Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:43 (GMT +7)
“Người Công giáo sống ở chế độ ta được Đảng và Nhà nước rất quan tâm..."
Chủ nhật, 26/12/2021 | 20:25:50 [GMT +7] A A
Ông Đinh Quang Trung, 73 tuổi, làm Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh từ 14 năm nay. Chia sẻ với chúng tôi, ông bảo ngay từ lúc nhỏ, là giáo dân của xứ đạo Yên Trì (Quảng Yên) ông đã tham gia vào các ca đoàn, giúp lễ cho linh mục. Lớn lên, ông xung phong đi bộ đội, vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Trở về quê hương, ông tham gia công tác nhiều lĩnh vực. Khi chuẩn bị nghỉ hưu, ông được bầu vào vị trí hiện nay…
Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: Người Công giáo toàn thế giới thì có đặc tính chung nhất là về tôn giáo, còn ở Việt Nam hay Quảng Ninh mà có những cái khác là do sự hội nhập với văn hoá dân tộc. Đồng bào Công giáo Quảng Ninh rất tốt, đức độ, khuyên con người ta phải làm những việc thiện, việc tốt, có tinh thần yêu nước, xây dựng quê hương.
Họ sinh hoạt tôn giáo, giáo dục con cháu trong gia đình sống tốt đời đẹp đạo, có tinh thần bác ái, vừa thi đua phát triển kinh tế gia đình vừa hướng thiện. Người Công giáo ở đâu cũng luôn chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, mà họ làm rất tự nguyện, không cần phải vận động, cũng không cần người khác biết, giống như trong Kinh thánh có nói “làm phúc tay phải không cho tay trái biết”. Đồng bào Công giáo cũng rất cẩn thận trong việc giáo dục con cái, nên các tệ nạn xã hội ít xảy ra.
Mỗi vùng giáo dân lại có những đặc điểm riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng thì làm nông nghiệp, vùng sản xuất công nghiệp, vùng lại làm nghề biển, dịch vụ, buôn bán kinh doanh, du lịch… đều có những điển hình trong lao động sản xuất. Như đồng bào Công giáo ở xã Việt Dân (Đông Triều) là điển hình của cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ở Cô Tô thì ông trùm họ đạo Cô Tô, Thanh Lân đều phát triển kinh tế rất tốt, làm du lịch, chế biến hải sản với mấy chục lao động, cho nguồn thu lên tới cả tỷ đồng… Nói chung thì ở đâu bà con Công giáo Quảng Ninh cũng hoà đồng, có xu thế vừa phát triển kinh tế, vừa chăm lo sự nghiệp văn hoá, giáo dục đạo đức, lối sống…
- Để đồng bào Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo, hẳn phải xuất phát từ 2 phía là chính quyền địa phương và chính các giáo xứ, giáo họ. Vậy sự quan tâm chăm lo của chính quyền địa phương với đồng bào Công giáo được thể hiện như thế nào trong những năm qua, thưa ông?
+ Người Công giáo sống ở chế độ ta được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Họ có thời gian cũng chịu định kiến nhất định nhưng những năm gần đây đã có nhiều sự thay đổi, nhất là từ sau khi có Pháp lệnh rồi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Với riêng tỉnh Quảng Ninh thì hàng năm lãnh đạo tỉnh đều tổ chức gặp mặt các linh mục nhân dịp Noel.
Tôi cứ nhớ mãi dịp Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ - PV) gặp mặt linh mục Nguyễn Chấn Hưng ở giáo xứ Hòn Gai nhân lễ Phục sinh, tháng 4/2012. Khi ấy, nguyện vọng của linh mục có mấy vấn đề: Muốn xây dựng giáo họ ở Hà Khẩu, cải tạo con đường lên nhà thờ Hòn Gai và một số vấn đề để người Công giáo có thể hoạt động bình đẳng. Bí thư Phạm Minh Chính đã giải quyết hầu hết các nguyện vọng này, sau đó thì linh mục Nguyễn Chấn Hưng nói rằng: Hôm nay được trực tiếp gặp Bí thư, tôi mới thấy đúng là “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”.
Việc gặp mặt các linh mục trước thềm Noel hàng năm có cái hay là ngoài mục đích động viên, chúc mừng ra thì còn nghe họ phát biểu còn vướng mắc, khó khăn gì. Lãnh đạo tỉnh trả lời từng cái một, các sở, ngành, địa phương nghe rồi ghi chép lại, hầu hết các nguyện vọng, nhu cầu về xây dựng, sửa chữa nhà thờ, kể cả chỗ có vướng mắc cũng được tạo điều kiện giải quyết.
Đơn cử như chỗ nhà thờ giáo họ ở phường Trần Phú (Móng Cái), sau năm 1979 khi ổn định trở lại thì đồng bào Công giáo ở đấy muốn xây lại nhà thờ. Chủ trương thì đồng ý nhưng Móng Cái nói khó về địa điểm, bởi gần chỗ giáo dân thì không có đất mà xa thì bất tiện cho việc thực hiện các nghi lễ. Vậy là lãnh đạo tỉnh giao cho địa phương tìm một mảnh đất ở đấy, bảo “không được to thì hẹp một tí cũng được”…
Đấy cứ làm như thế, năm đầu nghe phản ánh của các linh mục, ghi lại rồi yêu cầu các ngành, địa phương giải quyết, đến sang năm gặp mặt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lại xem kết quả làm đến đâu rồi, cái gì chưa làm được lại giải quyết, tôi thấy rất tuyệt vời. Đến nay, nhiều nhà thờ đã được sửa chữa, xây mới đáp ứng nguyện vọng của giáo dân trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 46 nhà thờ của 16 giáo xứ, 54 giáo họ với hơn 45.000 giáo dân.
- Vậy còn các chức sắc, chức việc ở các giáo xứ, giáo họ, thưa ông?
+ Việt Nam có 26 giáo phận thì có 26 giám mục phụ trách, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ toà thánh Vatican. Các linh mục ở Quảng Ninh biết vai trò, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với đồng bào Công giáo nên họ có thiện cảm rất tốt, họ đóng ở xứ nào thì cơ bản đều giữ mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương.
Đơn cử như linh mục Trần Văn Minh, Đại hội Đảng bộ xã Hiệp Hoà mời dự đại hội, ông dự từ khai mạc cho đến khi kết thúc. Hay các cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, các linh mục đều rao giảng, nhắc nhở trước giáo dân, làm lễ xong thì vận động mọi người đi bầu cử luôn; tết thì nhắc nhở giáo dân thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, như cấm đốt pháo, thả đèn trời, rồi các vấn đề về môi trường…
- Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh giữ vai trò ra sao trong việc gắn kết giữa các giáo xứ, giáo họ với chính quyền địa phương và ngược lại?
+ Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một tổ chức xã hội của người Công giáo do Đảng, Nhà nước ta thành lập ra. Trước kia, nhiều người cũng hay nhầm lẫn chỗ này, bên Giáo hội thì cho là chúng tôi là tổ chức của Đảng, Nhà nước và ngược lại.
Xin lật giở lại về lịch sử, từ những năm kháng chiến chống Pháp, Chính phủ ta kêu gọi các tổ chức tham gia kháng chiến, trong đó có một số linh mục yêu nước đi theo kháng chiến. Xuất phát từ đó mới thành lập ra Ban liên lạc những người yêu nước Công giáo ở một số nơi, đến năm 1955 thì thành lập ra Ban liên lạc Công giáo những người yêu nước Việt Nam. Năm 1983 tiến hành đại hội toàn quốc, thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, có nhiệm vụ động viên đồng bào Công giáo thi đua yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam và các mục tiêu khác cũng như trung thành với Giáo hội.
Cùng với đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo dân, chức sắc, chức việc để phản ánh với Đảng và Nhà nước, kịp thời có những biện pháp để giải quyết, đáp ứng các nguyện vọng. Gần gũi các chức sắc, chức việc để tuyên truyền, trao đổi những điều họ chưa hiểu, thấy cái gì không đúng thì mình cũng phải tuyên truyền, vận động họ để ngăn ngừa. Về mặt Đảng, Nhà nước cũng như vậy, chúng tôi hay ví mình như “cầu nối” giữa chính quyền và Giáo hội…
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()