Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 01:34 (GMT +7)
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
Thứ 7, 04/02/2023 | 16:00:00 [GMT +7] A A
Tại Việt Nam, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok,… đang ngày càng phổ biến và được người dân sử dụng với số lượng người dùng rất lớn. Cũng trên những trang mạng này, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã có hơn 2.930 trường hợp lừa đảo qua mạng, với 2 mục đích lừa đảo chính nhằm đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và chiếm đoạt tài chính (chiếm 75,6%). Trong đó, việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Theo cảnh báo của Bộ Công an, các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, mạng viễn thông liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng xấu chính là tiền. Tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên mạng xã hội, mạng viễn thông, cụ thể:
Nhóm 1 - Giả mạo thương hiệu, gồm: Giả mạo thương hiệu của các cơ quan, tổ chức, như: Cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán… để gửi tin nhắn SMS lừa đảo cho nạn nhân; Giả mạo các trang web/blog chính thống để tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Nhóm 2 - Chiếm đoạt tài khoản, gồm: Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Tiktok… để gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…; Sử dụng các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen trên các trang web, gửi qua các thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo… để dụ dỗ người dùng biến họ thành con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết.
Nhóm 3 - Các hình thức kết hợp, gồm: Sử dụng số điện thoại trong nước, nước ngoài, giả danh cơ quan công an, nhà mạng viễn thông… để gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề biết; Giả mạo các trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên; lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin. Để câu views, câu likes và sau đấy lừa gạt chiếm đoạt tài sản qua hình thức từ thiện, kêu gọi đóng góp…; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook…; Lừa đảo cài cắm mã độc thông qua đường dẫn độc hại, phần mềm độc hại; Lập sàn đầu tư tiền ảo crypto, đầu tư đa cấp, đầu tư nhị phân, đầu tư Forex… lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Tại Quảng Ninh, trong năm 2022, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các nạn nhân bị lừa đảo theo các hình thức như trên. Cơ quan công an khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội. Đặc biệt, cảnh giác với các công việc cần phải bỏ tiền để đầu tư, yêu cầu đặt cọc, chuyển khoản tiền trước; kiểm tra, xác minh các tài khoản mạng xã hội, những số điện thoại lạ mời gọi tham gia đầu tư; không cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân cho người lạ; không truy cập, đăng nhập vào các đường link, ứng dụng lạ khi chưa rõ thông tin. Nếu nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần liên hệ ngay đến Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, tư vấn, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()