Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 16:24 (GMT +7)
Cảnh báo lừa đảo qua ứng dụng Telegram
Thứ 2, 26/08/2024 | 18:49:39 [GMT +7] A A
Telegram đang là ứng dụng nhắn tin, gọi điện video, chia sẻ file đa nền tảng được người dùng Việt Nam ưa chuộng. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa có thông báo rộng rãi cảnh báo người dân cẩn trọng trước phương thức lừa đảo trực tuyến mới thông qua ứng dụng này.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận đơn tố giác của chị Đ.T.P (sinh năm 1984, trú tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái) tố giác việc chị bị đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản bằng phương thức chiếm quyền điều khiển tài khoản Telegram.
Cụ thể: Khoảng giữa tháng 8/2024, chị P nhận được tin nhắn từ 1 tài khoản Telegram với nội dung: “Hệ thống sẽ phát hiện xem tài khoản của bạn có đăng nhập từ xa hay không. Vui lòng nhấp vào trang web chính chức để liên kết lại điện thoại di động của bạn”, kèm theo một đường link lạ. Do thiếu cảnh giác nên chị P đã truy cập vào đường link theo hướng dẫn và bị đối tượng chiếm đoạt tài khoản Telegram, sau đó bị theo dõi các cuộc nói chuyện. Khi có các khoản thanh toán trong kinh doanh với khách hàng, chị P bị đối tượng thay số tài khoản của chị P bằng số tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn từ các giao dịch rồi nhanh chóng chuyển thành tiền điện tử để tẩu tán.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, đây là phương thức lừa đảo trực tuyến mới, chưa từng ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh. Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cảnh giác trước phương thức thủ đoạn mới này. Người dân tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP và các thông tin khác theo yêu cầu của các đối tượng, để tránh việc các đối tượng xấu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện mình bị lừa đảo bằng phương thức thủ đoạn tương tự, người dân cần bình tĩnh và liên hệ với Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo đánh giá của cơ quan Công an, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội, lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng, điển hình có những vụ số tiền lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng. Những phương thức lừa đảo được các đối tượng thực hiện, như: Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook…
Điều đáng lo ngại là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: Không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao. Do vậy, việc đấu tranh với loại tội phạm này rất khó khăn. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 Quảng Ninh) đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến từng cơ quan, doanh nghiệp, trường học, người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức trực quan, dễ tiếp cận. Đồng thời hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người dân chủ động xác minh, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất cứ hình thức nào.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các đường dây, ổ nhóm lừa đảo hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả hoạt động và nhân rộng quy mô hoạt động của các nhóm zalo phòng, chống tội phạm phục vụ công tác tuyên truyền. Chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn tích cực tham mưu với cấp uỷ, chính quyền cơ sở tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, các vụ án điển hình... để người dân nắm bắt.
Đối với người dân, cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân; tỉnh táo, cẩn trọng trước những hành vi nghi ngờ là lừa đảo. Khi phát hiện bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, xử lý.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()