Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:29 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng trẻ em
Thứ 7, 05/10/2024 | 08:53:06 [GMT +7] A A
Với tinh thần “dành cho trẻ em những điều tốt nhất”, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tiêu biểu là các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ, huy động sự quan tâm của công đồng.
Nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho trẻ em giai đoạn 2021-2025, các ngành của Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Ngành Y tế tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại các trạm y tế và cộng đồng. Ngay từ các trạm y tế cũng thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu sau sinh tại nhà, nhằm theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần đầu tại nhà. Đặc biệt là triển khai tốt việc tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người và 3 tháng/lần/trẻ với trẻ em dưới 2 tuổi; triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi...
Từ năm 2020 đến nay, CDC Quảng Ninh đã sản xuất 400 bộ công cụ đánh giá nhanh tình trạng dinh dưỡng cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố, nhằm hỗ trợ sàng lọc nhanh trẻ dưới 5 tuổi mắc suy dinh dưỡng cấp tính trong cộng đồng để kịp thời can thiệp. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em được giảm nhiều trong những năm qua. Đặc biệt, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đối với trẻ dưới 5 tuổi giảm liên tục trong nhiều năm, từ 28% (năm 2001) xuống còn 16,5% (năm 2011), trung bình mỗi năm giảm 1,1%. Hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân là 11,89%, thấp hơn so với mức bình quân của cả nước (13,8%), song vẫn còn cao so với mức độ phát triển KT-XH của tỉnh và có sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Để trẻ em được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, các địa phương thường xuyên rà soát, kịp thời cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo BHYT miễn phí đạt 99,8%. Các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc khám, chữa bệnh cho trẻ em theo đúng quy định. Trung bình mỗi năm, các bệnh viện, trung tâm y tế đã tổ chức khám tại đơn vị và cộng đồng cho trên 297.000 lượt trẻ em, điều trị nội trú cho gần 62.000 lượt trẻ. Cùng với đó, các đơn vị y tế còn tổ chức tốt "Ngày vi chất dinh dưỡng" hằng năm; nâng cao nhận thức của mỗi gia đình về dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, với những hoạt động chủ yếu, như cân, đo chiều cao cho trẻ dưới 5 tuổi để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng.
Với vai trò của mình, các cấp Hội LHPN đang tích cực vào cuộc thông qua triển khai thực hiện Dự án 7 về “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”. Đây là một dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG về phát KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để tổ chức thực hiện Dự án 7 có hiệu quả tại địa bàn Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND (ngày 7/7/2023) phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Đặc biệt phải kể đến việc thành lập, ra mắt 16 mô hình "Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ" do Hội LHPN chủ trì thực hiện, triển khai tập trung tại 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc 8/13 địa phương của tỉnh gồm: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn.
Nội dung hoạt động được lựa chọn, tổ chức theo cách gần gũi nhất, như: Tư vấn các món ăn dinh dưỡng cho trẻ các lứa tuổi, hoặc quản lý quỹ thời gian để có thể cùng chơi và học tập với con; giải quyết một số tình huống ứng xử thường gặp giữa cha mẹ và con cái, giúp con phát triển về kỹ năng xã hội... Với sự kết nối của Hội LHPN, các thành viên còn phối hợp chặt chẽ hơn với các Trạm Y tế xã, giúp quản lý theo dõi sự phát triển của trẻ, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện. Cụ thể như các hoạt động: Tẩy giun, uống vitamin A định kỳ; cân, đo chiều cao đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng; thăm khám, tư vấn sức khoẻ định kỳ...
Những kết quả tỉnh đạt được có sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị; sự đóng góp, đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân. Thời gian tới, để công tác này thực sự hiệu quả, toàn tỉnh cần tiếp tục xác định, việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, gia đình và cộng đồng; nhất là trong việc nhân rộng các giải pháp, mô hình có hiệu quả, các có sáng kiến, sáng tạo phù hợp với thực tế cơ sở các địa phương, vùng miền.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()