Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:33 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe răng miệng như thế nào cho đúng cách?
Thứ 6, 26/05/2023 | 15:31:10 [GMT +7] A A
Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết, tuy vậy phần lớn mọi người chọn bàn chải chưa phù hợp, nước súc miệng không đúng thành phần… gây ảnh hưởng xấu đến răng miệng.
Theo các bác sĩ Khoa Răng, Bệnh viện TWQĐ 108, Chăm sóc răng miệng đúng cách giúp loại bỏ các mảng bám và sự tích tụ của vi khuẩn trong khoang miệng hiệu quả, phòng tránh các nguy cơ gây mất răng như: sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu... hạn chế tình trạng răng bị ố vàng do sự bám màu của các thực phẩm dùng hàng ngày. Vậy cách chăm sóc thế nào là đúng để đảm bảo sức khỏe răng miệng? Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nhưng chưa được chú ý khiến răng miệng bị ảnh hưởng xấu:
1. Lựa chọn bàn chải đánh răng:
- Chọn bàn chải có lông mềm hoặc các loại bàn chải được đề nghị bởi các nha sĩ.
- Thay bàn chải khi bắt đầu bị tưa (lúc đó lông bàn chải không còn đứng thẳng nữa) hay khi bị mắc các bệnh nhiễm trùng. Nên thay bàn chải từ 2 - 3 tháng.
- Không nên dùng chung bàn chải với người khác, không sử dụng bàn chải vào mục đích khác ngoài việc đánh răng.
- Rửa sạch bàn chải sau mỗi khi dùng, để ở nơi thoáng mát rộng rãi, không đụng vào bàn chải hay vật dụng khác.
2. Cách đánh răng khoa học:
- Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (đặc biệt là sáng và tối trước khi ngủ), mỗi lần kéo dài từ 2 – 3 phút.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride, tuy nhiên không nên quá lạm dụng chất này vì có thể làm răng bị đổi màu.
- Không nên đánh răng quá mạnh, nên đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi.
- Làm sạch răng và dọc theo đường lợi răng.
- Nên dùng chỉ nha khoa: Đánh răng chỉ làm sạch được 3 mặt răng do vậy ta kết hợp với sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần trong ngày.
Kỹ thuật chải răng:
Đặt bàn chải nằm theo phương ngang với độ nghiêng khoảng 45 độ so với phần viền lợi (đảm bảo đầu lông bàn chải có thể tiếp xúc trực tiếp được với cả phần răng và lợi). Sử dụng một lực vừa đủ và chải nhẹ ở mặt ngoài của tất cả các răng trong hàm với khoảng cách là 2 - 3 răng (thao tác đánh hàm trên xuống và từ hàm dưới lên). Hoặc thao tác xoay tròn để lông bàn chải có thể đi đến từng kẽ răng, lấy hết các mảng bám, cặn thức ăn.
Chải phần mặt trong của răng hàm trên và cả hàm dưới giống như cách chải mặt răng bên ngoài. Thao tác có thể chải xuống hoặc xoay tròn đều được.
Nên đặt lông bàn chải theo hướng song song với mặt nhai của hàm răng rồi tiếp tục nhẹ nhàng di chuyển đầu bàn chải khoảng 10 lần từ trong ra ngoài.
3. Dùng chỉ nha khoa:
Dùng chỉ nha khoa là cách làm hiệu quả để loại bỏ thức ăn thừa trên răng. Sử dụng một đoạn dài khoảng 30cm và quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa, chừa lại 1 đoạn giữa khoảng 5cm; ngón trỏ và ngón cái giữ căng sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho đoạn chỉ len sát mặt bên của răng, không ấn quá sâu, không kéo sợi chỉ qua lại sẽ làm tổn thương lợi, kéo sợi chỉ quanh mỗi răng theo hình chữ C và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên mỗi răng. Thay sợi chỉ khác khi chuyển qua làm sạch răng kế tiếp.
4. Sử dụng nước súc miệng
- Chọn nước súc miệng phù hợp: Có chứa Fluor và không có chất alcohol. Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
- Dùng nước súc miệng ngay sau khi đánh răng, ngậm khoảng 30 giây để tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng, không nên ăn ngay sau khi dùng nước súc miệng (ít nhất khoảng nửa giờ); không được nuốt nước súc miệng và không dùng nước súc miệng quá 2 – 3 lần/ngày.
5. Áp dụng chế độ ăn phù hợp và hạn chế hút thuốc
- Chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung canxi, vitamin.
- Hạn chế ăn quà vặt, không ăn nhiều đồ ngọt trước khi đi ngủ; Không ăn các thức ăn quá nóng, quá lạnh, quá cứng, quá chua.
- Không nên hút thuốc, những người hút thuốc thường có nhiều vấn đề về răng và nướu hơn người không hút thuốc.
6. Vệ sinh lưỡi
Không chỉ tích tụ trên răng gây tình trạng cao răng mà các mảng bám còn có thể tích tụ trên lưỡi, gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng và hơi thở có mùi hôi. Do đó, mỗi khi chăm sóc răng miệng hãy kết hợp chải răng với chải mặt trên lưỡi từ trong ra ngoài bằng bàn chải răng hoặc dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng.
7. Uống nhiều nước lọc
Nước lọc luôn là thứ đồ uống tốt nhất cho sức khỏe tổng thể và sức khỏe răng miệng cho chúng ta. Ngoài ra, theo nguyên tắc thông thường, bạn nên uống nước sau mỗi bữa ăn. Điều này có thể giúp đẩy lùi các tác động tiêu cực của thực phẩm và đồ uống có tính axit cũng như trước lần chải răng tiếp theo.
8. Thực hiện khám răng theo định kỳ
Nên khám răng theo khuyến nghị của nha sĩ, khoảng 6 tháng/lần. Khi có các dấu hiệu sau đề nghị đi khám ngay: Đau răng, sưng hoặc xuất huyết lưỡi, sưng lợi và vùng xương hàm, có vết loét niêm mạc miệng.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()