Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:27 (GMT +7)
Cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với thủ đoạn, âm mưu “tâm lý chiến” qua mạng xã hội hiện nay
Thứ 5, 21/03/2024 | 16:30:25 [GMT +7] A A
Chúng ta đang sống trong bối cảnh bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); thời đại của báo, tạp chí giấy đang mất đi sự quan tâm của người đọc, người nghe nhất là những giới trẻ, thay vào đó xu hướng cập nhật thông tin từ những trang báo điện tử, báo mạng, blog cá nhân trên các mạng xã hội lớn, phổ biến như: Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo, Youtube...
Theo báo cáo Người tiêu dùng số, The Connected Consumer, là nghiên cứu hàng quý được thực hiện bởi Decision Lab và Mobile Marketing Association Vietnam (MMA) công bố, quý 1/2023, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng là 86%, theo sau là Facebook với 71%, Messenger là 57% và Instagram là 14%. Báo cáo của các tổ chức như GWI và data.ai, số lượng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2023 tương đương với 71% tổng dân số; theo dữ liệu được công bố trong tài nguyên quảng cáo của Meta cho thấy Facebook có 66,2 triệu người dùng, Instagram có 10,35 triệu người dùng tại Việt Nam vào đầu năm 2023; của Google cho thấy Việt Nam có 63 triệu người dùng Youtube vào đầu năm 2023; Số liệu được công bố trong các tài nguyên quảng cáo của ByteDance cho thấy TikTok có 49,86 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam; dữ liệu từ GSMA Intelligence cho thấy có 161,6 triệu kết nối di động tại Việt Nam vào đầu năm 2023.
Qua số liệu thống kê trên, có thể thấy người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trong dân số. Đồng thời, cũng minh chứng cho cơ hội tiếp cận thông tin, tự do nói lên quan điểm cá nhân ở nước ta đơn giản, dễ dàng, thành thói quen như việc con người ăn cơm, uống nước hàng ngày. Do vậy, nguồn cung thông tin trở nên đa dạng, đa chiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội là giúp con người có điều kiện tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng; trong thực tế, một số bộ phận, tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để tung ra những tin đồn thất thiệt, mang tính chất tiêu cực; qua đó, kích động người dân và một số bộ phận đảng viên nói riêng quay lưng với Đảng, Nhà nước, tiếp tay cho các hoạt động tuyên truyền, phát tán nội dung xấu, sai sự thật. Vấn đề đáng quan tâm trong quản lý hiện nay là, tiếng lành thì ít (thậm chí không) được lan toả trong khi tin xấu, tin tiêu cực, giật gân như (cán bộ, đảng viên các cấp bị bắt vì tham nhũng tiêu cực, công an bị quay clip do hành vi chưa chuẩn mực, nhân vật xyz nào đó có chút danh tiếng ở giới showbiz dính scandal hay những bất cập trong công tác quản lý xã hội, quản lý nhà nước…) thì ngay lập tức gợi lên cảm giác tò mò, thu hút sự chú ý, muốn tìm hiểu, đưa ra ý kiến, quan điểm cá nhân thiếu, thậm chí là không chính xác; dẫn đến mất định hướng và nghiêm trọng hơn sai, vi phạm pháp luật.
Ở nước ta hiện nay, Facebook, Tiktok và Youtube là ba nền tảng mạng xã hội được các thế lực thù địch, phản động chống phá đất nước, bọn khủng bố chọn là “mảnh đất màu mỡ” dùng để loan truyền, rao giảng cũng như đăng tải các tin, bài, về các vấn đề chính trị, xã hội, chủ quyền biển, đảo được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm trên các trang như: Nhật ký yêu nước, 8 Sài gòn, Việt Tân, Việt Tân tại Nhật, Bốn vùng chiến thuật…, thường xuyên đăng tải những vụ, việc liên quan tới việc cán bộ vi phạm pháp luật về tham nhũng, cảnh sát giao thông bị tố vi phạm chuẩn mực khi thi hành công vụ; sai phạm của cán bộ, công chức trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao; các vấn đề an sinh xã hội như giáo dục, y tế; chủ quyền biển, đảo…. Từ các nội dung đăng tải trên trang, các thành phần bất mãn, chống phá chế độ ở trong nước và nước ngoài tràn vào để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Dưới những cái tên mỹ miều như: Những câu chuyện nhân văn, Nhật ký yêu nước, “Sài Gòn Xưa”, “Miền Nam Yêu Dấu”, “Tết Xưa”, Tin tức Việt Đức, Việt Nam hoài niệm & Hôm nay & Mai sau; các Blog Nhân Chinh, Hoài Nguyễn, v.v… Khi vào các trang này chúng ta sẽ thấy, chúng tập trung mật độ dày các bài viết, hình ảnh về những hạn chế, khuyết điểm của xã hội để kích động lòng người thông qua hệ thống người theo dõi ở trong nước và hải ngoại. Khi thì chúng lại sử dụng hình ảnh của chế độ cũ (ảnh các toà nhà, trụ sở, con đường, cây cầu của thực dân Pháp và người Mỹ xây dựng), thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, miền Nam Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ Mỹ - Nguỵ để ca ngợi, chúng cho rằng đấy là những thành tựu của người Pháp - Mỹ khi đến Việt Nam chứ Cộng sản không xây dựng, không làm được cái gì. Từ đó, đả kích, chê bai chế độ.
Trong văn học, nghệ thuật, chúng sử dụng nhiều những bản nhạc (bolero), nhạc tiền chiến, sách, báo, tác phẩm văn học của các tác giả sinh sống ở miền Nam sáng tác trước 1975 và sáng tác tại hải ngoại để ca ngợi chế độ cũ dân chủ, tự do; văn học, nghệ thuật miền Nam giàu tính nhân văn, giàu tính dân tộc, yêu nước khác với văn học, nghệ thuật của miền Bắc khô khan, chủ yếu ca ngợi Đảng, lãnh tụ. Chúng lợi dụng chủ trương hoà hợp dân tộc của Đảng để tung, lan truyền các tác phẩm ca tụng lính VNCH nhân nghĩa, can trường, ca ngợi Sài Gòn cũ “hoa lệ, giàu có” văn minh, là “Hòn ngọc Viễn Đông” đẹp lắm…! Tinh vi, thâm độc hơn chúng lấy các tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ sống ở miền Bắc viết về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là sản phẩm tuyên truyền chính trị; chỉ có các tác phẩm khi viết theo khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, viết về tình yêu nam nữ tự do, lãng mạn, phóng khoáng do một số văn, nghệ sĩ thuộc trào lưu Nhân văn giai phẩm mới đích thực là văn học, nghệ thuật.
Đặc biệt, chúng lợi dụng lấy một số sai lầm của Đảng ta trong cải cách ruộng đất dẫn đến nhiều xáo trộn, oan sai để quy chụp, lên án chế độ; sau đó lợi dụng sự thiếu thông tin của người nghe, người đọc, dẫn dắt, kích động sự kỳ thị, thù hận; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ giữa đồng bào các dân tộc, giữa các vùng miền trong cả nước. Mỗi ngày chúng gieo rắc một chút, đây là một phương thức tác động tâm lý theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhằm từng bước đầu độc về nhận thức, lối sống cho một bộ phận không nhỏ người dân, mục đích hòng làm cho người dân dao động, không tin tưởng, có ý nghĩ sai lệch về những gì Đảng, Nhà nước ta và nhân dân ta đang thực hiện. Khi “mưa dầm đã thấm đất” thì bọn chúng sẽ kêu gọi, xách động, tổ chức những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ tiến tới hành động, làm những việc “động trời” ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế.
Từ thực tế trên, nhắc chúng ta không được và không bao giờ xem thường những nguy cơ gây hại trên không gian mạng. Phải luôn có ý thức cảnh giác cao, có phương pháp đấu tranh và biện pháp ngăn chặn kịp thời các phần tử có tiềm ẩn gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội. Trước thực tế như vậy, một câu hỏi được đặt ra: Người đảng viên cần làm gì để có thể phòng ngừa, ngăn chặn được thực trạng này?
Thứ nhất, hãy là người tiếp nhận thông tin thông thái. Xã hội hiện tại có câu nói vui “ngày trước đọc báo để có tri thức; ngày nay, cần có tri thức để đọc báo”. Con người, vốn dĩ có thể nghe được từ nhiều phía, nhiều chiều, quá trình tiếp nhận thông tin cũng vậy. Khi đón nhật một thông tin mới, mỗi người nên tiếp nhận theo hướng khách quan, xác định rõ nguồn của thông tin xem đó là “chính thống” hay “phi chính thống”; kết hợp việc tổng hợp với phân tích thông tin dựa trên các nguồn dữ liệu bản thân có sẵn với nguồn cung cấp thông tin để đưa ra kết luận cuối cùng cho nhận thức của bản thân. Việc đưa ra kết luận cần chúng ta phải kết hợp từ sự lắng nghe với sự phân tích của tư duy não bộ; luôn giữ vững lập trường, quan điểm, không để bị lung lay, kích động bởi các phần tử xấu trong xã hội. Muốn thực hiện được điều này, người đảng viên cần phải chủ động tìm, trang bị cho bản thân một nhiều nguồn cung cấp thông tin có thể tin tưởng được như những tờ báo, trang tin điện tử có xuất bản, báo mạng.., đã được kiểm duyệt của cơ quan nhà nước để có được một thông tin chính xác.
Thứ hai, là đảng viên không được và không nên im lặng; không đẩy trách nhiệm bản thân cho cơ quan chuyên môn, cho nhà nước, cho xã hội: Khi trở thành đảng viên, chúng ta đã mang trong mình trách nhiệm lan tỏa và kết nối cộng đồng. Mỗi đảng viên phải quán triệt, nắm rõ, thực hiện đúng Quy định số 85-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân. Trong thời đại công nghệ số, chỉ bằng một lần chạm tay bấm phím, bấm chuột đơn giản, ai ai cũng có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm cá nhân của mình về một vấn đề nào đó mà bản thân đang quan tâm, theo dõi. Những tổ chức, cá nhân có ý đồ xấu đã lợi dụng việc tự do ngôn luận để phát tán những nội dung xấu. Việc này rất dễ nhận ra khi trên Facebook, Tiktok, Youtube…, xuất hiện đầy những bài viết chia sẻ về những đầu báo, trang web mang mục đích chống đối, kèm theo những dòng trạng thái thể hiện suy nghĩ của người chia sẻ mà chủ yếu là bày tỏ bất mãn với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, tại sao những người đảng viên chúng ta không đưa ra nhận thức, quan điểm, chính kiến của mình để áp dụng tương tự những thao tác đó, để nói lên suy nghĩ, lập trường của bản thân, phản bác quan điểm sai trái để tiếp tục khẳng định sự đúng đắn quan điểm của Đảng và Nhà nước; lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước đến cộng đồng? Tuy nhiên, trước khi thể hiện quan điểm, cần luôn tâm niệm “đăng bài là học thức, bình luận là nhận thức”. Vì vậy mỗi chúng ta cần suy nghĩ cẩn trọng trước khi đăng và trước khi bình luận. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và từng người dân đều chia sẻ những thông tin tích cực, những thông tin chính xác và lạc quan, có thể đảm bảo rằng những thông tin này sẽ “pha loãng” rồi lấn át được những tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, góp phần định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước.
Thứ ba, hãy báo cáo vi phạm đối với những tin, bài, hình ảnh, bình luận sai trái, tiêu cực…Các trang mạng xã hội luôn đưa ra hướng dẫn về những nội dung được phép và không được phép xuất hiện trên trang để mọi người có được trải nghiệm thân thiện, an toàn và thú vị trên nền tảng. Khi phát hiện thấy những trang mạng đưa tin, bài, hình ảnh, bình luận, quan điểm sai trái gây hại đối với đất nước, với xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến chế độ xã hội, phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, xâm hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… Nếu chúng ta nhận ra tác hại của các trang, bài, hình ảnh, bình luận trong khi năng lực bản thân không có đủ tri thức, khả năng đấu tranh, phản biện để chứng minh vấn đề đó là sai, mang tính chất xuyên tạc, bôi nhọ…, nhanh gọn và tối ưu nhất, chúng ta nên chọn chế độ báo cáo vi phạm để quản trị các trang gỡ bỏ, xoá những thông tin sai lệch; thực tế hành động này khá hiệu quả.
Thứ tư, hoàn thiện bộ công cụ quản lý nhà nước và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Trên thế giới, các quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Nhật, Trung Quốc có các bộ luật, luật để quản lý chặt chẽ về việc truyền tải nội dung trên không gian mạng và trang mạng xã hội. Tại Trung Quốc, Quốc hội đã bỏ phiếu cho các luật về kiểm duyệt thông tin trên mạng Internet. Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện công tác kiểm duyệt, lọc thông tin thông qua các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Trên thực tế, có thể được kiểm chứng bằng hiện tượng một số trang web hoàn toàn hoặc ở nhiều thời điểm không thể truy cập được. Mặt khác, với sự hợp tác chủ động của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn trong khu vực châu Á (như Goole) nhằm chỉ cho phép tiếp cận những thông tin mà chính phủ Trung Quốc cho là tốt đẹp. Những tin tức có nguồn gốc nước ngoài, đặc biệt là những trang có diễn đàn, phát hiện bất kỳ trang nào vi phạm là có thể xử lý hình sự người quản trị. Có những biện pháp áp dụng như: Kiểm duyệt tự động các trang web, giám sát và tuyên truyền, tổ chức kiểm duyệt hàng tháng, hỗ trợ kỹ thuật của các công ty nước ngoài đối với việc kiểm soát, người dân phải khai tên thật khi dùng mạng và phát biểu trên mạng, nhà nước kiểm soát web ngoại quốc…
Trong thời đại ngày nay, nhờ vào sức mạnh của khoa học công nghệ, lợi ích mạng xã hội mang lại cho con người rất rõ ràng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội còn có những tiềm ẩn những nguy cơ, tác hại mà giới truyền thông luôn lên tiếng cảnh tỉnh chúng ta hàng ngày. Từng cán bộ, đảng viên cần phải có nhận thức đúng đắn; khai thác, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm cao theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có ý thức chủ động lan toả thông tin tích cực là phương pháp, cách thức hiệu quả nhất để đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; góp phần xây dựng, củng cố niềm của nhân dân với Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Hoàng Đại Dương (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)
Liên kết website
Ý kiến ()