Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 05:45 (GMT +7)
Vun đắp yêu thương
Thứ 5, 13/06/2024 | 08:44:22 [GMT +7] A A
“Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”, hướng đến xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong muốn của mọi người và cả xã hội. Để xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình, cách làm hiệu quả, thúc đẩy bình đẳng giới bền vững.
Bình yên Ngôi nhà Ánh Dương
Bạo lực gia đình xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản, không phân biệt khu vực, văn hóa, thu nhập, mức sống, tuổi tác, địa vị... gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trong số 66 vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, có đến 98% nạn nhân là nữ, và bị bạo lực cả về tinh thần và thân thể.
Chị N.H.H (38 tuổi, ở phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long) là nạn nhân đã phải sống trong cảnh bạo lực gia đình suốt gần 10 năm. Chị H không chỉ bị chồng xúc phạm bằng lời nói, mà còn thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn từ những cơn ghen tuông vô cớ. Dù phải chịu đựng nỗi đau đớn cả về thể xác và tinh thần, nhưng chị H vẫn cam chịu do phụ thuộc về kinh tế và muốn giữ cho con một gia đình hoàn chỉnh.
Khi được đưa tới tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương, được các tư vấn viên chăm sóc, giúp đỡ, chị H như tìm được phao cứu sinh. Chị H chia sẻ: Bị đánh đập, mắng chửi thời gian dài, nhiều khi tôi chỉ muốn tìm đến cái chết, nhưng nghĩ đến con, tôi lại chỉ biết nuốt nước mắt mà sống tiếp. Đến đây, được các tư vấn viên chia sẻ, động viên tinh thần, tôi đã ổn định được tâm lý, tôi hiểu nếu cứ tiếp tục cam chịu thì không chỉ bản thân, mà con mình cũng khổ, không có tương lai.
Sau nhiều nỗ lực, quyết tâm, cũng như được sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, hiện nay chị H đã mở được một cửa hàng hoa nhỏ, tự chủ được cuộc sống và không còn phải trong cảnh nơm nớp lo sợ như trước đây nữa.
Cùng cảnh ngộ như chị H, chị H.D.L (26 tuổi, ở thị xã Đông Triều) cũng bị chồng bạo lực cả về tinh thần và thể xác. Mỗi lần 2 vợ chồng mâu thuẫn, chị lại bị chồng đánh, thậm chí bôi nhọ danh dự, ngăn cấm chị đi làm. Không chịu nổi những cơn bạo hành của chồng, chị L mang theo con nhỏ đến tạm lánh ở Ngôi nhà Ánh Dương. Hơn 1 tháng sống tại đây, chị L đã bình tâm lại, được các bác sĩ, tư vấn viên của trung tâm hướng dẫn những kỹ năng để có thể phòng ngừa, tự bảo vệ mình, giúp chị có quyết tâm để bứt ra khỏi cuộc sống bế tắc cũ.
Ngôi nhà Ánh Dương - mô hình nhà tạm lánh được thành lập tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội) từ tháng 4/2020, đã trở thành điểm tựa, chốn bình yên cho nhiều phụ nữ bị bạo hành như chị H, chị L. Tại đây, các nạn nhân của bạo lực gia đình được cung cấp những dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, bao gồm: Hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng và tại văn phòng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc, hỗ trợ y tế, chuyển tuyến, kết nối hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm.
Ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Những nạn nhân bị bạo lực giới khi có nhu cầu đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực. Năm 2023, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, thiết yếu cho 3 nạn nhân bị bạo lực; tư vấn, kết nối hỗ trợ tại cộng đồng cho 15 trường hợp. Đối tượng thuộc diện can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi cơ bản, chính đáng, hạn chế thấp nhất những rủi ro cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chung tay ngăn ngừa bạo lực
Xác định xóa bỏ bạo lực gia đình là yếu tố quan trọng để thực hiện bình đẳng giới, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Toàn tỉnh hiện duy trì 125 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 301 CLB phòng chống bạo lực gia đình (CLB gia đình phát triển bền vững); 508 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 1.025 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 1 trung tâm cấp tỉnh (Ngôi nhà Ánh Dương).
100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập CLB phòng, chống bạo lực gia đình, với 793 mô hình tổ, nhóm hòa giải cơ sở. Các mô hình này chủ yếu nằm ở khối đoàn thể, ở các khu dân cư; trong đó Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên là hạt nhân, với các CLB: “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”...
Các mô hình, CLB đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng gia đình theo tiêu chí ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các thành viên trở thành những tuyên truyền viên ở cơ sở, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Gia đình bà Nguyễn Thanh Hương (tổ 13, khu 3, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của phường nhiều năm liền. Chia sẻ về những kinh nghiệm xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc suốt 40 năm qua, bà Hương cho biết: Để mầm mống bạo lực gia đình không có cơ hội nảy sinh thì chính các thành viên trong gia đình cần phải biết vun đắp yêu thương bằng sự tôn trọng, nhường nhịn, thấu hiểu và cảm thông cho nhau. Vào những ngày cuối tuần, tôi thường làm những món ngon, mới lạ để cả gia đình cùng quây quần, chia sẻ những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Thời gian rảnh, vợ chồng tôi sẽ tổ chức những chuyến du lịch cho cả nhà đi cùng nhau, vừa để các con, các cháu được vui chơi, vừa giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết.
Để giữ được một gia đình ấm cúng, không có những lời to tiếng, không có đòn roi, bà Hương cho rằng, điều quan trọng trước tiên là vai trò của ông bà, bố mẹ. Ông bà chính là trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình, là tấm gương về đạo đức, lối sống để con cháu học tập và noi theo. Trước khi làm việc gì, ông bà đều cùng nhau bàn bạc rồi mới quyết định. Vì vậy, mái ấm gia đình của ông bà suốt mấy chục năm qua luôn tràn ngập niềm vui.
Với những kinh nghiệm sống của mình, bà Hương cùng các hội viên Hội Phụ nữ cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, là người hòa giải cho nhiều gia đình trong cùng tổ dân, khu phố khi có mâu thuẫn. Mỗi khi trò chuyện, tâm tình, bà đều nhấn mạnh, chỉ có vun đắp yêu thương bằng sự thấu hiểu, cảm thông thì bạo lực gia đình mới không có cơ hội nảy sinh.
“Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương” cũng chính là chủ đề của Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, diễn ra từ ngày 1 đến 30/6. Thực hiện kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm 2024 trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong toàn tỉnh đang tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép trong các hội thảo, hội nghị tập huấn chuyên đề, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.
Các hoạt động được tổ chức, triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả đến các thôn, khu, tổ chức, đơn vị trong toàn tỉnh, qua đó tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; nâng cao mức sống trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là chú ý các gia đình chính sách, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng vận dụng các quy định của pháp luật để tự bảo vệ cho những nạn nhân bạo lực gia đình; nâng cao tính tích cực xã hội của cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Văn hóa và Thể thao tích cực hướng dẫn các địa phương lồng ghép, đưa các tiêu chí “Không có bạo lực gia đình”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... vào xét công nhận các danh hiệu văn hóa. Tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ tộc trong giáo dục, duy trì sự ổn định, đoàn kết yêu thương trong gia đình, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Ngọc Ánh - Thu Hoài
Liên kết website
Ý kiến ()