Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 03:56 (GMT +7)
Cảnh báo tội phạm lừa đảo mạo danh công an
Thứ 4, 15/05/2024 | 18:08:15 [GMT +7] A A
Giả danh cơ quan công an gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án đang được điều tra, hỗ trợ cập nhật ứng dụng VneID rồi đánh cắp thông tin cá nhân …Đây là những thủ đoạn lừa đảo đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, khuyến cáo, thế nhưng không ít người vẫn trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh tiếp nhận trình báo của chị D.T.L ở TX Quảng Yên về việc bị lừa đảo chiếm đoạt gần 900 triệu đồng. Người này cho biết, chị nhận được cuộc gọi của 1 người xưng là công an tỉnh Ninh Bình, thông báo hồ sơ mang căn cước công dân của chị lừa đảo 1 số người ở Hà Nội. Cơ quan điều tra đã có quyết định bắt giam chị. Để thuyết phục chị L tin tưởng, người gọi điện kia nói rằng công an thật thì mới biết số căn cước, cũng như địa chỉ nhà chính xác của chị. Sau 1 hồi trao đổi, chị L đã tin người gọi điện kia là công an thật. Tiếp sau đó, chị L đã liên tục nhận được cuộc gọi của nhiều người tự xưng là cán bộ công an Hà Nội. Họ yêu cầu chị lập 1 tài khoản ngân hàng mới từ ứng dụng trực tuyến, sau đó chuyển toàn bộ số tiền gia đình có vào đó để phục vụ điều tra. Đặc biệt, chúng yêu cầu chị L không được chia sẻ với bất kỳ ai, nếu không sẽ bắt cả chị và những người được chia sẻ. Lo lắng, sợ hãi và làm theo yêu cầu của các đối tượng kia, chị L đã bị lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền gia đình tiết kiệm nhiều năm.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh, điều tra viên Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Theo quy định hiện hành, việc kiểm soát tài sản phục vụ công tác điều tra phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết thì cơ quan chức năng sẽ phong tỏa tài sản; không có chuyện cơ quan điều tra gọi điện, yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản nào đó. Vấn đề ở đây là nhiều nạn nhân quá sợ hãi, không dám chia sẻ với bất kỳ ai theo đúng yêu cầu của tội phạm lừa đảo nên vụ việc chỉ được phát hiện khi tài sản đã bị chiếm đoạt.
Cùng với việc gọi điện giả danh công an, nhiều đối tượng còn sử dụng bề ngoài đạo mạo, tự tạo cho mình những hình ảnh, tin nhắn trong điện thoại mạo xưng là cán bộ công an; có mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao để lừa đảo.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 103 vụ việc, vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền các nạn nhân trình báo trên 200 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ việc, vụ án tội phạm lừa đảo mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án liên lạc đe dọa nạn nhân có thân nhân, hoặc chính bản thân nạn nhân liên quan đến vụ án đang được điều tra; hoặc hứa hẹn hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã bị lừa đảo; số khác mạo danh công an phường, xã gửi đường link giả mạo ứng dụng VneID chứa mã độc đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công an, ngoài việc thông tin cá nhân có thể bị lộ lọt khi tham gia các mua bán livestream, hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm cung cấp dịch vụ tra cứu thông tin cá nhân từ số điện thoại, tài khoản mạng xã hội. Tội phạm lừa đảo rất dễ có được các thông tin cơ bản của nạn nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại…từ đó tiến hành lừa đảo.
Theo Trung tá Nguyễn Việt Dũng, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh, hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội còn xuất hiện nhiều trang, nhóm giả danh cơ quan công an, chạy quảng cáo với chiêu trò hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo lấy lại tài sản. Người dân cần chú ý cập nhật các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo. Nếu không may bị lừa đảo, phải đến cơ quan công an trình báo, tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa.
Hồng Việt
Liên kết website
Ý kiến ()