Chiều cao trung bình của 368 cầu thủ từ 16 đội tuyển dự giải là 1,789 m, theo danh sách đăng ký ban đầu được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) công bố hôm nay 10/4. Tám đội thấp hơn mức trung bình, trong đó Việt Nam thấp thứ ba với 1,763 m. Hai đội xếp trên lần lượt là Malaysia (1,7609 m) và Kuwait (1,7626 m), cùng bảng D với Việt Nam.
Đội cao nhất là Trung Quốc với 1,8396 m. Ba đội khác có chiều cao trung bình trên 1,8 m là Nhật Bản (1,8057 m), Australia (1,8143 m) và Hàn Quốc (1,8174 m).
Thủ môn Yu Jinyong của Trung Quốc cao nhất giải, đồng thời là cầu thủ duy nhất cao 2 m. Cầu thủ thấp nhất giải là hậu vệ Phon-ek Maneekorn của Thái Lan, với 1,6 m. Xếp sau là hậu vệ Hồ Văn Cường của Việt Nam (1,63 m).
Việt Nam có hai cầu thủ cao dưới 1,7 m khác là tiền đạo Khuất Văn Khang (1,68 m) và Nguyễn Minh Quang (1,69 m). Trong khi đó, thủ môn Trần Trung Kiên cao nhất đội, với 1,91 m. Năm người cao trên 1,8 m, gồm hậu vệ Nguyễn Thành Khải (1,87 m), Lương Duy Cương (1,82 m), thủ môn Quan Văn Chuẩn (1,81 m), Nguyễn Văn Việt (1,8 m) và tiền đạo Võ Nguyên Hoàng (1,8 m). Tiền đạo Nguyễn Đình Bắc, Nguyễn Văn Tùng và trung vệ Trần Quang Thịnh cũng đạt chiều cao 1,79 m.
Hai đội tuyển Đông Nam Á còn lại là Thái Lan và Indonesia lần lượt có chiều cao thấp thứ năm (1,7709 m) và bảy (1,7735 m). Thái Lan có chín cầu thủ cao trên 1,8 m, còn Indonesia là 11. Đội tuyển xứ vạn đảo có ba cầu thủ mang dòng máu lai cao trên 1,8 m là hậu vệ Justin Hubner, tiền vệ Ivar Jenner và tiền đạo Rafael Struick.
Chiều cao trung bình giải năm nay vẫn phản ánh sự chênh lệch thể chất như thường lệ, khi các đội tuyển Đông Nam Á thuộc nhóm thấp nhất, còn Đông Á cao nhất. Tuy nhiên, sự chênh lệch này lại tỷ lệ nghịch ở độ tuổi trung bình.
Indonesia trẻ nhất giải với độ tuổi trung bình 21,35. Việt Nam đứng thứ tư (21,7), Thái Lan (21,83) và Malaysia (21,87) lần lượt đứng thứ bảy và tám. Thông số này thấp hơn hoặc gần bằng độ tuổi trung bình toàn giải là 21,85. Trong khi đó, đội già nhất là Arab Saudi với trung bình 22,43 tuổi. Xếp sau là Nhật Bản (22,3), Jordan, Uzbekistan (22,04) và Hàn Quốc (22).
Cầu thủ trẻ nhất giải là Wang Yudong của Trung Quốc, cũng là cái tên duy nhất sinh năm 2006. Cầu thủ trẻ nhất U23 Việt Nam là hậu vệ Nguyễn Mạnh Hưng khi sinh ngày 8/8/2005, rồi đến Lê Nguyên Hoàng sinh ngày 14/2/2005. Số cầu thủ sinh năm 2001 là chín, năm 2002 (4), 2003 (6) và 2004 (2).
Việt Nam là một trong bốn nước gồm toàn bộ cầu thủ thi đấu trong nước, cùng UAE, Kuwait và đương kim vô địch Arab Saudi. Australia và Tajikistan có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nhất với bảy cái tên mỗi đội.
Danh sách cầu thủ được AFC công bố là tạm thời. Danh sách chính thức 23 cái tên sẽ được chốt vào cuộc họp kỹ thuật một ngày trước khi các đội đá trận mở màn. Mỗi đội được đăng ký tối thiểu 18 cầu thủ, tối đa 23 và các cầu thủ phải sinh từ ngày 1/1/2001 trở về sau.
Do đăng ký sơ bộ nên danh sách 23 cầu thủ Việt Nam hiện tại còn Phan Tuấn Tài – hậu vệ chấn thương không kịp dự giải. Việt Nam có mặt tại Qatar từ ngày 8/4 với 27 cầu thủ, sẽ đá giao hữu kín với Jordan tối nay 10/4. Danh sách chính thức sẽ được HLV Hoàng Anh Tuấn chốt vào ngày 16/4, một ngày trước trận mở màn gặp Kuwait ở bảng D. Sau đó, Việt Nam chạm trán Malaysia ngày 20/4 và Uzbekistan ngày 23/4.
Danh sách đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam
Thủ môn (3): Quan Văn Chuẩn (Hà Nội FC), Nguyễn Văn Việt (SLNA), Trần Trung Kiên (HAGL)
Hậu vệ (9): Nguyễn Thành Khải, Lương Duy Cương (Đà Nẵng), Trần Quang Thịnh (HAGL), Lê Nguyên Hoàng (SLNA), Hồ Văn Cường, Hà Văn Phương (CAHN), Phan Tuấn Tài (Thể Công), Nguyễn Ngọc Thắng (Hà Tĩnh), Nguyễn Mạnh Hưng (Bình Phước)
Tiền vệ (4): Võ Hoàng Minh Khoa (Bình Dương), Hoàng Văn Toản (CAHN), Nguyễn Đức Việt (HAGL), Nguyễn Thái Sơn (Thanh Hoá)
Tiền đạo (7): Nguyễn Quốc Việt (HAGL), Võ Nguyên Hoàng (Thanh Hóa), Bùi Vĩ Hào (Bình Dương), Nguyễn Văn Tùng (Hà Nội FC), Nguyễn Đình Bắc (Quảng Nam), Khuất Văn Khang (Thể Công), Nguyễn Minh Quang (Đà Nẵng).
Ý kiến ()