Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:36 (GMT +7)
CCB Binh đoàn Than sắt son với Vùng mỏ
Chủ nhật, 28/11/2021 | 08:22:59 [GMT +7] A A
Cựu chiến binh Lưu Văn Quý (tổ 4, khu 6, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) là Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than khu vực TP Hạ Long, ra đi từ ngành Than và quyết tâm trở lại đóng góp cho ngành Than.
Ông Lưu Văn Quý sinh năm 1947, tại TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Năm 1967, anh công nhân trẻ Lưu Văn Quý đang là thợ mỏ than Hà Tu, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã viết đơn xung phong nhập ngũ. Ông Quý cùng với hơn 1.100 công nhân vùng Than Hòn Gai, Cẩm Phả đã tạm xa tay máy, tay búa lên đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đơn vị đó được gọi là Binh đoàn Than, dù không có phiên hiệu chính thức trong quân đội.
Ngày 30/7/1967, Binh đoàn Than chính thức được thành lập. Sau hơn 4 tháng huấn luyện tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, chàng trai Lưu Văn Quý cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào đến tận tỉnh Long An chiến đấu ở mặt trận miền Tây Nam Bộ.
Và 14 giờ 15 phút ngày 16/12/1967, Binh đoàn Than mang phiên hiệu 921, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nghiêm Trọng Trương, bắt đầu nhằm hướng miền Nam tiến bước. Sau 45 ngày đêm hành quân gian nan vất vả, Binh đoàn đã tập kết đúng nơi quy định ở chiến trường B5, kịp tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Trong chiến dịch này, Binh đoàn Than của ông Quý đã đánh chiếm điểm cao 689, 845, 833 và cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí chiến lược quan trọng. Ông Quý tham gia trận đánh ngày 26/6/1968.
CCB Quý bùi ngùi kể lại trận chiến năm nào: “Thật không may, ngay trận đánh ấy, mình đã bị thương nặng…”. Chuyện là lần ấy, đơn vị của ông có nhiệm vụ chống càn ở ấp Bình Chánh (tỉnh Long An). Một chiếc máy bay địch từ đâu bổ nhào xuống, bắn xối xả vào đội hình của ông. Ông thấy máu chảy đầm đìa trên đầu, một nửa người tê dại nhưng sờ lên đầu không thấy có vết thương. Ông tự nhủ: "Thôi rồi, mình bị mảnh đạn găm vào trong đầu rồi". Ông bị một mảnh đạn găm vào đầu bên phải, chỉ kịp bò vào một gốc dừa rồi nằm bất tỉnh nhân sự…
Khi ông tỉnh dậy thì trời đã tối hẳn, chân tay không thể nhúc nhích, còn xung quanh tiếng lính Mỹ xì xồ xua quân lùng sục. Đau quá, ông không kìm được tiếng rên nhưng vừa cất tiếng thì chợt có ai đó bịt tay vào miệng nói: “Khẽ thôi, không địch nghe thấy chết cả lũ bây giờ”.
Quả nhiên gần đó, có tiếng lính Mỹ xung quanh đang xì xồ “Vi-xi” (Việt Cộng) rõ hơn. Lại có tiếng bước chân ai đó. Trong đêm tối, ông Quý nhận ra đó là 2 đồng đội cùng đơn vị. Thấy vậy, ông động viên: “Các đồng chí rút đi, cứ để tôi ở lại đây. Bị thương nặng ra nhiều máu lại tê dại nửa người, đằng nào tôi cũng chết. Các đồng chí phải sống”. Một đồng đội của ông quả quyết: “Chúng tôi được phân công ở lại để đưa đồng chí về nơi an toàn. Nếu chết thì cùng chết”. Nói rồi 2 người vừa bò vừa dìu theo đồng đội bị thương nặng kéo ra cánh đồng.
Ông Quý cùng đồng đội nằm im nhìn máy bay địch lượn lờ. Máy bay phản lực đạn 20 ly chỉ chờ có cử động bên dưới là bắn xuống, dưới bộ binh địch đi càn. Ông Quý nằm im giả chết và may mắn ông và đồng đội thoát được trận đó. Lúc tỉnh dậy, ông đã thấy mình được băng bó, đầu đau nhức, một nửa người bên trái phản xạ rất kém. Sau đó, ông được đưa về bệnh viện để mổ sọ não ở Tây Ninh. Hai mảnh đạn găm vào bên phải đầu, ông mới lấy ra được một mảnh.
Sau khi tạm bình phục, với mức thương tật 3/4, lại vốn là thợ kỹ thuật ở mỏ nên ông Quý được bố trí về Đoàn 281, Phân khu 3 thuộc địa phận Nam Long An làm nhiệm vụ sản xuất vũ khí. Trong chiến trường, ông được kết nạp Đảng. Đầu năm 1970, do vết thương hành hạ, sức khoẻ ngày càng yếu đi, không thể đáp ứng được công việc, ông Quý được đưa ra Bắc điều trị.
Ông kể, phải đi bộ ròng rã hàng năm trời mới ra được miền Bắc. Trên đường ông ra Bắc, máy bay Mỹ ném bom, biệt kích chặn đường cộng với đói rét, bệnh tật ốm đau làm ông nhiều lần chết đi sống lại. Không ít đồng đội của ông đã hy sinh. Có lần, đang ở trạm cứu thương giữa rừng Trường Sơn, ông Quý bị ốm kịch liệt thập tử nhất sinh. Ông dặn dò đồng đội, khi ông chết hãy mang những kỷ vật chiến trường về Vùng mỏ cho gia đình mình.
Lần đó, không biết có phép tiên nhiệm màu nào mà ông đã qua khỏi. Sau đó, ông Quý về Quảng Ninh. Dù có nhiều cơ hội làm việc khác nhưng ông nhất định vào mỏ Hà Tu tiếp tục công tác như ngày chưa có chiến tranh. Ông làm thợ kỹ thuật, có nhiều sáng kiến nâng cao năng suất lao động. Ông làm Bí thư Đoàn ở Mỏ Hà Tu.
Sau này, ông nghỉ hưu sống cùng con cháu ở phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương ở đầu lại làm ông Quý đau đớn. Nhiều đêm thần kinh không ổn định, những cơn mơ lại đến. Tỉnh dậy ông lại ôm đầu. Trong cơn mơ của ông, bóng hình đồng đội Binh đoàn Than và những kỷ niệm năm xưa vẫn còn hiển hiện như mới hôm nào.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()