Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Cảnh giác với “cò” đăng kiểm, tránh “tiền mất tật mang”
Thứ 4, 17/07/2024 | 15:45:45 [GMT +7] A A
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện vẫn còn tình trạng “cò” đăng kiểm hộ, trong đó, không ít trường hợp chủ xe bị “lừa” mất hàng triệu đồng.
"Cò" cam kết đạt đăng kiểm rồi lừa hàng triệu đồng
Mới đây, trên một diễn đàn về đăng kiểm, anh N.P.L cho biết, ô tô của anh đã "độ" đèn bi và lốp có thông số lớn hơn lốp nguyên bản.
Lo ngại xe sẽ trượt đăng kiểm nên anh L tìm một "cò" để hỗ trợ đăng kiểm. Người này nhận 6 triệu đồng của anh L và cam kết sẽ giúp ô tô đạt đăng kiểm.
Sau khi nhận tiền, người này liên tục lấy lý do để từ chối đưa xe đi đăng kiểm, đến khi xe gần hết hạn đăng kiểm, anh L buộc phải tự đi thay lốp nguyên bản và đưa xe đi kiểm định.
Đáng nói là, khi không "được việc", anh L yêu cầu "cò" trả lại tiền, "cò" hứa trả nhưng đến nay đã 2 tuần vẫn "bặt vô âm tín" dù có cam kết qua ghi âm và ngồi gặp nhau.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, đây không phải trường hợp duy nhất bởi đơn vị này chứng kiến nhiều trường hợp chủ xe "nhẹ dạ" nghe theo lời các gara, trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng ô tô để "độ" thêm các chi tiết với lời hứa khi đi đăng kiểm sẽ hỗ trợ để xe đạt kiểm định.
Đa số các gara này sẽ tư vấn với chủ xe cứ yên tâm "độ", thay thế phụ kiện của gara, đến thời điểm đi đăng kiểm, chỉ cần đưa xe đến gara này sẽ được lắp lại phụ kiện nguyên bản để đi đăng kiểm.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều gara không giữ được phụ kiện nguyên bản của xe, dẫn đến, có không ít trường hợp phải đi thuê, mượn mang đến nhờ lắp đặt rồi mới đưa xe đi đăng kiểm được.
"Việc này không chỉ tốn thời gian, mất thêm chi phí mà còn không đảm bảo an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông", lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết.
Theo vị lãnh đạo này, tại nhiều gara, trung tâm sửa chữa ô tô, các phụ kiện được lắp đặt cho xe thường có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho phương tiện.
Đặc biệt, nhiều trường hợp "độ" đèn, lắp đặt các chi tiết cần đấu nối đường dây điện, nếu không đảm bảo sẽ tiềm ẩn nguy cơ chập cháy nổ điện, rất nguy hiểm.
Hoặc theo quy định mới, nếu cụm đèn chiếu sáng phía trước thay thế là hàng trôi nổi, không có chứng nhận hợp quy để xuất trình cho đơn vị đăng kiểm cũng sẽ bị đánh trượt hạng mục kiểm tra về đèn, gây khó khăn cho chủ xe khi phương tiện đến kỳ kiểm định.
Bởi lúc này chủ xe lại phải đi thay lại cụm đèn nguyên bản để đăng kiểm vừa mất thời gian lại tốn kém.
Cảnh giác tránh xa "cò" đăng kiểm
Dù được khuyến cáo nhiều lần, song, không ít chủ xe vẫn có nhu cầu tìm đến "cò" đăng kiểm.
Khảo sát của PV tại nhiều nhóm mạng xã hội liên quan đến đăng kiểm, không ít những bài đăng được chủ xe đăng tải với nội dung cần hỗ trợ đăng kiểm, cần dịch vụ đăng kiểm hộ, đặc biệt với các phương tiện đã cải tạo, tự ý "độ" các chi tiết lên xe.
Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng VP luật sư Kết nối nhìn nhận: Có cung ắt có cầu nên các dịch vụ đăng kiểm thuê, đăng kiểm hộ đã phát sinh ở nhiều nơi trong thời gian qua, đặc biệt trên các trang mạng xã hội.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, không yêu cầu người đưa xe đi đăng kiểm phải là chủ sở hữu ghi trên giấy đăng ký xe ô tô. Như vậy, người đưa xe đi đăng kiểm có thể là bất cứ ai, không phải thông báo với đơn vị đăng kiểm và hoàn toàn không phạm luật. Tuy nhiên, việc tìm đến các dịch vụ đăng kiểm hộ này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý.
Theo luật sư Hùng, do đây là dịch vụ tự phát, không có sự quản lý của nhà nước, không có hợp đồng dịch vụ hay bất cứ văn bản thỏa thuận có giá trị pháp lý nào, nên khi xảy ra sự cố, việc giải quyết sẽ rất phức tạp, rủi ro đương nhiên về phía chủ xe.
Chưa kể, khi đưa cả xe và giấy tờ như vậy cho một người lạ nhận đăng kiểm hộ, chủ xe hoàn toàn có thể gặp tình huống nguy cơ mất tài sản hoặc tai nạn giao thông. Nếu đó là người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ, lúc này chủ xe sẽ phải liên đới bồi thường những thiệt hại xảy ra hoặc bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP nếu giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe.
Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội khuyến cáo, chủ xe cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo với những lời mời chào, hứa hẹn đăng kiểm "hộ", đặc biệt với các trường hợp xe đã qua độ, chế, không còn nguyên bản.
"Quy trình đăng kiểm hiện nay đã siết chặt hơn rất nhiều, tất cả các phương tiện tự ý cải tạo, "độ, chế" thêm phụ kiện đều bị đánh trượt, bất kể ai là người đưa xe đi đăng kiểm.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho phương tiện, thuận lợi khi đăng kiểm, chủ xe tốt nhất giữ phương tiện nguyên bản. Trường hợp, các bộ phận, chi tiết của xe bị hư hỏng, buộc phải thay thế, chủ xe cần lựa chọn các phụ kiện chính hãng của nhà sản xuất phù hợp với kiểu loại mẫu xe để lắp đặt. Tuyệt đối không nên sử dụng các phụ tùng, phụ kiện là hàng trôi nổi, không có xuất xứ", một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm khác chia sẻ thêm.
Nhìn nhận về tình trạng "cò" đăng kiểm, Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện không có quy định đăng kiểm thuê, đây là những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đăng kiểm.
Do đó, chủ xe cần tỉnh táo, không sử dụng dịch vụ trên, không nên thuê hoặc giao cho người không tin tưởng đi đăng kiểm để mọi tránh rủi ro, kể cả trường hợp có giao kết đăng kiểm thuê bằng hợp đồng dân sự.
Đồng thời khuyến cáo chủ xe không nên "độ, chế" phương tiện, chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các hư hỏng (nếu có) của phương tiện trước khi đi kiểm định, chắc chắn phương tiện sẽ đạt kiểm định mà không cần lo lắng và phải tìm "cò" dịch vụ đăng kiểm gây nhiều rủi ro không đáng có.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()