Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:49 (GMT +7)
Cảnh giác với cuộc chạy đua thành tích cuối năm!
Chủ nhật, 26/11/2006 | 07:29:05 [GMT +7] A A
Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2006 - năm đầu tiên sau Đại hội Đảng, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Các ngành, các cấp bước vào tổng kết, cân đo để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu cả năm. Hơn lúc nào hết, cần hết sức cảnh giác với cuộc chạy đua với bệnh thành tích.
Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thống kê và theo Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp của Quốc hội, tăng trưởng GDP của cả nước năm nay đạt khoảng 8,2%, tuy thấp hơn năm trước một chút, nhưng đã vượt mục tiêu đề ra và thuộc loại cao so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng theo báo cáo sơ bộ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng), tăng trưởng của những địa bàn này đều trên dưới 12%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Đáng lưu ý, GDP của hai địa bàn này đã chiếm trên một phần ba GDP của cả nước. Một số tỉnh có tỷ trọng nông, lâm nghiệp - thủy sản còn chiếm trên dưới một nửa GDP, năm nay do gặp thời tiết, sâu bệnh, sản lượng lương thực bị sút giảm, dịch bệnh gia súc, gia cầm làm cho chăn nuôi tăng thấp, nhưng cũng đang "phấn đấu" để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho cả năm, mà tăng trưởng theo mục tiêu của các địa phương này đều cao hơn mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước. Cứ theo tình hình này, thì tốc độ tăng trưởng GDP của các địa phương sẽ lặp lại tình hình là cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Có ba yếu tố dẫn đến tình hình trên.
Trước hết là do "cân nhầm". Các địa phương có văn phòng công ty (đầu) đóng tại địa phương mình, còn các chi nhánh (đuôi) nằm rải rác ở các địa phương khác thì đã tính cả toàn công ty, không loại trừ kết quả của các "đuôi", còn các địa phương có "đuôi" nằm ở địa bàn mình cũng tính. Thế là tính trùng.
Thứ hai, về giá cả, tốc độ tăng phải được tính trên cơ sở loại trừ tác động của yếu tố giá cả (để quan sát riêng về mặt lượng), nhưng việc loại trừ yếu tố giá cả ở các địa phương không hết.
Thứ ba là do "cân tươi" để đạt hoặc vượt cho được mục tiêu đề ra. Nói cách khác, mục tiêu đề ra cao tạo sức ép để "cân tươi".
Kết quả giống như ba người cấy một mẫu ruộng, khi cộng kết quả của 3 người lại lại thành mẫu hai, mẫu ba. Chung quy là chủ nghĩa thành tích.
Từ tình hình trên, có hai vấn đề đặt ra. Một mặt, tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở cần rà soát lại mục tiêu khi xây dựng kế hoạch hằng năm hay 5 năm. Tổng hợp các mục tiêu này của các địa phương không vượt quá xa mục tiêu chung của cả nước. Chính mục tiêu cao này là một trong những yếu tố tác động rất lớn, thậm chí tạo sức ép cho các cơ quan chuyên môn (trong đó có cơ quan thống kê các ngành, các cấp) "cân tươi" để cho đạt hoặc vượt mục tiêu. Mặt khác, Tổng cục Thống kê cần có quy định về nội dung, phương pháp tính và nguồn số liệu để áp dụng thống nhất trong cả nước từ Trung ương xuống địa phương, từ trong ngành ra ngoài ngành; không để cấp huyện tính GDP, vì việc tính GDP theo địa bàn là rất tốn kém, lại khó chính xác (chắc chắn cộng của các huyện lại lớn hơn của tỉnh). Quan trọng hơn, thống kê là người "đếm", mà xưa nay các cụ bảo "thật như đếm", nên phải đứng ngoài chủ nghĩa thành tích, không đón trước hay hùa theo các cá nhân có bệnh thành tích, thích thi đua theo kiểu "thi đua là phải dẫn đầu, đi đâu không biết đi đầu cứ đi". Muốn vậy, thống kê phải được bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; cán bộ thống kê phải trung thực khách quan, phải có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và phải có dũng khí bảo vệ số liệu được thu thập, tổng hợp một cách khách quan.
Liên kết website
Ý kiến ()