Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:31 (GMT +7)
"Cánh chim Oanh của Mùa xuân Cách mạng"
Thứ 2, 02/09/2024 | 14:33:41 [GMT +7] A A
Công chúng yêu nhạc vốn quen thuộc với ca khúc “Mười chín Tháng Tám” nổi tiếng, tác giả là một người quê ở Quảng Yên: Nhạc sĩ Xuân Oanh. Ông được ví như cánh chim oanh báo hiệu Mùa xuân Cách mạng bằng âm nhạc.
Nhạc sĩ Xuân Oanh tên khai sinh là Đỗ Xuân Oanh, SN 1923 tại TX Quảng Yên. Thực chất ông SN 1925, khai sớm 2 tuổi để được đi làm và đủ tuổi để theo cách mạng. Ông nội của Xuân Oanh là một sĩ phu yêu nước tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị thực dân Pháp đàn áp. Gia đình ông thuộc lớp thị dân nghèo, cha đi phu mỏ cát ở Móng Cái rồi về TX Quảng Yên làm thợ may. Người cha sinh bất phùng thời, bất đắc chí gieo vào tâm trí non nớt của cậu bé Xuân Oanh cái khí phách của người quân tử, dám đứng lên giành chính nghĩa ngay giữa quê hương bị đọa đày.
Mẹ mất khi Xuân Oanh 6 tuổi, ông phải ở nhờ gia đình người cậu lênh đênh trên sông nước nhiều năm. Vì thế dù học giỏi, nhất là tiếng Pháp, nhưng mới hết lớp 4, Xuân Oanh đã rơi vào cảnh thất học. Cậu bé phải mò cua bắt ốc bên bờ sông Chanh để bán kiếm tiền nuôi thân; thường phải ngồi ngoài cửa sổ để học ké, học thay, hay làm bài hộ cho mấy người bạn con nhà khá giả. Bù lại ông thích thú được học âm nhạc, học tiếng Trung và nhiều thứ thú vị khác khi đi học chầu rìa ngoài cửa sổ.
Năm 14 tuổi, học xong tiểu học, ông bắt đầu tự kiếm sống, phiêu dạt từ làm công nhân nhà máy kẽm Quảng Yên, hầm mỏ than ở Hòn Gai, rồi sang cảng Hải Phòng. Tại đây, ông nhanh chóng gia nhập giới nghệ sĩ trẻ của thành phố, đêm đêm đàn hát ở các quán rượu. Ông quen biết với các nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, Văn Cao và tiếp xúc với nhiều chiến sĩ cách mạng trẻ ở Hải Phòng bắt đầu ủng hộ Việt Minh.
Năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội tìm việc làm, tham gia hoạt động bí mật trong phong trào Việt Minh. Năm 1944 ông chính thức gia nhập Mặt trận Việt Minh, được phân công làm công tác tuyên truyền tại khu vực Nam Hà Nội. Trong những ngày này, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã rộn ràng, ông nung nấu sáng tác một bài hát về sự kiện vô cùng to lớn này. Trong suốt ngày 18/8, ông đắm mình trong các hoạt động chuẩn bị cho cuộc biểu tình tuần hành vào sáng hôm sau. Nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác ca khúc “Mười chín Tháng Tám” một cách xuất thần trên đường phố Hà Nội cùng đoàn quân cách mạng giành chính quyền.
Ông đi đầu đoàn tuần hành bắt đầu từ ga Giáp Bát. Ông thấy đồng điệu với những bước chân rầm rập của khối quần chúng sục sôi. Ông đã đi với cả bước chân của người cha và ông nội sinh bất phùng thời, ly tán, lưu lạc; đi với tuổi thơ cơ cực ở nhà máy kẽm, ở hầm sâu lem luốc than đen. Ông đồng hành cùng những người thợ lam lũ, những người đang căm hờn không cam chịu thân phận mất nước.
Cũng từ đây, giai điệu và những ca từ đầu tiên đã vang lên trong đầu ông. Lập tức ông hát vang những câu hát đó. Được câu nào ông lại phổ biến ngay cho đoàn biểu tình. Mọi người hát theo và thuộc luôn. Tới Chợ Mơ thì bài hát đã đến được câu cuối. Ông bắt nhịp cho mọi người hát lại từ câu đầu, vừa tuần hành vừa hát rất là khí thế. Bài hát được mọi người truyền tai nhau đồng thanh hát và phổ biến rất nhanh sau đó với một khí thế cách mạng hừng hực. Khi tới Nhà hát Lớn thì mọi người đều thuộc lòng ca khúc này.
Có thể nói, ông đến với cách mạng bằng tất cả sự cuồng nhiệt, say mê, trong trẻo của một thanh niên yêu nước chân thành, một nghệ sĩ, dịch giả, nhà khoa học bẩm sinh. Bằng cảm hứng xuất thần của mình ngay trong ngày lịch sử khởi nghĩa ở Hà Nội, ông đã viết ca khúc độc đáo với tựa đề là những con số ngày tháng như một tiếng nổ hân hoan của toàn dân tộc đón chào cuộc đời tự do.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, nhận xét: "Nhạc sĩ Xuân Oanh là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên gây dựng nền âm nhạc cách mạng Việt Nam cùng với thế hệ các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận... Ông là một trong những nhạc sĩ có bài hát sớm nhất và nổi tiếng nhất. Nói đến nhạc sĩ Xuân Oanh là mọi người nghĩ ngay đến ca khúc “Mười chín Tháng Tám”, một bài hát có thể thay cho tiếng lòng của toàn dân tộc, là sự hào hứng của toàn dân tộc. Khí thế của Cách mạng Tháng Tám lúc đó gần như được kết tinh trong ca khúc “Mười chín Tháng Tám”.
Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng ông không khi nào tự coi mình là một nhạc sĩ. Sinh thời, nhạc sĩ Xuân Oanh rất khiêm tốn khi nhắc đến ca khúc này: "Mình chỉ là người may mắn được lịch sử chọn để ghi lại bằng âm nhạc khí thế cách mạng long trời lở đất của dân tộc ta trong ngày đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến đã bao đời đè nặng để lập nên nhà nước và chính quyền nhân dân đầu tiên ở châu Á".
Từ năm 1946 ông tiếp tục công tác ở Tổng bộ Việt Minh, làm công tác thông tin, dân quân. Từ năm 1948 ông về Báo Cứu Quốc làm biên tập viên, phát thanh viên tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, biệt phái sang Quân đội làm công tác địch vận, thư ký cho đồng chí Xuân Thủy, tham gia Ủy ban Liên hiệp đình chiến quốc tế, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương...
Bài hát đầu tiên của ông đã đặc biệt gây ấn tượng trong phong trào cách mạng và khắp cả nước, hầu như đâu đâu cũng vang lên những câu hát: "Mười chín tháng tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng...".
Dù chỉ tự học, nhưng ông đã thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, có thể phiên dịch tiếng Trung, tiếng Nga, có thể giao tiếp bằng tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, từng đọc diễn văn bằng tiếng Nhật vào năm 1976. Từ 1968-1972, Hội nghị Paris về Việt Nam, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với tư cách đại diện cho Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam và Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ - Pháp; ông còn tích cực vận động phong trào chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; ông là người phiên dịch chính cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhạc sĩ Xuân Oanh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đánh giá: "Những năm tháng ấu thơ lênh đênh cùng nhà thuyền trên sông nước Bạch Đằng của biển cả miền Đông Bắc, ông đã hấp thụ tinh hoa và khí phách từ dinh dưỡng của sóng gió sông Bạch Đằng chăng. Và ông như con chim Oanh mùa Xuân cất vang giọng hót của mình trên đường bay sải cánh giữa muôn trùng thử thách của một thời đại đầy biến động ở thế kỷ XX".
Nhạc sĩ Xuân Oanh qua đời năm 2010, hưởng thọ 87 tuổi. Ông có 67 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, 65 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhà nghiên cứu âm nhạc Thụy Kha đánh giá: Xuân Oanh cùng những nhạc sĩ cách mạng thế hệ đầu như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đã sống, đã sáng tạo, đã tận hiến và để lại một gia sản dựng lên những cột mốc sừng sững trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Và bước vào bất tử".
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()