Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:12 (GMT +7)
Giữ “mắt biển" luôn sáng
Thứ 5, 26/01/2023 | 07:18:06 [GMT +7] A A
Dù nắng mưa, bão tố hay ngày lễ Tết, dù công việc thường ngày có phần nhàm chán hay rất nhớ nhà, nhưng những người làm việc ở Trạm hải đăng Cô Tô luôn tận tâm, tận lực, không xao nhãng phút giây nào để đèn biển luôn sáng rõ, soi đường chỉ lối cho những con tàu hoạt động ngoài khơi xa.
Tròn 20 năm trong nghề, anh Phạm Trọng Đồng, 43 tuổi, Trạm trưởng Trạm hải đăng Cô Tô, đã từng "giữ đèn" ở nhiều nơi, như: Trạm hải đăng đảo Trần (huyện Cô Tô), Trạm hải đăng đảo Hạ Mai (huyện Vân Đồn), Trạm hải đăng đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng).
Trong thời gian làm “người lính” gác đèn biển, anh Đồng đã trải qua bao gian nan, lưu giữ cho mình rất nhiều kỷ niệm. Đó là tình cảm quây quần của anh em đồng nghiệp ở nơi xa xôi sóng to, gió lớn, cả tháng không có người lạ lại qua; đó là những khi thời tiết xấu, anh em dè sẻn từng khẩu phần ăn chờ thời tiết tốt nhận tiếp tế; đó là những đêm Giao thừa lặng lẽ, anh em trạm an ủi nhau vì không có sóng điện thoại để liên lạc với gia đình...
Khuôn mặt khắc khổ nhìn già hơn so với tuổi 35, anh Trịnh Văn Đương (quê huyện An Dương, TP Hải Phòng) đã có 10 năm trong nghề canh đèn biển. Trước khi về Trạm hải đăng Cô Tô, anh Đương có 6 năm làm việc tại Trạm hải đăng Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Anh Đương cho biết: Chúng tôi nay đây mai đó, thời gian ở nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tết là ngày đoàn viên gia đình nhưng với "người lính" hải đăng thì đó là một điều xa xỉ...
Đối với những người gác đèn biển, hậu phương gia đình luôn là điểm tựa vững chắc để bản thân hoàn thành nhiệm vụ. Anh Đương có 2 con đang tuổi ăn học, con lớn học lớp 6, con bé lớp 3. Mọi công việc gia đình anh đành giao phó hết cho vợ và bố mẹ hai bên. Thỉnh thoảng có phép anh mới được về thăm vợ con. Còn anh Đồng có 2 con trai, con lớn năm nay đang học lớp 12. Làm việc ở xa nên mỗi ngày anh Đồng đều liên lạc về gia đình để hỏi han, động viên con học tập.
Là người trẻ nhất Trạm hải đăng Cô Tô, Phạm Tiến Dũng năm nay bước sang tuổi 32, chưa vợ nhưng đã 10 năm trong nghề. Dũng khoe đang tìm hiểu một bạn gái và cô ấy rất cảm thông, hiểu nghề của anh nên đây là niềm vui lớn để gắn bó với nghề...
Dù công việc gác đèn biển phải xa nhà, vất vả, nhưng 20 năm tuổi nghề anh Đồng chưa thấy trường hợp nào xin nghỉ việc. Những người gác đèn có câu nói cửa miệng như lời tuyên ngôn của nghề “Đèn còn sáng thì tim còn đập”. Vì vậy, bằng mọi giá, những người gác hải đăng phải duy trì ánh đèn - duy trì “mắt thần” của biển cả.
Trạm hải đăng Cô Tô là một trong 4 trạm hải đăng đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (thuộc Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc, đóng tại TP Hải Phòng). Trạm được thành lập năm 1962, nằm trên mỏm núi cao 100m so với mực nước biển. Năm 1992, Trạm được Nhà nước đầu tư xây dựng mới và năm 2018 tiếp tục được nâng cấp mới, mở rộng trên khuôn viên có diện tích 1.600m2 nằm tại địa bàn xã Đồng Tiến, cách trung tâm thị trấn Cô Tô 5km. Có chiều cao 128,1m so với số 0 hải đồ (mực nước biển ở mức thấp nhất), Trạm hải đăng Cô Tô đảm bảo tàu, thuyền hoạt động ở khoảng cách 20,7 hải lý (40km). Trạm còn có một trạm phụ cách Cảng Cô Tô 4km để phân luồng, định vị cho tàu, thuyền qua lại.
Trạm trưởng Phạm Trọng Đồng cho biết: Chúng tôi phân công cụ thể cho anh em trực, sửa chữa, bảo trì để đảm bảo phát sáng cho trạm chính và trạm phụ. Trạm hải đăng ở vị trí cao nên hàng ngày các công nhân phải kiểm tra thiết bị an toàn mới được vận hành.
Trong ca trực của mình, anh Trịnh Văn Đương leo lên tháp cao của Trạm để vệ sinh trang thiết bị, kiểm tra các yếu tố tác động đến đèn biển. Đây là công việc được thực hiện hằng ngày để phát hiện sự cố, kịp thời khắc phục, đảm bảo duy trì đèn biển sáng ở mức tối ưu. Bóng đèn biển tương đương 100W nhưng dưới thấu kính phản chiếu sẽ trở thành “con mắt biển đêm” giúp tàu thuyền ngoài khơi nhận biết, trú tránh an toàn. Là trạm nằm trên huyện đảo, sự cố thường xuyên xảy ra, dù có mưa bão nhưng Trạm vẫn bố trí người sửa chữa, sử dụng thiết bị dự phòng để cho đèn luôn sáng.
Tết đến, xuân về, các trạm hải đăng phải duy trì 70% quân số ở lại trực. Trạm hải đăng Cô Tô có 8 người thì chỉ có 2 người được về đón Tết với gia đình theo quy định. Những người ở lại vẫn đảm bảo công việc thường ngày sửa chữa, bảo dưỡng để “mắt thần” luôn tỏa sáng trên ngọn tháp cao nhằm dẫn dắt, định vị cho tàu, thuyền ngoài khơi xa được an toàn.
Những người ở lại đón Tết tuy phải xa gia đình nhưng Trạm luôn có bánh chưng, cây đào, mâm ngũ quả để anh em đón Giao thừa và được lãnh đạo Công ty, lực lượng vũ trang, chính quyền huyện đảo Cô Tô đến thăm hỏi, động viên. Đó là động lực để anh em hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, Trạm được đầu tư khang trang, điều kiện thông tin liên lạc cũng thuận lợi để mọi người kết nối với gia đình. Cơ quan cũng giống như một gia đình, tạo sự ấm cúng để anh em bớt nhớ nhà vào ngày Tết. Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, những người không làm nhiệm vụ trực gác thì tăng gia sản xuất, chăn nuôi gà, trồng rau xanh phục vụ nguồn thực phẩm tại chỗ cho cả trạm.
Những hàng rào được cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên trồng đủ các loại hoa đang sắp bung nở khoe sắc. Những người gác đèn biển mạnh mẽ nhưng rất lãng mạn, yêu đời, họ đã hy sinh những ngày Tết đoàn tụ để mang mùa xuân yên bình cho những ngư dân vươn khơi, bám biển.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()