Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 21:11 (GMT +7)
Cảnh giác với nguy cơ dịch cúm gia cầm lây sang người
Thứ 3, 08/11/2022 | 13:31:16 [GMT +7] A A
Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm là chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 5657/UBND-NLN3, ngày 31/10/2022, trong bối cảnh từ đầu năm đến nay toàn quốc đã phải tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm. Đáng chú ý, ngày 7/10 vừa qua đã xuất hiện 1 người nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ.
Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin trường hợp người bị nhiễm cúm A/H5 tại Phú Thọ, nhất là từ ngày 23/10 lại xuất hiện ổ dịch tại thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, chúng tôi và các ngành chức năng đã lập tức khoanh vùng, xử lý ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ khu vực ổ dịch, chỉ đạo đơn vị thú y các địa phương khác nắm chắc tình hình hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ để có giải pháp xử lý khi xuất hiện dịch cúm.
Cùng với xử lý ổ dịch tại thôn 1, xã Tiền Phong, TX Quảng Yên, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các địa phương nhằm đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2022, phấn đấu 80-90% tổng đàn được tiêm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tiến độ tiêm trên tổng đàn vật nuôi khá chậm.
Bà Thủy nhấn mạnh thêm: Trường hợp người bị nhiễm cúm gia cầm ở Phú Thọ đã được xử lý nhanh, hiệu quả tốt, nhưng không thể chủ quan. Vì Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với nước bạn Trung Quốc, các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tuyến biên giới để nhập lậu các loại gia cầm đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Dịch trên đàn gia cầm đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân, cúm gia cầm lây sang người chắc chắn sẽ gây nhiều tổn thất hơn.
Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5, cúm A/H7... gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm. Bệnh có biểu hiện: Sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (khoảng 50%). Từ năm 2003 đến tháng 10/2022, cả nước đã có 128 người nhiễm virus cúm A/H5, trong đó có 64 người tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người.
Từ tính chất nguy hiểm của virus cúm gia cầm lây sang người, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính. Các lực lượng chống dịch tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh rất cao, các địa phương như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái và những địa phương giáp ranh với một số tỉnh cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là đối với những trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên các đàn nuôi, nhất là đảm bảo sức khỏe con người.
Trọng Tuệ
Liên kết website
Ý kiến ()