Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:49 (GMT +7)
Cấp chứng chỉ cho rừng - việc cần làm ngay
Thứ 3, 24/10/2023 | 15:34:12 [GMT +7] A A
Cấp chứng chỉ cho rừng là giải pháp quan trọng nhằm quản lý rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Với hơn 372.000ha đất có rừng, trong đó có 165.000ha rừng trồng sản xuất, Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng.
Nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đầu năm 2022, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên đã triển khai việc trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho 1.003 hộ trồng rừng liên kết với HTX trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tổng diện tích trồng hơn 9.500ha.
Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC, các hộ dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì... Đối với HTX, đã tổ chức tập huấn quy trình chọn cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác gỗ đạt kết quả cao, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Đến cuối năm 2022, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên, đại diện cho các hộ dân đã được cấp chứng chỉ rừng.
Ông Bùi Đông Anh, điều phối viên HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên cho biết: Việc trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn VFCS/PEFC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Qua đánh giá, rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15-25% (tương đương 150.000-200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45-50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8-10 năm).
Mặc dù việc cấp chứng chỉ rừng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tại thời điểm này, mới có duy nhất HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên được cấp chứng chỉ rừng, đạt 63,25% chỉ tiêu về diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhận thức về phát triển lâm nghiệp bền vững của nhiều chủ rừng còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới giá trị môi trường, xã hội của rừng. Bên cạnh đó, diện tích đất lâm nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đa phần là nhỏ với phương thức canh tác quảng canh, phát triển cây gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn, không chủ động được nguồn giống, phân bón có chất lượng nên năng suất rừng chưa cao, khó triển khai thực hiện các tiêu chí về quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, các chủ rừng còn gặp khó khăn trong đảm bảo duy trì kinh phí để phục vụ thẩm tra chứng chỉ rừng, nhất là đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đến thời điểm này, đã có 23.140ha rừng trồng sản xuất của các địa phương đăng ký cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025. Để đẩy nhanh tiến độ, diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng theo quy định. Trong đó, đưa chỉ tiêu cấp chứng chỉ quản lý rừng vào quyết định giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm cho các địa phương để triển khai thực hiện.
Cùng với đó, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, trong đó khuyến khích trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát và các loài cây bản địa, gỗ lớn; hướng dẫn các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân liên kết thành nhóm hộ, đồng thời thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, chính sách về đất đai nhằm huy động các nguồn lực để khuyến khích chủ rừng triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()