Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 23:59 (GMT +7)
Chăm lo cho thân nhân thợ lò - Nét đẹp văn hóa ngành Than
Thứ 2, 12/12/2022 | 07:36:09 [GMT +7] A A
Không chỉ cố gắng làm tròn trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động, TKV còn xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ thân nhân những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, nhiều doanh nghiệp thành viên đã tạo điều kiện về việc làm, hỗ trợ kinh phí học tập, xây, sửa nhà ở cho vợ và con công nhân không may bị tai nạn lao động nặng, tử vong. Điều này không chỉ thể hiện sự sẻ chia của những người thợ mỏ trong lúc khó khăn, hoạn nạn, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy văn hoá thợ mỏ trong đời sống và lao động sản xuất.
Sẻ chia khó khăn, hỗ trợ thiết thực
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Chắc lần đầu ở bếp ăn của Phân xưởng Đời sống, Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin, khi chị mới được nhận vào làm việc. Chị có dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn tay bê những khay đồ ăn nóng hổi phục vụ những thợ lò ăn ca. Có vài lời phàn nàn của anh em thợ lò, nhưng chị Chắc luôn tươi cười, pha trò để mọi người ăn vui vẻ, ngon miệng. Chị Nguyễn Thị Hồng, Quản đốc Phân xưởng Đời sống, giới thiệu với tôi: Chị Chắc là vợ một thợ lò đã mất vì tai nạn lao động, được Công ty nhận vào làm việc theo diện "gia đình chính sách"...
Công việc của chị Chắc là dọn, bưng bê đồ ăn phục vụ công nhân, thợ lò ăn ca hằng ngày. Ca 1 có hơn 1.000 thợ lò cùng ăn, cả ngày là hơn 3.000 người. Công việc khá bận rộn, vất vả, nhưng ai cũng thấy chị Chắc luôn vui vẻ tươi cười. Chị bảo: "Mình là vợ thợ lò, nên anh em thợ lò chính là người thân của mình".
Gia cảnh chị Chắc rất khó khăn. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Phân xưởng Thông gió - Thoát nước của Công ty CP Than Mông Dương, không may bị tai nạn lao động, mất khi mới 35 tuổi. Khi ấy chị Chắc không có công ăn việc làm, nỗi buồn đau và áp lực cơm áo gạo tiền khiến cuộc sống của người mẹ trẻ cùng 3 đứa con thơ rơi vào cảnh bế tắc.
"Ngày đó chị em Phân xưởng Đời sống thường đến thăm và động viên chị Chắc đi làm để có thu nhập nuôi 3 cháu nhỏ. Chị Chắc có nguyện vọng được vào Công ty làm. Công đoàn Công ty đã xem xét và bố trí công việc phù hợp cho chị Chắc ở Phân xưởng. Năm 2017, chị Chắc chính thức được nhận vào làm ở Phân xưởng, lương khoảng 5,5 triệu/tháng và chỉ đi ca 1 để có thời gian chăm sóc các con. 3 đứa con của chị được hỗ trợ 745.000 đồng/tháng/cháu theo diện hỗ trợ gia đình chính sách của Công ty" - Chị Hồng kể.
Có việc làm ổn định, được Công ty hỗ trợ, gánh nặng kinh tế trên đôi vai chị Chắc được vơi bớt, nhưng cuộc sống của người mẹ đơn thân với 3 đứa con đang trong độ tuổi ăn học vẫn còn rất khó khăn.
Căn nhà cấp 4 ở ven bờ sông Mông Dương do vợ chồng chị chung lưng đấu cật, dành dụm, gom góp nhiều năm trời mới xây được, qua thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. “Cuộc sống của 4 mẹ con chỉ trông vào đồng lương công nhân, phải chắt chiu lắm tôi mới lo được cho các con ăn học đầy đủ. Nhà cũ dột nát nhưng chẳng biết bao giờ tôi mới sửa sang lại được cho chắc chắn, nói gì đến mơ về một ngôi nhà mới...” - Chị Chắc tâm sự.
Mơ ước của chị Chắc giờ đã trở thành sự thật. Năm 2021 chị Chắc được hỗ trợ 180 triệu đồng để xây nhà ở mới; trong đó, 100 triệu đồng từ Chương trình "Mái ấm Công đoàn" TKV; 80 triệu đồng từ Chương trình "Nhà tình nghĩa" - chính sách riêng có của Công ty CP Than Mông Dương, dành cho những thợ lò không may tử vong vì tai nạn lao động. Cùng với sự hỗ trợ của gia đình, ủng hộ ngày công lao động của các đồng nghiệp Phân xưởng nơi chồng chị từng công tác, vừa qua chị và các con đã được dọn về ở trong căn nhà mới.
Đón chúng tôi đến thăm nhà mới, chị Chắc không giấu được những giọt nước mắt xúc động khi "khoe" không gian sống mới của 4 mẹ con. Mấy đứa trẻ mừng ra mặt, chúng bảo, ở trong nhà mới ấm lắm, không rét và dột như nhà cũ.
"Cho đến bây giờ, nhìn lại những ngày tháng đã qua, tôi cảm thấy mình vẫn còn quá may mắn. Tôi được lãnh đạo Công ty, quanh tôi là những đồng nghiệp cũ của chồng tôi và nay là đồng nghiệp của tôi luôn hết lòng giúp đỡ 4 mẹ con tôi trong công việc và trong cuộc sống. Những ân tình quý giá này sẽ theo mẹ con tôi đến suốt cuộc đời” - Chị Chắc chia sẻ.
Cùng cảnh mất chồng khi con còn thơ dại, chị Nguyễn Thị Thanh Vui đã vượt lên khó khăn từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Công ty CP Than Mông Dương. Bằng chính sách chăm lo cho thân nhân thợ lò bị tai nạn lao động, Công ty đã bố trí công việc cho chị Vui tại Phân xưởng Năng lượng, với mức lương ổn định 7 triệu đồng/tháng.
Và cũng như chị Chắc, vừa qua chị Vui được Công ty hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà (tại khu 7, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) là nguồn động lực to lớn để chị vượt khó, vươn lên. Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Vui thêm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của chị và các con. Chị chia sẻ: “Có việc làm ổn định, lại được Công ty hỗ trợ xây nhà mới, tôi có thêm động lực để làm việc và chăm lo cho các con. Tôi vô cùng biết ơn Công ty và ngành Than đã có nhiều chính sách dành cho thân nhân thợ lò. Chồng tôi đã từng cống hiến cho Công ty, giờ đây tôi cũng coi Than Mông Dương như ngôi nhà thứ hai của mình và sẽ gắn bó lâu dài với đơn vị”.
Chị Nguyễn Thị Chắc và chị Nguyễn Thị Thanh Vui là 2 trong số 19 vợ thợ lò được Công ty CP Than Mông Dương giải quyết việc làm và đảm bảo mọi chế độ chính sách.
Ông Nguyễn Công Tuân, Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho biết: Cùng với bố trí việc làm cho vợ thợ lò không may bị tử vong vì tai nạn lao động, Công ty còn hỗ trợ các gia đình xây, sửa chữa nhà ở. Mức hỗ trợ xây mới nhà ở theo Chương trình "Mái ấm Công đoàn" TKV là 100 triệu đồng/gia đình, Công ty hỗ trợ thêm 80 triệu đồng/gia đình; con của thợ lò đã mất được hỗ trợ hơn 700.000 đồng/tháng/cháu đến năm 18 tuổi, nếu có nguyện vọng sẽ được bố trí công việc tại mỏ. Bố mẹ thợ lò đã mất cũng được hưởng mức tiền hỗ trợ tương tự khi hết tuổi lao động.
Thu hút và giữ chân thợ lò ngày một tốt hơn
Truyền thống đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn giữa những người thợ mỏ đã trở thành một nét đẹp văn hóa của TKV và các doanh nghiệp ngành Than. Sự sẻ chia ấy đã tạo nên chất keo gắn kết tình đồng chí, đồng nghiệp giữa những cán bộ, công nhân, thợ mỏ thành một khối đoàn kết, thống nhất, tạo nên sức mạnh để ngành Than vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Cũng nhờ chính sách nhân văn và nét đẹp văn hóa này, các mỏ đã thu hút được rất nhiều lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước về Quảng Ninh làm việc, trung bình khoảng 3.500 người/năm. Dẫu biết công việc khai thác mỏ vất vả, nặng nhọc và luôn tiềm ẩn những rủi ro, nhưng rất nhiều thợ lò vẫn yên tâm lựa chọn, gắn bó lâu dài với nghề.
Anh Nguyễn Văn Huân (SN 1983), từng là một thợ lò lành nghề của Công ty Than Uông Bí - TKV, không may bị mất khả năng đi lại trong một tai nạn lao động cách đây 10 năm, phải nghỉ việc. Trải lòng với chúng tôi, anh nói: “Khi biết bản thân không còn lành lặn, tôi đã rất suy sụp. Nhưng rồi tôi thấy mình vẫn còn may mắn khi được Công ty dành sự quan tâm, tạo điều kiện để tôi chữa trị tốt nhất, giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, Công ty nhận vợ tôi vào làm việc ở Phân xưởng Đời sống, thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng”.
Bằng trách nhiệm và tinh thần sẻ chia với những trường hợp không may bị tai nạn lao động, TKV và các đơn vị đã xây dựng nhiều chính sách chăm lo đặc biệt cho thân nhân họ. Sự chăm lo này vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa thay lời tri ân về những đóng góp của công nhân, thợ mỏ với đơn vị, đồng thời cũng trở thành “phao cứu sinh” giúp vợ, con, thân nhân thợ lò có một sự đảm bảo về cuộc sống và tương lai.
Sự quan tâm, chăm lo cho đời sống thợ lò cùng những chính sách đặc biệt cho thân nhân họ đã góp phần xây dựng văn hóa ngành Than, tạo sức mạnh nội sinh để TKV và các doanh nghiệp ngành Than phát triển bền vững.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()