Tất cả chuyên mục

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín (sinh năm 1980) tại tỉnh An Giang, đam mê thư pháp Việt từ nhỏ và là chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ thư pháp Nét Việt Nhà văn hóa thanh niên TP. Hồ Chí Minh. Hiện anh là Trưởng bộ môn Du lịch của Trường đại học Tôn Đức Thắng và đã có 50 bài viết về nghệ thuật thư pháp Việt. Anh cũng từng là khách mời đặc biệt trong chương trình “Sắc màu phương Nam” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV).
Nhân dịp tết đến, xuân về, anh Hiếu Tín có những chia sẻ đầy thú vị về câu đối xưa và nay đến độc giả của BPTV.
Câu đối xưa...
Theo anh Nguyễn Hiếu Tín, nhiều tài liệu cho rằng câu đối có nguồn gốc từ Trung Quốc. Câu đối bắt nguồn từ tục làm đào phù (làm bùa trên gỗ cây đào) để trừ tà ma. Tết năm 959, chúa nhà Mậu Thục tên là Mạnh Xưởng đã viết lên ván đôi câu đối thay cho đào phù: “Tân niên nạp dư khánh, giai tiết hiệu trường xuân” (Năm mới mang đến điều may đầy đủ; Tiết tốt báo hiệu ngày xuân mãi dài). Đây được xem là đôi liễn xuân đầu tiên cách đây trên 1.000 năm hiện còn được lưu giữ ở bảo tàng Trung Quốc.
![]() |
“Ở nước ta, câu đối được bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Hơn nữa, từ những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen thuộc hằng ngày cũng có thể hình thành những vế đối tự nhiên” - anh Hiếu Tín chia sẻ. |
Đặc biệt vào dịp tết cổ truyền của dân tộc ta, bên cạnh những bức tranh tết, thì những dòng chữ, câu văn trong câu đối tết cũng là một trong những món quà tinh thần được vật chất hóa không thể thiếu trong ngày đầu năm. Câu đối thể hiện ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc, cùng khát khao hướng tới chân - thiện - mỹ.
Tìm hiểu về cấu trúc của câu đối rất thú vị. Bởi “đối” nghĩa là 2 chữ, câu hoặc đoạn văn đi sóng đôi với nhau, cân xứng cả về ý lẫn lời. Ngoài các chữ đối nhau còn có các câu hoặc đoạn văn đối nhau. Như thế, có nhiều thể loại thơ, văn được dùng trong câu đối. Về luật đối, có nhiều thể loại như: đối ý (2 ý cân xứng nhau); đối chữ: gồm có đối về thanh của chữ (vần bằng, trắc) và đối về loại của chữ (2 chữ đối nhau phải cùng một từ loại: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ…). Nếu 2 câu mà đối được cả về ý lẫn chữ thì được gọi là đối chỉnh hay đối cân. Câu đối đơn giản so với các loại thơ, văn khác.
“Vỏn vẹn chỉ 2 câu nhưng chữ nghĩa trong câu đối cô đọng, chọn lọc như cách chọn từ trong thơ. Câu đối hay có văn phong tự nhiên, câu văn mạch lạc, rõ ràng, chữ dùng chính xác” - anh Hiếu Tín chia sẻ.
...và ngày nay
Theo anh Hiếu Tín, câu đối ngày tết thường được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Ngày tết, người ta thường hay dán câu đối ở hai trụ cổng, còn trên hàng cột ở hiên nhà thì thường dán câu đối ca ngợi cảnh sắc mùa xuân và niềm vui năm mới: Sơn thủy thanh cao xuân bất tận/Thần tiên lạc thú cảnh trường xuân.
![]() |
Nhân dịp đầu xuân mới, anh Nguyễn Hiếu Tín tặng câu đối tết đến bạn đọc của BPTV |
Các câu đối dán, treo trong nhà, trên bàn thờ thường mang nội dung thiết thực, gần gũi hơn (dù vẫn thể hiện ước vọng chung). Có thể là câu đối cầu thọ, cầu phúc: Thiên tăng tế nguyệt, nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường; Phúc đầy nhà năm thêm giàu có/Đức ngập tràn ngày một vinh hoa...
“Tục chơi câu đối tuy đã có từ xưa nhưng đến nay hầu như còn giữ được tính thời sự của nó. Đặc biệt là các báo xuân, dường như đã trở thành “luật bất thành văn”, luôn có những câu đối tết trên các trang báo, tạo cảm giác ấm áp trong mùa xuân mới. Ở các đô thị, thời gian gần đây thường xuất hiện “phố ông đồ”, các nghệ nhân viết tặng khách thập phương những câu đối tết để treo hoặc làm quà tặng đã trở thành một sự kiện văn hóa cho những ngày đầu xuân mới” - anh Hiếu Tín cho biết.
Có thể nói, từ buổi thoái trào của thư pháp qua hình ảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy/Qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên thì đến nay, nghệ thuật thư pháp Việt Nam đã cách tân và khởi sắc. Đó là cuộc đổi mới ngoạn mục khi có sự xuất hiện của thư pháp chữ Việt (theo ký tự La tinh). Hình ảnh ông đồ vẫn xuất hiện vào những dịp xuân về, tết đến như một sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp, nhất là ở những khu đô thị lớn. Hình ảnh ông đồ cho chữ đã tạo nên cảnh sắc của mùa xuân rất bình an, thanh tao và rực rỡ.
Thế giới đang có xu hướng khai thác những giá trị văn hóa truyền thống phương Đông. Trong chiều hướng đó, nghệ thuật thư pháp chữ Việt sẽ dễ hòa nhập hơn bởi khả năng tích hợp Đông - Tây của mình. Một tín hiệu đáng mừng là giới trẻ tham gia vào bộ môn nghệ thuật thư pháp khá đông và lan tỏa giá trị khá rộng. Số lượng người quan tâm vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, rõ nhất ta thấy các font chữ thư pháp luôn xuất hiện trên truyền hình, báo chí, lịch, sách... Bên cạnh đó, số lượng “xuống phố” của các “ông đồ” ngày càng đông.
“Ngày tết, bên chung trà, bánh mứt cùng ngẫm nghĩ về những câu đối tết của người xưa, khiến ta một lần nữa thêm lòng tự hào về trí thông minh, tài sáng tạo, nét tài hoa của tổ tiên đã tạo ra một loại sản phẩm văn chương đặc biệt. Trong một tác phẩm “mini” ấy thể hiện đủ cả cái đẹp cân đối nhịp nhàng của hình thức và cái uyên thâm của chiều sâu triết lý phương Đông” - anh Hiếu Tín nói.
Theo Lâm Hữu Tặng/Báo Bình Phước
Ý kiến ()