Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:22 (GMT +7)
Cảnh báo chủng COVID-19 mới xuất hiện ở châu Á khi Trung Quốc mở cửa lại
Thứ 6, 16/12/2022 | 17:02:12 [GMT +7] A A
Làn sóng bùng phát gần đây trên khắp Trung Quốc cùng với việc đột ngột nới lỏng chống dịch đã khiến nhiều người lo ngại các chủng virus mới có thể xuất hiện.
Động thái thay đổi chính sách kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã khiến một số chính phủ ở châu Á phải đề cao cảnh giác.
Đặc biệt, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung tuần này cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể tạo điều kiện để virus SARS-CoV-2 phát triển đột biến thành các chủng mới, buộc Singapore phải cẩn trọng theo dõi.
“Họ đang thực hiện các bước đi rất quyết đoán để mở cửa nền kinh tế và xã hội. Điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng lây nhiễm. Trong bối cảnh 1,3 tỷ người hầu như chưa nhiễm bệnh, khi virus bắt đầu lây lan, chúng ta chắc chắn sẽ gặp đột biến”, Bộ trưởng Y tế Singapore nói.
Mối quan tâm của ông Ong không hề thiếu cơ sở. Các chuyên gia y tế cho rằng có khả năng xảy ra đột biến khi số ca bệnh gia tăng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan rằng biến thể mới, mặc dù dễ lây truyền hơn, nhưng sẽ ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.
Họ cảnh báo các chính phủ châu Á cần đề phòng các loại virus đường hô hấp mới có thể xuất hiện trong mùa đông, đặc biệt là nếu xuất hiện một biến thể mới có thể trốn tránh khả năng miễn dịch xuất hiện.
Theo ông Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng châu Á Thái Bình Dương, các đột biến tiềm ẩn khởi phát từ Trung Quốc có khả năng dẫn đến một loại virus nhẹ hơn nhưng dễ lây lan hơn.
Ông khẳng định hiện tượng này đã xảy ra với mọi loại virus trong lịch sử. Ví dụ, bệnh cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người sau khi lần bùng phát đầu tiên vào năm 1918. Cuối cùng, nó đã phát triển thành một chủng cúm mùa phổ biến. Ông Tambyah nói: “Chưa có loại virus nào ở người từng tiến hóa thành loại độc lực mạnh hơn, nên mối nguy hiểm khó có thể xảy ra với COVID-19”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo các chính phủ trong khu vực có thể xem xét các chỉ số nhất định trước khi tình hình bất ổn do COVID-19 của Trung Quốc tràn qua biên giới.
Ông Alex Cook, Phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng các hệ thống y tế có thể bị quá tải một lần nữa, nếu biến thể mới không chỉ dễ lây lan hơn mà còn có khả năng kháng hệ miễn dịch.
Tương tự, Giáo sư Dale Fisher tại Trường Y NUS Yong Loo Lin cho biết hệ thống y tế có thể đối mặt nguy cơ nếu như có quá nhiều ca mắc bệnh thể nặng. Mặc dù hiện tại, điều đó không xảy ra.
Ở hầu hết các quốc gia, phần lớn các ca mắc đều nhẹ và không cần chăm sóc y tế đặc biệt là nhờ khả năng miễn dịch có được sau khi tiêm vaccine hoặc mắc bệnh trước đó.
“Trong trường hợp một biến thể mới xuất hiện mà không bị ức chế bởi hệ miễn dịch, theo nhiều cách, chúng ta có thể rơi vào tình huống như năm 2020 khi cần phải áp dụng lại các hạn chế để giảm lây truyền và làm cho tình hình trở nên dễ kiểm soát hơn”, ông nói.
Ngoài ra, theo ông Paul Tambyah, việc giám sát các loại virus đường hô hấp khác cũng rất quan trọng. Ông cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một chủng cúm mới trong mùa đông này do các nước đã từ bỏ giãn cách xã hội và những biện pháp phòng dịch khác.
Vậy trong bối cảnh tình hình ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc, liệu các nước láng giềng châu Á có cân nhắc thắt chặt và khôi phục một số biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hay không? Câu trả lời là không, theo nhận định của các chuyên gia.
Ông Alex Cook tin rằng: “Thật khó để tưởng tượng các quốc gia đã nới lỏng hầu hết các biện pháp kiểm soát và đã có phần lớn dân số bị nhiễm bệnh lại thấy cần thiết phải thắt chặt các quy tắc một lần nữa”. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đều có một mức độ miễn dịch lai giữa tiêm vaccine và nhiễm virus nhất định, giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Mặt khác, phần lớn là do các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt cho đến gần đây, Trung Quốc thiếu khả năng miễn dịch lai và chính quyền địa phương có thể buộc phải áp dụng các biện pháp phản ứng phanh để bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe khỏi bị quá tải.
Ngược lại, ông Tambyah gợi ý rằng các chính phủ có thể nới lỏng nhiều hạn chế hơn nếu đột biến xuất phát từ Trung Quốc ở mức độ nhẹ và lan rộng. Ông chỉ ra rằng đây là trường hợp xảy ra trong đại dịch cúm lợn do virus cúm H1N1 gây ra vào năm 2009. Ông nói: “Nếu chủng đột biến nhẹ hơn từ Trung Quốc lan nhanh như vậy, các quốc gia sẽ được khuyến khích dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế. Thậm chí WHO có thể tuyên bố chấm dứt đại dịch”.
Trong khi đó, theo ông Cook, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, các nước không nên quá lo lắng về việc nối lại liên lạc và đi lại với Trung Quốc.
Trên thực tế, các nền kinh tế trong khu vực - hầu hết đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng - sẽ ủng hộ Bắc Kinh mở cửa trở lại.
Bà Selena Ling, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng OCBC, lưu ý rằng Trung Quốc là nguồn đầu tư, du lịch và dòng vốn đầu tư chính cho nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Mặc dù thương mại giữa Trung Quốc và khu vực vẫn duy trì ổn định trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sẽ giúp thúc đẩy tâm lý thị trường và niềm tin cho khu vực này.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()