Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:34 (GMT +7)
Thiết thực chăm lo đời sống người dân
Thứ 7, 13/04/2024 | 06:28:52 [GMT +7] A A
Trong quá trình đổi mới, phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội nhằm mang lại cuộc sống ngày một tốt hơn cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo... Với những giải pháp cụ thể được triển khai thời gian qua đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống và nâng cao thu nhập, phúc lợi cho nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Quan tâm đối tượng chính sách, người yếu thế
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang gấp rút để hoàn thành chương trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong không khí khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các công trình, những gia đình thuộc diện thụ hưởng rất phấn khởi khi đón nhận sự quan tâm, sẻ chia của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh. Ông Từ Kim Tú, thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) là người có công với cách mạng, phấn khởi cho biết: Nhiều năm trước, ngôi nhà cấp 4 của gia đình xuống cấp, nhưng gia cảnh khó khăn nên chưa thể xây dựng lại ngôi nhà. Cuối năm 2023, gia đình nhận được hỗ trợ xây nhà theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh với số tiền 80 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ của họ hàng, gia đình đã xây được ngôi nhà mới khang trang - niềm mơ ước của gia đình ông về ngôi nhà vững chãi đã thành hiện thực.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều hộ gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sĩ cũng có chung niềm vui khi được chuyển về ở trong ngôi nhà mới đầy nghĩa tình.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 649 hộ người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ nhà ở theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ năm 2023, trong đó 201 hộ được hỗ trợ xây mới và 448 hộ sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã có 478 hộ đã thi công nhà ở (đạt 74% kế hoạch), kinh phí đã hỗ trợ 21,6 tỷ đồng (đạt 62% kế hoạch). Nhiều địa phương như: Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái đã hoàn thành 100% so với kế hoạch của tỉnh đề ra.
Không riêng Đề án này, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021-2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.291 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí trên 78,3 tỷ đồng... Đây là hoạt động thiết thực đầy ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tri ân những cống hiến, hy sinh và những đóng góp to lớn của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, tỉnh cũng dành nhiều quan tâm lớn chăm lo cho đối tượng yếu thế, nhất là người khuyết tật và trẻ mồ côi. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.707 trẻ em khuyết tật và khuyết tật đặc biệt nặng; 258 trẻ mồ côi cả cha và mẹ; 8.506 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp, tham mưu tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, quan tâm và chăm sóc tốt hơn các đối tượng này. Là “cầu nối” người khuyết tật và trẻ mồ côi với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, thông qua Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã có gần 140 lượt học sinh, sinh viên mồ côi, khuyết tật được đỡ đầu thường xuyên, với mức hỗ trợ từ 500.000 đến 1.000.000 đồng/người/tháng. Với sự quan tâm hỗ trợ đó, đã giúp nhiều trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, có thêm cơ hội để "viết tiếp" những ước mơ của cuộc đời khi ở trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2021 đến nay, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh còn duy trì lễ phát động “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh” vào Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4). Tính đến ngày 10/4, đã có nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em năm 2024, tổng số tiền tiếp nhận trên 3,2 tỷ đồng.
Tiếp tục tạo động lực để phát triển bền vững
Tỉnh Quảng Ninh xác định, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là tạo động lực cho sự phát triển bền vững, thời gian qua tỉnh triển khai hàng loạt chương trình, chính sách cho công tác an sinh xã hội, phát triển KT-XH. Đặc biệt, tỉnh lồng ghép Nghị quyết số 06-NQ/TU “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng NTM, từ đây đã hỗ trợ tích cực cho khu vực còn nhiều khó khăn có thêm những điều kiện để phát triển, người dân được thụ hưởng những chính sách, thành quả của sự phát triển.
Trong 3 năm qua, tỉnh đã huy động trên 118.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU và các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nguồn vốn tín dụng và huy động ngoài ngân sách chiếm trên 84%, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm khoảng 16% tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH mang tính động lực. Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS của tỉnh thay đổi từng ngày. Hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS); 100% số xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh...
Thực hiện công tác an sinh, phúc lợi xã hội, tỉnh thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà và thực hiện đầy đủ, các chế độ cho các đối tượng. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh tổ chức tặng 342.531 suất quà Tết và thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ, chính sách người có công và trợ giúp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, kéo theo đó là những khó khăn về việc làm của người lao động, tỉnh đã chỉ đạo nhiều nội dung về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho lao động địa phương. Các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg (ngày 28/9/2015) của Thủ tướng Chính phủ cho lao động, giai đoạn 2021-2023, theo đó, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp cho 4.701 lao động nông thôn (29,77% học nghề nông nghiệp, 69,23% học nghề phi nông nghiệp). Riêng quý I/2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm 7.000 lao động; tuyển sinh đào tạo nghề ước đạt 4.500 người.
Bên cạnh đào tạo nghề, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh quan tâm nắm bắt nhu cầu việc làm, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác dạy nghề. Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động nông thôn tại huyện Bình Liêu, do Sở LĐ-TB&XH vừa tổ chức mới đây, nhiều giải pháp đã được hội nghị đề cập đến, đó là: Chú trọng tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề, tổ chức các lớp học nghề phù hợp với địa phương; quan tâm điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai, lồng ghép các chương trình, đề án gắn đào tạo nghề với tiềm năng thế mạnh của địa phương; xây dựng đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo nghề và phối hợp với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để gắn đào tạo với giải quyết việc làm...
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, thể trạng cho người dân cũng được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, ngành Y tế đã chủ động xây dựng cơ chế thu hút các đối tượng chất lượng cho y tế xã, huyện, tỉnh và được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023. Các đơn vị y tế trong tỉnh có các giải pháp sử dụng chung nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với hoạt động chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tuyến. Các đơn vị duy trì và đảm bảo an toàn công tác khám, chữa bệnh, công tác thường trực cấp cứu phục vụ nhân dân, không để xảy ra các sự cố y khoa do nguyên nhân chủ quan của nhân viên y tế.
Tính đến đầu năm 2024, các chỉ tiêu về y tế của tỉnh cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu cả nước. Cụ thể: Bệnh viện đạt 55 giường bệnh/vạn dân (toàn quốc đạt 32 giường bệnh/vạn dân); 15 bác sĩ/vạn dân (toàn quốc đạt 12 bác sĩ/vạn dân); 4,02 dược sĩ đại học/vạn dân (toàn quốc đạt 3,06 dược sĩ đại học/vạn dân); 24 điều dưỡng/vạn dân (toàn quốc đạt 13 điều dưỡng/vạn dân). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 95,3% (mục tiêu toàn quốc là 93,2%). Đến hết năm 2023, tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương, điển hình trong một số lĩnh vực, như: Hồi sức cấp cứu, phẫu thuật mổ tim hở, can thiệp tim mạch, ung bướu, phẫu thuật sọ não, cột sống, phẫu thuật khớp, nghiên cứu tầm soát và chẩn đoán trước sinh, triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng và tế bào gốc...
Ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục đề xuất danh mục, tiến độ đầu tư các dự án quan trọng, khởi công mới giai đoạn 2023-2025 và đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết 180/NQ-HĐND (ngày 8/12/2023), gồm: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cơ sở 2 tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long); Dự án cải tạo, xây mới Trung tâm Y tế Đông Triều; Dự án cải tạo, xây mới trụ sở các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn 1) và sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm kiểm nghiệm. Đây là những bước tiến quan trọng về đầu tư y tế góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 về “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, hiện nay các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa đặc sắc Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển. Qua đó, tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của tỉnh: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc, cùng với hệ giá trị con người Quảng Ninh gồm các phẩm chất: Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh. Tất cả hướng đến mục tiêu mang lại hạnh phúc cho nhân dân và vì sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()