau chuỗi đứt gãy cung ứng. Đồng thời, Cảng đang là một trong những đơn vị tiêu biểu, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển của Quảng Ninh bằng những giải pháp hiệu quả trong nâng cao sức cạnh tranh, thu hút nguồn hàng.
Trong hệ thống cảng khu vực miền Bắc, CICT là cảng nước sâu, có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, một trong những cảng có điều kiện tốt nhất hiện nay. Cảng hiện đang quản lý, khai thác các bến số 2, 3 và 4 của Cảng Cái Lân, nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, mực nước sâu trước bến -13m, được trang bị hiện đại với 4 cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; xe khung nâng, xe chở container trong bãi, hệ thống cẩu làm hàng rời và các dịch vụ logistics đồng bộ.
Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tác động lớn tới chuỗi cung ứng vận tải nội địa và quốc tế, khiến nguồn hàng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây lại là quãng thời gian CICT tự hoàn thiện và làm mới mình. Ngay trong lúc dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, với sự quyết liệt, chủ động phòng dịch của tỉnh Quảng Ninh, CICT đã xây dựng kịch bản, kế hoạch, ứng dụng công nghệ để tăng cường quảng bá thương hiệu, chuẩn hóa quy trình khai thác, tối đa hóa năng suất, tăng chất lượng dịch vụ với định vị là “cảng biển an toàn” trong bản đồ hàng hải quốc tế.
Theo đó, Cảng thực hiện nghiêm quy trình đón tiếp tàu biển trong mùa dịch. Các tàu làm thủ tục cập hoặc rời cảng đều được khai báo qua mạng. Giải pháp này không chỉ tránh phải tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên trên tàu biển trong mùa dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, mà còn cho phép chủ tàu, doanh nghiệp giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục khai báo. Có thể kiểm tra ngay lượng hàng hóa bốc xếp còn bao nhiêu, giúp sớm giải phóng hàng hóa, thời gian lưu tàu rút ngắn.
Để tăng tính tiện ích, CICT đã tập trung phát triển các loại hình dịch vụ logistics như: Vận tải đường bộ, vận tải đường thủy từ Hải Phòng sang Cái Lân và ngược lại; thực hiện giảm tải cho các tàu trọng tải lớn; nâng cao năng lực bốc xếp, cung ứng kịp thời các dịch vụ logistics. Đặc biệt tháng 9/2022, CICT chính thức đưa vào sử dụng Portal cho các khách hàng dăm gỗ. Việc sử dụng Portal, thay vì các phương thức in phiếu truyền thống, khách hàng có thể chủ động quản lý các xe ra vào cảng xuất hàng một cách hiệu quả, giải quyết các vướng mắc trong việc trao đổi, truy vấn thông tin cũng như giảm thiểu tình trạng gian lận hàng hóa. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc thực hiện công nghệ này.
Để tăng cường giám sát an ninh cũng như tránh các gian lận và thất thoát hàng hóa trong quá trình khai thác, từ tháng 3/2022, CICT đã tổ chức khóa đào tạo nâng cao công tác an ninh. Theo đó, CICT sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động khai thác và đảm bảo sự an toàn của hàng hóa. Những điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, tăng hiệu quả khai thác tàu, phù hợp với xu thế phát triển giao thông biển quốc tế, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần thu hút các mối hàng, phát huy lợi thế cảng biển của Quảng Ninh.
Bằng những giải pháp đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh, năm 2022 tổng sản lượng hàng rời của CICT đạt khoảng 3,3 triệu tấn, sản lượng hàng container đạt gần 11.000 Teu. Đặc biệt, sau nhiều năm vắng bóng mặt hàng container, năm 2022 các hãng tàu vận tải container quốc tế lâu đời và lớn nhất trên thế giới là MAERSK, COSCO và SITC cũng đã quay trở lại cảng để làm hàng. Trong đó, hãng tàu MAERSK đã đưa CICT vào lịch trình của tuyến cố định NV2 với tần suất 1 chuyến/tuần. Hiện CICT đang tiếp tục làm việc Công ty Thành Công Việt Hưng (TC Việt Hưng) và hàng xe Skoda (Cộng hòa Séc) để nhập khẩu xe dạng CKD (xe lắp ráp trong nước). Dự kiến sẽ có hơn 1.500 Teu/tháng nhập khẩu qua CICT vào cuối năm 2023.
Việc các hãng tàu vận tải container quốc tế lớn chọn Quảng Ninh trong hành trình điểm đến là cơ hội mới để Quảng Ninh - địa phương đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa khu vực phía Bắc phát huy được thế mạnh lớn về khai thác cảng biển, kinh tế biển. Trong đó, CICT đóng vai trò là đòn bẩy, tạo đột phá để cảng biển phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()