Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 06:22 (GMT +7)
"Cây cầu văn hóa hữu nghị đã được xây dựng thông qua âm nhạc"
Chủ nhật, 25/12/2022 | 19:11:38 [GMT +7] A A
Trong Cuộc thi tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung năm 2010, ca sĩ Lương Ngọc Diệp giành giải nhất tỉnh Quảng Ninh và khu vực Miền núi - Duyên hải phía Bắc, giải nhì vòng Chung kết toàn quốc và giải ba vòng Chung kết quốc tế tại Quảng Tây, Trung Quốc. Hai năm gần đây, Lương Ngọc Diệp trở lại Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung nhưng là vai trò của một thành viên Ban Giám khảo. Bên lề Cuộc thi tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung 2022 do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp thực hiện, phóng viên Trung tâm đã có cuộc trò chuyện với ca sĩ, giám khảo Lương Ngọc Diệp.
- Từ vai trò thí sinh nay trở lại với vai trò thành viên giám khảo, cảm xúc của chị tại cuộc thi này thế nào?
+ Tôi còn cảm nhận rất rõ áp lực của các bạn thí sinh. Tôi dường như vẫn còn nguyên những sự căng thẳng lo lắng đó của các bạn. Các bạn thí sinh đã đi thi thì ai chẳng lo lắng chỉ có điều là có người ít người nhiều thôi. Vậy nên đồng hành cùng các bạn, tôi cũng động viên các bạn ấy hãy tự tin để thể hiện hết mình trên sân khấu. Tự tin để chiến thắng và quan trọng nhất là chiến thắng chính mình. Hãy coi việc lên sân khấu để thi như một cuộc biểu diễn. Cứ vô tư thoải mái tự tin là sẽ làm tốt hơn. Và thực tế thì các bạn ấy đã rất tự tin.
- Theo chị thì mặt bằng chung của thí sinh tham gia Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm nay ra sao?
+ Mặt bằng thí sinh năm nay rất tốt. Nhiều bạn được đào tạo bài bản. Có những bạn hát cổ điển cực tốt. Nhiều bạn trước khi đến với cuộc thi này đã từng tham gia và được giải ở các cuộc thi cấp tỉnh rồi. Những nỗ lực và khả năng trình độ của các bạn đã góp phần khẳng định rằng đây không phải là một cuộc thi phong trào quần chúng, cũng không chỉ là cuộc thi mang tính giao lưu hữu nghị mà còn là cuộc thi chuyên môn và thậm chí là có chuyên môn cao. Phải nói rằng cuộc thi có quãng tuổi rộng cho các thí sinh. Mà khi các thí sinh có quãng tuổi càng rộng thì chắc chắn sẽ có kỹ năng tốt, chuyên môn tốt, bản lĩnh sân khấu tốt hơn.
- Nhưng khoảng cách độ tuổi có khiến cho có sự không đồng đều?
+ Thực ra chỉ không đồng đều về kỹ năng thôi. Vì có những bạn còn rất trẻ, kinh nghiệm còn ít, nhưng bù lại các bạn ấy lại có tố chất tốt thì cũng không có gì đáng ngại. Trong khi đó, nhiều thí sinh có tuổi rồi, được đi diễn nhiều rồi, có kỹ năng sân khấu tốt hơn. Nhưng nhìn chung năm nay, các thí sinh đều rất trẻ trung. Các thí sinh không chỉ trẻ về tuổi, trẻ về giọng hát, mà còn trẻ trung về trang phục, đạo cụ. Đặc biệt năm nay, tôi thấy cách phát âm của các thí sinh cũng chuẩn hơn. Tôi chưa thấy những cách phát âm tiếng bồi học vẹt như có năm trước đây. Riêng thí sinh người Quảng Ninh, tôi thấy có 3 bạn đều rất có tiềm năng.
- Là "dân" ngoại ngữ, chị nhận ra kiểu hát bồi như thế nào?
+ Chúng tôi nhận ra được ngay, chỉ cần nghe một lần âm người ta đọc ra. Cái khó của phát âm tiếng Trung là về phụ âm, trong đó có phụ âm bật hơi và phụ âm cong lưỡi. Còn thanh điệu thực ra không quan trọng lắm, khi hát lại càng không quan trọng bằng khi nói. Chúng tôi cũng phải sửa phát âm cho các thí sinh không được đào tạo. Ban Tổ chức cũng đã cử các chuyên gia hỗ trợ rất chu đáo. Các thí sinh sẽ tập phát âm chuẩn trong thời gian ngắn, đó là một thử thách. Mà đã tham gia cuộc chơi này thì bắt buộc phải chấp nhận thử thách, nỗ lực để vượt qua. Thực tế, với những người có ý thức chuẩn bị tốt thì ngay từ khi nhận được thông tin phát động cuộc thi, người ta đã có kế hoạch chu đáo cho mình rồi.
- Để cho phần thi của mình được chu đáo hơn, hẳn các thí sinh đều muốn được giám khảo tư vấn hỗ trợ. Chị đã hỗ trợ các thí sinh như thế nào?
+ Tôi tư vấn cho các thí sinh về phần thanh nhạc. Họ nên chọn những bài hát nào để phù hợp với chất giọng của mình, hợp cả về tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Khi đi thi, vấn đề là các bạn chọn được bài vở phải phù hợp với khả năng của từng thí sinh. Mỗi thí sinh sẽ có thế mạnh hát dòng nhạc gì, như dòng nhạc dân gian, dòng nhạc thính phòng hay nhạc nhẹ. Rồi tiếp theo mới đến vấn đề nội dung bài hát.
- Nội dung các bài hát thí sinh đã chọn như thế nào để cho nổi bật chủ đề tình hữu nghị như tên gọi của Cuộc thi?
+ Tôi vẫn khuyên mỗi thí sinh hãy chọn cho mình những bài mang bản sắc văn hóa, về chủ đề tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình hữu nghị giữa hai quốc gia, ca ngợi tình yêu thiên nhiên hay có thể tình yêu đôi lứa cũng được. Những bài nhạc phim cũng hay mà nếu được lựa chọn phù hợp thì cũng tốt. Thực tế mọi người cũng biết rồi đấy, có những bài nổi tiếng vì là nhạc của một bộ phim hay chứ chưa chắc đã vì nội dung bài hát đó hay. Tóm lại, chọn bài hát hãy chọn sao cho có thể phô được giọng hát của mình.
- Nhưng nếu chọn bài nổi tiếng thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn không?
+ Cũng chưa hẳn. Việc chọn bài hát nổi tiếng nó là con dao hai lưỡi. Nếu bạn thể hiện tốt bài hát vốn đã nổi tiếng thì không sao. Ngược lại, nếu bạn làm không tốt thì nó sẽ "giết" bạn, vì nó đã có sẵn cái ngưỡng của nó. Người đi trước đã thể hiện quá tốt, quá xuất sắc rồi, liệu rằng bạn có vượt qua được cái ngưỡng của người đi trước để lại không. Nhưng không sao, cũng không nên lo lắng quá bởi vì mỗi một người sẽ có giọng hát với một màu sắc khác nhau. Giọng người đi trước có màu sắc khác, người đi sau lại có màu sắc khác. Ngay cả trong Cuộc thi này, các thí sinh cũng như những đóa hoa trong vườn hoa. Mỗi bông hoa sẽ khoe một sắc, có nhiều loại hoa và người ngắm hoa cũng sẽ có nhiều nhu cầu, mỗi người thích một kiểu.
- Chị đánh giá như thế nào về ý nghĩa Cuộc thi này?
+ Thí sinh hai nước thể hiện các bài hát về văn hóa, sự giao lưu, hữu nghị rõ nét ngay ở đó. Trước kia, cuộc thi có tương tác trực tiếp nên các thí sinh hai nước có nhiều cơ hội giao tiếp. Nhưng hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà phải thi trực tuyến ở vòng chung kết quốc tế. Đây là cuộc thi thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước và đã được tổ chức có truyền thống, làm tốt ngay từ lần đầu tiên. Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ninh trước kia và nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức rất tốt. Đơn vị tổ chức đã thể hiện vai trò tổ chức có trách nhiệm cao và cũng rất chu đáo.
- Cám ơn ca sĩ Lương Ngọc Diệp về cuộc trò chuyện này!
Sinh năm 1987 tại Hải Phòng, nhưng ca sĩ Lương Ngọc Diệp như có duyên với Vùng mỏ Quảng Ninh. Các sân khấu ca nhạc của Quảng Ninh trong khoảng 10 năm gần đây dường như không thể thiếu vắng Ngọc Diệp. Trưởng thành từ phong trào nghệ thuật quần chúng ngành Than, Lương Ngọc Diệp sớm bộc lộ giọng ca đầy nội lực của mình và ghi được dấu ấn sâu đậm với công chúng Quảng Ninh qua hàng loạt giải thưởng. Năm 2006, tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng TKV, Ngọc Diệp đã xuất sắc giành Huy chương Vàng đơn ca. Thời gian gần đây, Ngọc Diệp để lại dấu ấn của mình với việc sáng tác nhiều ca khúc có sức thu hút công chúng. Thành danh từ Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung, Lương Ngọc Diệp theo học và tốt nghiệp Cao học thanh nhạc, biểu diễn tại Học viện Đối ngoại nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc), vinh dự là một trong 3 lưu học sinh được nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc của Học viện. Năm 2022, lần thứ hai ca sĩ Lương Ngọc Diệp làm giám khảo của Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung. |
Phạm Học (Thực hiện)
- Vòng chung kết quốc tế cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022 sẽ diễn ra vào 14h00 ngày 23/12
- Vòng chung kết Việt Nam cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022
- Tổng duyệt vòng chung kết Việt Nam cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022
- Thí sinh Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung nỗ lực luyện tập cho đêm chung kết Việt Nam
- 10 giọng ca lọt vòng chung kết Việt Nam cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022
- 17 thí sinh dự thi bán kết Việt Nam Cuộc thi Tiếng hát hữu nghị Việt - Trung năm 2022
Liên kết website
Ý kiến ()