Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:44 (GMT +7)
NSND Quang Thọ - NSND Lê Dung Cặp đôi ca sĩ mẫu mực trong dòng nhạc thính phòng Việt Nam
Thứ 4, 25/10/2023 | 09:50:04 [GMT +7] A A
Không chỉ là những giọng ca hàng đầu, NSND Quang Thọ và NSND Lê Dung còn là đồng hương Quảng Ninh thân thiết. Sự đồng điệu về tri thức hát và dòng nhạc, cùng hoàn cảnh trưởng thành từ hầm lò đến chiến trường, giảng đường đã gắn kết Lê Dung và Quang Thọ thành cặp đôi ca sĩ mẫu mực trong dòng nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam.
Quang Thọ sinh năm 1948 tại TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Năm 1953 ông cùng gia đình chuyển về TX Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) sinh sống. Lê Dung sinh 1951, sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực lao động nghèo Cầu 1, Cao Xanh, TX Hòn Gai.
Theo NSND Quang Thọ, được mẹ sinh ra ngay trên thuyền, nên ông gắn bó tận cùng máu thịt với biển, với hương vị mặn mòi của biển cả. Những gì thuộc về biển, về quê hương luôn lan tỏa ấm áp trong trái tim ông.
Cuối năm 1963, khai tăng 2 tuổi, Quang Thọ trở thành thợ điện Mỏ Cọc Sáu. Ông hồi tưởng: "Tuy ăn lương thợ điện nhưng việc chính lại là hát. Trợ cấp đường sữa thay cho cát-xê. Có khi cả năm chỉ đi diễn, hết cho ngành Than lại tới các địa phương trong tỉnh. Bài hát đưa tôi lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp là một bài về thợ mỏ “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng".
Câu chuyện của NSND Quang Thọ đưa chúng ta về bối cảnh nửa thế kỷ trước, khi bom đạn Mỹ trút xuống miền vàng đen Quảng Ninh. Thế nhưng lại bật lên một giọng hát thanh xuân là Quang Thọ đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm qua các ca khúc về thợ mỏ: “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. "Đó là những bài hát trở thành niềm tự hào của người Vùng mỏ. Những bài hát về Vùng mỏ và thợ mỏ những năm 60 của thế kỷ trước lên đến hàng trăm bài mà theo tôi có sức sống vĩnh cửu. Đi đâu tôi cũng không thể không hát những bài đó. Trái tim tôi lúc nào cũng hướng về Vùng mỏ và người thợ mỏ" - Quang Thọ chia sẻ.
Hai nghệ sĩ có nhiều điểm tương đồng trong sự nghiệp: Trưởng thành qua phong trào văn nghệ quần chúng ở mỏ than, hát cho các chiến sĩ ở Trường Sơn khói lửa, có thời gian dài giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia. Ở Vùng mỏ, Quang Thọ và Lê Dung cùng hát cho công nhân nghe giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất. Họ đã hát giữa công trường, trong những căn hầm, dưới màn đêm không ánh sáng đèn chỉ có ánh chớp và tiếng nổ của bom đạn. Vùng than thời ấy vất vả và gian khó, nhưng với họ luôn là vùng đất ân tình, nơi lưu giữ những ký ức rất đẹp. Và như thể chính vùng than, chính những đêm thức cùng thợ mỏ đã tạo ra tiếng hát vẹn nguyên một tình yêu quê hương xứ sở, làm vơi đi những nhọc nhằn của người thợ mỏ. Nắng, gió, bụi than đất mỏ tôi luyện giọng ca, con người họ. Họ sẵn sàng đứng trên xe thùng đi trên những con đường dốc, xóc từ các mỏ Mông Dương đến Uông Bí mà hát, hát từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm.
Sự đồng điệu về dòng nhạc, đồng hương lại chung môi trường hoạt động đã giúp Lê Dung và Quang Thọ luôn là cặp đôi mẫu mực, tạo nên những dấu ấn mãi mãi với thời gian... trong dòng nhạc thính phòng. NSND Lê Dung là một trong những giọng nữ cao đầu tiên áp dụng nhiều kỹ thuật khó của thanh nhạc cổ điển thế giới vào Việt Nam. Lê Dung có một quãng giọng khá rộng, một giọng nữ cao trữ tình cổ điển, hát tới note nào là đẹp note đó. Giọng bà có thể tạo ra những luồng âm lượng lớn, to, vang đầy "bão táp" trên quãng cao. Đây là kỹ năng Lê Dung có được sau thời gian tu nghiệp tại nước ngoài.
NSND Quang Thọ cho rằng, khi còn tại thế, NSND Lê Dung là người song ca ăn ý với ông nhất. Năm 1994, hai nghệ sĩ thực hiện liveshow “Một thời và mãi mãi” đánh dấu hành trình đồng hành suốt nhiều thập niên. Đây là một trong những liveshow đầu tiên tại Việt Nam và còn được biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Paris. Liveshow được ghi lại thành đĩa nhân kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhớ về những ngày tháng đó, NSND Quang Thọ xúc động: “Có thể nói, đó là sự giao cảm gần như là tuyệt đỉnh nhất trong việc biểu diễn chung giữa tôi và Dung cùng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Với nhiều người làm nghề, đây là chương trình giao hưởng thính phòng lớn và thành công nhất từ trước đến nay. Dung hát say sưa, cuồng nhiệt. Và đó cũng là tính cách của cô ấy trong cuộc sống”.
Sở hữu giọng hát điêu luyện, NSND Lê Dung đã truyền tải được sự rung cảm mãnh liệt, sự say mê đến tâm hồn người nghe. Hát lên khao khát của con tim yêu cháy bỏng, Lê Dung đốt cháy mọi thứ như chính những gì chất chứa trong giọng hát của bà, như con tằm rút ruột rút gan.
Năm 2001, khi NSND Lê Dung bị tai biến mạch máu não, NSND Quang Thọ đang ở Pháp. Vợ ông là người trực tiếp chăm sóc cho bà. NSND Quang Thọ bùi ngùi kể: “Khi Dung bước vào những ngày nguy cấp, tôi đang ở Paris, nhưng được vợ thông báo tin tức từng giờ. Gia đình tôi với Lê Dung như anh em trong nhà, Dung bị tai biến là vợ tôi đưa cô ấy vào viện. Nhưng rồi Dung không ở lại được. Rất nhiều dự định lớn trong cuộc đời âm nhạc Dung bỏ dở. Mất mát thực sự cho thanh nhạc khi Lê Dung không còn cất tiếng hát nữa”.
Bây giờ, NSND Quang Thọ nhớ về Lê Dung nhiều nhất vẫn là những kỷ niệm. NSND Quang Thọ kể: "Cuối năm 1967, khi Mỹ bắn phá Quảng Ninh, có rất nhiều cuộc biểu diễn ở những nơi sơ tán, trong hầm mỏ. Cô ấy mới đang học lớp 9, nhưng đã bắt đầu theo chúng tôi đi diễn. Có lần tôi chở Dung đi diễn, xa nhà mấy chục cây số. Đi dọc đường, đến Nhà máy điện Cọc 5 thì bị một trận oanh tạc, vội vàng nhảy xuống hầm, xe đạp bị bom cày nát. Tôi vác chiếc xe đạp nát và hai anh em đi bộ suốt đêm về nhà. Ngày đó chúng tôi đi hát vì yêu thích và được phục vụ công nhân mỏ thế thôi, chứ không nghĩ mình sẽ theo con đường này, cũng không nghĩ mình phải trở thành người nổi tiếng. Mỗi đứa đi một hành trình khác nhau, rồi gặp nhau trong từng thời điểm của sự nghiệp. Dung và tiếng hát trong trẻo của cô ấy là điều không chỉ tôi mà nhiều người yêu nhạc Việt Nam luôn nhớ đến".
Quảng Ninh - miền “vàng đen” của Tổ quốc đã sinh ra cặp song ca Quang Thọ và Lê Dung, đỉnh cao một thuở. Nếu như NSND Lê Dung “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương” thì NSND Quang Thọ vẫn bền bỉ tỏa sáng mặc cho những thăng trầm gần 6 thập niên qua.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()