Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 01:26 (GMT +7)
Chăm lo, đồng hành cùng người khuyết tật
Thứ 7, 18/09/2021 | 06:46:49 [GMT +7] A A
Người khuyết tật (NKT) là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Thấu hiểu những khó khăn của NKT, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã dành rất nhiều sự quan tâm, vận động nhiều nguồn lực, mang ý nghĩa lan tỏa tấm lòng nhân ái, giúp NKT có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách trợ giúp NKT, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn các hoạt động và ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc hỗ trợ đối tượng NKT trên địa bàn. Điều này được thể hiện qua các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH từng giai đoạn và hằng năm của tỉnh.
Hệ thống chính sách đối với NKT ở Quảng Ninh cũng được quan tâm và có nhiều điểm mở rộng, có lợi cho NKT. Theo tổng kết của Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2010-2020, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng lên 350.000 đồng/tháng (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định), đảm bảo hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cơ bản của NKT.
Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Chính sách đối với NKT của Quảng Ninh được xây dựng, phát triển trên nền tảng chính sách của Nhà nước, được hoàn thiện phù hợp, bổ sung theo từng nhóm chính sách, phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của tỉnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác an sinh xã hội.
Theo đó, hằng năm vào dịp Ngày NKT Việt Nam (18/4), tỉnh đều tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì NKT&TMC”, nhằm tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung tay trợ giúp NKT.
Đồng thời, công tác tuyên truyền phổ biến luật NKT được các sở, ngành, địa phương thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh tổ chức 57 hội nghị truyền thông tại cộng đồng cho 4.470 người; in 20.000 tờ rơi; phát hành 7.000 cuốn “Chính sách pháp luật dành cho NKT” và 3.000 cuốn sổ tay “Ngôn ngữ ký hiệu” với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.
Đặc biệt, NKT trong tỉnh còn được quan tâm, hỗ trợ về nhà ở, tạo cuộc sống ổn định. Riêng năm 2020, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống nhất và quyết định hỗ trợ xây dựng 107 nhà ở cho NKT&TMC nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ sở tổ chức khám chữa bệnh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc sức khỏe của NKT. NKT được nằm giường riêng tại các khoa điều trị nội trú khi đông bệnh nhân.
100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời. Giai đoạn 2013-2020, tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc cho hơn 1.924 đối tượng là NKT hệ vận động. Trong đó, thực hiện phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 238 đối tượng và trang cấp 321 dụng cụ chỉnh hình, với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, tỉnh còn quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT từ 10-15 tỷ đồng/năm, khuyến khích NKT tích cực tham gia học nghề để có việc làm, tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.
Toàn tỉnh thành lập, công nhận 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT. Trong đó có 4 doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT được hỗ trợ vốn từ Quỹ việc làm dành cho NKT của tỉnh, để mua sắm thiết bị, hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng nhiều chương trình, hành động cụ thể và thiết thực, nhằm hỗ trợ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân với công tác NKT, giúp NKT vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()