Tất cả chuyên mục

Có những người đã sống gần chục năm trong Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh (Quang Hanh, TP Cẩm Phả), thế nhưng không ai biết họ là ai, bởi ngay cả họ cũng chẳng biết mình là ai nữa. Họ mang cái tên chung chung là “những bệnh nhân vô thừa nhận” với hàng loạt “không”. Đó là không tên, không tuổi, không biết cha mẹ mình là ai, không biết quê quán mình ở đâu, không bảo hiểm y tế… và cuối cùng là không có ai nhận họ là người thân.
Ước mơ trở thành người bình thường
Nếu như ai đó trong số chúng ta đã từng chán nản với cuộc sống bình thường mà viển vông mơ đến cuộc sống cao sang, thì hãy nhớ rằng có nhiều người chỉ mơ có cuộc sống như người bình thường.
![]() |
Tên của bệnh nhân được đặt theo cách riêng trong danh sách bệnh nhân vô thừa nhận nội trú của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh. |
Hiện nay, trong số hàng trăm bệnh nhân tâm thần được điều trị tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, thì có 47 bệnh nhân vô thừa nhận. Trong đó có 32 bệnh nhân nam và 15 bệnh nhân nữ.
Trong buổi làm việc của chúng tôi với các lãnh đạo Bệnh viện, họ đưa cho chúng tôi xem tờ “Thống kê bệnh nhân vô thừa nhận nội trú” mà nếu chỉ nhìn lướt qua thì chẳng ai biết đó là giấy gì. Nó vừa quen lại vừa lạ, quen vì là tên các địa phương như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái..., lạ vì ngoài đời thường chắc không ai có cái tên như vậy.
Gần đến cuối hàng tên trong tờ giấy mới lộ ra vài cái tên người, chứng tỏ rằng họ cũng đã từng có tên như những người bình thường khác. Theo các lãnh đạo Bệnh viện, tên họ được đặt thế này để khỏi nhầm lẫn và là tên của địa phương đưa họ đến đây.
![]() |
Nhờ được chăm sóc tốt, nếu chỉ nhìn qua các bệnh nhân đều như người bình thường. Ảnh một bệnh nhân làm dáng khi phóng viên chụp ảnh. |
Những người chăm sóc các bệnh nhân vô thừa nhận cho biết, bản thân các bệnh nhân không nhớ gì về mình (tên, tuổi, người thân, quê quán...). Với sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay, các nhân viên y tế của Bệnh viện cũng đã đưa hình ảnh của các bệnh nhân lên trang fanpage của Bệnh viện và các trang facebook cá nhân, nhưng đều không nhận được hồi âm.
Bệnh viện cũng nhờ đến lực lượng Công an xác định giúp qua dấu vân tay của họ nhưng cũng vô hiệu, vì trước đó họ không làm chứng minh thư, trong số họ có 15 người dự đoán là người từ Trung Quốc lang thang sang vì họ không nói tiếng Việt. Đã có vài lần, Bệnh viện nhờ người biết tiếng Trung Quốc hỏi han giúp nhưng cũng vô hiệu, vì ngay cả bệnh nhân người Việt cũng không xác minh được, họ nói lung tung lúc thế nọ, lúc thế kia.
Tại Khoa bán cấp tính nữ của Bệnh viện, nơi đang chăm sóc 48 bệnh nhân, trong đó có 15 người là vô thừa nhận. Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, những người tâm thần thường bẩn thỉu, hay gào thét xé quần, xé áo, nhưng những bệnh nhân ở đây đều sạch sẽ, hiền lành. Các bác sĩ cho hay, hiện nay từ sự tiến bộ vượt bậc của y học nên thuốc dành cho các bệnh nhân tâm thần đã tốt hơn nhiều, nếu chỉ nhìn qua, họ không khác gì với người bình thường.
Tôi giơ máy ảnh ra chụp họ, một cô gái khoảng 25 tuổi chắn ngang ống kính máy ảnh của tôi rồi nhoẻn miệng cười làm dáng: “Chú chụp ảnh rồi cho cháu lên báo với, chú viết báo về chúng cháu nhớ viết hay hay để có nhiều người đọc”. Tôi mỉm cười thân thiện, nhưng lại chợt thấy buồn vì cô gái không nhớ tên mình là gì.
Khi tôi ra ngoài, bước qua tấm cửa sắt được khóa lại cách ly những người tâm thần, để họ khỏi ra bên ngoài đi lang thang, cô gái đó còn nhoài ra vẫy theo tôi qua tấm chắn song sắt: “Chú về mạnh khỏe nhé”. Tôi thấy xót thương cho họ, khi thấy họ cũng có mong muốn được nhiều người biết đến, dù cuộc đời không có gì để khoe.
![]() |
Lê Văn Nhan (ngoài cùng bên phải) dù đã xác định được thân nhân nhưng cũng vẫn là bệnh nhân vô thừa nhận vì không ai đến nhận anh |
Lê Văn Nhan, 39 tuổi, quê ở xã Tân Lập, huyện Đầm Hà là một trong số 3 bệnh nhân vô thừa nhận còn xác định được tên tuổi và các người thân trong gia đình mình. Nhan được coi là người tiến triển nhất trong số các bệnh nhân vô thừa nhận. Anh mỉm cười khi nghĩ đến một ngày nào đó, anh lại trở về quê hương Đầm Hà, rồi hòa nhập với những người bình thường. Nhan mong muốn được tôi chụp cho anh một bức ảnh. Tôi giơ máy chụp, có nhiều bệnh nhân khác cũng cố chen vào chụp cùng, có lẽ họ mong muốn có người thân của họ đọc báo rồi đến tìm họ.
"Trăm dâu đổ đầu tằm"
Theo báo cáo của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh thì từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và điều trị cho 75 bệnh nhân tâm thần vô thừa nhận, do Phòng LĐ-TB&XH các địa phương trong tỉnh đưa đến. 100% số họ được đoán là bệnh tâm thần phân liệt giai đoạn sa sút tâm thần.
Sau một thời gian quản lý và điều trị đã có 25 bệnh nhân ổn định bệnh và đã xác định được thân nhân của họ, Bệnh viện đã liên hệ gia đình đến đón và họ đã trở về với gia đình. Trong số đó có 6 người tử vong trong quá trình Bệnh viện quản lý và điều trị. Bệnh viện đã tiến hành giải quyết theo thủ tục người bệnh tử vong không có người nhận.
Trường hợp như anh Lê Văn Nhan, dù đã xác định được gia đình, người thân nhưng vẫn là bệnh nhân vô thừa nhận, vì không có ai đến nhận do bố anh đã mất, mẹ anh bị tâm thần, em gái cũng đang điều trị tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần này.
Theo những nhân viên y tế chăm sóc cho các bệnh nhân của Bệnh viện, thì còn một nguyên nhân nữa khiến không tìm được người nhà của bệnh nhân, đó là do các gia đình thường không muốn đưa người bệnh về nhà. Có người biết người nhà họ đang điều trị tại Bệnh viện, họ như trút được “gánh nặng” và coi như không hay, không biết gì mà cứ “yên tâm” phó mặc mọi việc cho các y, bác sĩ.
Họ sợ đưa người tâm thần về nhà sẽ gây ảnh hưởng cuộc sống của gia đình mình, con cái khi lớn, chuyện “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” được đề cao, nếu nhà có người điên, biết đâu... Ngoài ra còn phải trông coi người tâm thần hàng ngày cũng rất phiền phức.
Do những bệnh nhân vô thừa nhận không xác định được tên, tuổi, quê hương, bản quán của mình nên cũng không mua bảo hiểm xã hội (BHXH) cho họ được. Trong khi thực tế, nhiều bệnh nhân đã cao tuổi, ngoài bệnh tâm thần đã được xác định, họ còn mang nhiều căn bệnh khác.
![]() |
Ngoài bệnh tâm thần, nhiều bệnh nhân còn mang những căn bệnh khác. Ảnh: Một bệnh nhân vô thừa nhận mang khối u ở cổ. |
Như bệnh nhân có tên là Vũ Thị Ngà (may còn nhớ được tên mình), khoảng 40 tuổi (cũng chỉ là dự đoán) kể rằng chị bị kẻ lạ lừa bán sang Trung Quốc từ năm 9 tuổi, nên cũng chẳng biết người thân là ai, cũng có lần gặng hỏi thì chị trả lời bằng tiếng nước ngoài.
Khi từ nước ngoài về, một lần đi lang thang chị Ngà bị tai nạn giao thông ở huyện Tiên Yên cụt một chân. Sau khi được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Yên, chị lại được đưa về Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh vì được xác định là bị bệnh tâm thần. Nhưng chỉ ít ngày sau, chân của chị Ngà lại bị nhiễm trùng phải đưa vào chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chị Ngà không có BHYT, nên mọi chi phí vận chuyển đi lại, chữa trị đều phải do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh gánh chịu, trước đó Bệnh viên Đa khoa huyện Tiên Yên tự chi trả cho việc này.
![]() |
Bệnh nhân Vũ Thị Ngà bị tai nạn giao thông cụt chân khi lang thang ngoài đường. |
Vậy là “Trăm dâu đổ đầu tằm”, do chị Ngà không tự lo cho bản thân được nên buộc các y, bác sĩ của bệnh viện phải lo cho tất cả từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.
Ngay cả những bệnh nhân nam có sức khỏe thì cũng rất cần phải có sự chăm sóc nhiệt tình. Ở Khoa Bán cấp chức năng nam có 92 bệnh nhân, trong đó có 32 bệnh nhân vô thừa nhận.
Chị Hà Thị Thu Hà, điều dưỡng viên của Khoa kể: “Có bệnh nhân khi mới được tiếp nhận vào đây quần áo rách rưới, tóc tai bù xù, đầy chấy rận, nên phải mất nhiều công hướng dẫn để họ biết chăm sóc bản thân. Hàng tuần, các nhân viên y tế phải hướng dẫn lại họ cách rửa chân, đánh răng rửa mặt và cắt tóc móng tay... cho họ.
![]() |
Các nhân viên y tế chữa trị một số bệnh nhẹ khác cho bệnh nhân trong khả năng của Bệnh viện. |
Hiện nay, một công trình mang tên Trung tâm Bảo trợ tâm thần đang được xây dựng trong khuôn viên của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, do Sở Y tế làm chủ đầu tư. Công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2020 và dự kiến sẽ đưa tất cả các bệnh nhân vô thừa nhận sang nơi này.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ: “Để giúp việc chăm sóc người bệnh tốt hơn, Bệnh viện rất cần sự vào cuộc của các nhà từ thiện. Bởi hiện nay, mỗi bệnh nhân vô thừa nhận được hưởng trợ cấp của tỉnh 1.500.000 đồng/người/tháng, tương đương với 30.000 đồng/ngày cho mọi khoản chi tiêu (tháng 31 ngày thì thiếu). Bệnh viện đều phải bù vào những phát sinh hoặc khi đưa các bệnh nhân đi chữa bệnh, mai táng khi họ không may qua đời...”
Anh Vũ
Ý kiến ()